Hiệu trưởng trường THCS nói về những điểm mới trong xét tốt nghiệp

31/01/2024 06:23
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng các trường THCS phân tích về những điểm mới tại Thông tư 31/2023 về Quy chế xét công nghận tốt nghiệp THCS như giảm bớt thủ tục hồ sơ...

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại Quy chế xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở đang được thực hiện theo Quyết định 11/2006/QĐ-BGD&ĐT.

Tuy nhiên, kể từ năm học 2024-2025, Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp Trung học cơ sở sẽ có hiệu lực thay thế Quyết định 11/2006. Việc xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 4 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở được thực hiện đến hết năm học 2023-2024.

Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 15/2/2024) có những điểm mới so với Quyết định 11/2006. Đó là về số lần xét tốt nghiệp (tăng thêm 1 lần), thủ tục hồ sơ được rút gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng hoàn thành chương trình lớp 9 nhưng chưa tốt nghiệp trung học cơ sở.

Được thêm một lần xét tốt nghiệp, sẽ tạo điều kiện cho học sinh

Tại Khoản 1, Điều 3, Quyết định 11/2006 quy định:

"Đối với học sinh trung học cơ sở, mỗi năm xét công nhận tốt nghiệp một lần, ngay sau khi kết thúc năm học (theo biên chế năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo)".

Còn tại Khoản 1, Điều 3, Thông tư 31/2023 có nêu về số lần tổ chức xét tốt nghiệp là nhiều nhất 2 lần trong năm.

"Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 02 (hai) lần. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới".

Hình ảnh minh hoạ. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Hình ảnh minh hoạ. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)

Về nội dung trên, thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hồ Bốn (Mù Cang Chải, Yên Bái) cho hay, Thông tư 31/2023 quy định nhà trường được tổ chức tối đa 2 lần xét tốt nghiệp trong năm sẽ tạo điều kiện cho đối tượng học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 chưa đạt về hạnh kiểm, học lực.

"Theo quy định hiện hành, việc xét lại tốt nghiệp cho học sinh lớp 9 chỉ được thực hiện sau khi kết thúc năm học kế tiếp. Tuy nhiên, với nội dung Thông tư 31/2023, việc xét tốt nghiệp lần hai trước khi khai giảng năm học mới sẽ tạo điều kiện cho các em xét tuyển vào lớp 10 hay đi học nghề đúng thời điểm", thầy Trường cho hay.

Nghiên cứu thông tư mới, cô Đặng Thị Vân Anh - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, thực tế đối với đơn vị, hằng năm nhà trường thường cũng chỉ xét một lần tốt nghiệp và các em đều được công nhận tốt nghiệp. Để đạt được điều này, nhà trường cho những em học sinh lớp 8 không đạt về học lực sẽ ở lại lớp, rèn luyện thêm.

"Với học sinh có học lực yếu sẽ ở lại lớp 8 để rèn luyện thêm. Học sinh lớp 9 của nhà trường khi xét tốt nghiệp đều được công nhận 100%", cô Vân Anh chia sẻ.

Thầy Nguyễn Đức Toàn (Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Thuỷ, Hoà Bình) cho hay, vừa qua đơn vị nhận được văn bản chỉ đạo từ Sở về việc triển khai nội dung Thông tư 31/2023, đơn vị cũng đã chuyển tới các nhà trường để thực hiện trong năm học tới.

"Điểm mới của Thông tư là nhà trường có thể tổ chức xét tốt nghiệp lần 2 trước năm học mới, điều này giúp các em học sinh có quá trình rèn luyện trong hè, để đủ điều kiện xét tốt nghiệp", thầy Toàn nói.

Học sinh bị mất học bạ sẽ "không khó" để xin xác nhận

Tại Khoản 2, Điều 5, Quyết định 11/2006 quy định về hồ sơ dự xét tốt nghiệp là: "Nếu bị mất học bạ thì giám đốc sở giáo dục và đào tạo xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể". Như vậy đối với thí sinh lớp 9 muốn xin xét lại tốt nghiệp mà bị mất học bạ thì giám đốc sở giáo dục và đào tạo xem xét, giải quyết.

Còn tại Thông tư 31/2023 chỉ yêu cầu đối tượng trên đến cơ sở giáo dục nơi họ đã học hết lớp 9 để xin xác nhận kết quả rèn luyện, kết quả học tập lớp 9.

"Trường hợp học sinh bị mất bản chính học bạ hoặc không có bản in học bạ điện tử, thì phải có bản xác nhận kết quả rèn luyện và kết quả học tập lớp 9 của cơ sở giáo dục nơi học sinh đã học hết lớp 9", trích Điểm c, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 31.

Ngoài ra, tại Khoản 5, Điều 14, Thông tư 31 cũng nêu trách nhiệm của cơ sở giáo dục là: "Xác nhận kết quả rèn luyện và kết quả học tập của học sinh trong năm học lớp 9 cho học sinh đã theo học hết lớp 9 tại cơ sở giáo dục bị mất bản chính học bạ hoặc bản in học bạ điện tử".

Chia sẻ về nội dung trên, cô Đặng Thị Vân Anh cho hay, hiện nay, kết quả học tập của học sinh đều được nhà trường nhập lên hệ thống phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, với đối tượng muốn xét lại tốt nghiệp nhưng bị mất học bạ gốc hoặc bản in học bạ điện tử khi làm thủ tục hồ sơ, thì nhà trường không có khó khăn gì trong việc xác nhận cho học sinh.

"Thậm chí, giáo viên chủ nhiệm cũng có thể xác nhận kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 4 năm học", cô Vân Anh chia sẻ.

Tạo sự chủ động cho nhà trường

Đối với người học xong chương trình trung học cơ sở từ những năm học trước (không quá 21 tuổi) nhưng chưa tốt nghiệp (nguyên nhân do hạnh kiểm, học lực chưa đạt - PV), hồ sơ dự xét tốt nghiệp của đối tượng này ngoài bản sao Giấy khai sinh, bản chính học bạ hoặc xác nhận đối tượng ưu tiên, thì tại Khoản 4, Điều 5, Quyết định 11/2006 có quy định về việc đối tượng này phải xin Giấy xác nhận về phẩm chất đạo đức và chấp hành chính sách của Nhà nước tại địa phương.

"Đối với người học đã về cư trú ở địa phương thì do uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp; nếu đang làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp thì do cơ quan, doanh nghiệp trực tiếp quản lý cấp", trích văn bản.

Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 6, Thông tư 31/2023 quy định đối tượng nêu trên có hồ sơ dự xét tốt nghiệp gồm: Đơn đăng ký dự xét công nhận tốt nghiệp, bản sao giấy khai sinh hoặc Thẻ căn cước, học bạ xác nhận hoàn thành học hết chương trình lớp 9.

Tại khoản 6, Điều 14 Thông tư 31/2023 cũng có nêu về trách nhiệm của nhà trường tổ chức cho học sinh rèn luyện trong kì nghỉ hè; kiểm tra, đánh giá lại các môn học...

Điều này đồng nghĩa nhà trường sẽ quản lí và đánh giá hạnh kiểm của học sinh chưa đạt về hạnh kiểm, thay vì việc địa phương sẽ xác nhận Giấy xác nhận về phẩm chất đạo đức và chấp hành chính sách của Nhà nước tại địa phương.

Về nội dung trên, thầy Phạm Văn Dũng - Hiệu trưởng trường Tiểu học - Trung học cơ sở Hồng Thái (Na Hang, Tuyên Quang) đánh giá, việc bỏ quy định giấy xác nhận về phẩm chất đạo đức và chấp hành chính sách của Nhà nước tại địa phương với học sinh chưa đạt về hạnh kiểm, và thay vào đó nhà trường sẽ rèn luyện cho các em trong kì nghỉ hè, quy định mới này sẽ tạo sự chủ động cho nhà trường hơn.

Chia sẻ về việc đào tạo học sinh lớp 9 của nhà trường, thầy Dũng nói, nhà trường hằng năm chỉ có 1 lớp khối 9 khoảng 30 học sinh, các em hầu hết được công nhận tốt nghiệp. Số lượng các em không được công nhận là rất ít, những năm gần đây nhà trường chỉ có 2 trường hợp không được công nhận tốt nghiệp do hạnh kiểm yếu.

Cô Đặng Thị Vân Anh (Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thịnh Quang, Hà Nội) cho biết, theo quy định hiện hành, trước thời điểm xét tốt nghiệp, nhà trường sẽ đăng tải thông tin về việc học sinh chưa tốt nghiệp vào năm nào trước đó để người học chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ cho nhà trường xét lại tốt nghiệp.

Còn đối với học sinh hoàn thành chương trình học của lớp 9, hạnh kiểm chưa đạt thì em đó sẽ được hướng dẫn về việc rèn luyện tại địa phương và xin Giấy xác nhận về phẩm chất đạo đức và chấp hành chính sách của Nhà nước tại địa phương.

Đối với học sinh chưa đạt về môn học nào đó sẽ được nhà trường tổ chức ôn luyện lại và cho học sinh kiểm tra lại, làm tiêu chí để xét tốt nghiệp.

"Học sinh lớp 9 không đạt về hạnh kiểm sẽ về rèn luyện tại địa phương và được địa phương xác nhận, đây là cơ sở để nhà trường xét duyệt, vì nhà trường không quản lí các em trong thời gian nghỉ hè.

Còn nếu theo Thông tư mới, nhà trường sẽ tổ chức rèn luyện cho đối tượng học sinh trên, trong kì nghỉ hè cũng không có gì là khó, tạo sự chủ động hơn cho nhà trường trong công tác quản lý học sinh", cô Vân Anh chia sẻ.

Mạnh Đoàn