Học trò luôn là nguồn động lực lớn, nhiều giáo viên F0 vẫn nỗ lực giảng dạy

11/03/2022 06:48
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Có nhiều học sinh đang là F0 nhưng vẫn kiên trì học tập, nhắn tin hỏi thăm sức khỏe cô giáo, tôi tự nhủ mình càng phải cố gắng hơn”, cô Hằng tâm sự.

Mở cửa trường học, niềm vui trở lại nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo, toàn ngành giáo dục đang cùng nhau vượt qua thử thách “Covid”, các thầy cô giáo vẫn đang nỗ lực từng ngày để duy trì lớp học.

Khi trở thành F0, nhiều giáo viên vẫn kiên trì cố gắng, vừa điều trị bệnh, vừa chăm sóc gia đình, vừa đảm bảo các tiết dạy online.

Đồng nghiệp làm được, mình cũng phải làm được

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Bùi Thu Nguyệt - giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Trung học cơ sở Tây Sơn, Hà Nội chia sẻ, từ khi mở cửa trường học, giáo viên phải cố gắng để dạy học và theo dõi quá trình học tập của hai nhóm học sinh gồm học sinh học online ở nhà và học sinh học học trực tiếp tại lớp.

Cô Bùi Thu Nguyệt dù bị nhiễm Covid-19 vẫn miệt mài chuẩn bị cho giờ giảng trực tuyến của mình. (Ảnh: NVCC)

Cô Bùi Thu Nguyệt dù bị nhiễm Covid-19 vẫn miệt mài chuẩn bị cho giờ giảng trực tuyến của mình. (Ảnh: NVCC)

Chính vì vậy, giáo viên phải linh hoạt, chủ động áp dụng nhiều phương pháp dạy học, vận dụng những kỹ năng dạy học mới để đảm bảo mục tiêu, chương trình giáo dục.

Do các lớp học đều phát sinh các ca F0, sức khỏe, tâm lý của các em cũng bị ảnh hưởng. Thầy cô lại vừa đảm bảo công tác chuyên môn, vừa hỗ trợ vấn đề tâm lý cho các em.

Khi bị mắc F0, cô Nguyệt cách ly tại nhà nhưng vẫn kiên trì dạy học online.

“Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, dạy online đã được áp dụng trong hơn hai năm qua. Song, chưa bao giờ khó khăn như thời điểm hiện tại, mình bị nhiễm bệnh, vừa phải chăm sóc con gái cũng là F0, vừa thực hiện công việc dạy học hằng ngày.

Có những ngày sốt cao, rất mệt nhưng những tin nhắn hỏi thăm của các em học sinh càng khiến mình xúc động, tự nhủ bản thân phải nỗ lực hơn.

‘Cô khỏi ốm chưa? Chúng em mong chờ ngày cô trở lại trường’ – Mình hiểu những trông mong và tình cảm của các em, nhiều giáo viên cũng đang trong hoàn cảnh như mình, đồng nghiệp làm được mình cũng phải cố gắng làm được.

Chưa khỏi bệnh, mình cố gắng dạy học online, cố gắng điều trị để sớm trở lại trường dạy học trực tiếp”, cô Nguyệt tâm sự.

Cũng là giáo viên không may nhiễm Covid-19, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền – giáo viên Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Lương Yên, Hà Nội cho biết, không chỉ bản thân mà nhiều giáo viên F0 vẫn kiên trì tham gia giảng dạy.

Dẫu khi là F0, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường Trung học cơ sở Lương Yên vẫn sẵn sàng với nhiệm vụ giảng dạy. (Ảnh: NVCC)

Dẫu khi là F0, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền – giáo viên Trường Trung học cơ sở Lương Yên vẫn sẵn sàng với nhiệm vụ giảng dạy. (Ảnh: NVCC)

“Nhà trường và đồng nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ cho thầy cô F0, song, bản thân tôi luôn ý thức được rằng, đây là thời điểm tất cả mọi người đều đang căng mình để vừa phòng chống dịch, vừa duy trì việc dạy học, mình cũng cần chung sức, nỗ lực vì học trò, vì đồng nghiệp.

Có hôm đến tiết dạy nhưng tôi bị sốt cao, cô trò chúng tôi thống nhất chuyển tiết học vào một thời điểm khác. Cô trò đồng lòng, quyết tâm với mục tiêu học tập.

Đây là khoảng thời gian đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn vô cùng vẫn luôn có những niềm vui nhỏ bé, giản dị, đó là những tình cảm quan tâm, sự quyết tâm, đồng hành của học trò, phụ huynh. Và chính các em là động lực lớn lao để thầy cô cố gắng từng ngày”, cô Huyền tâm sự.

Dạy học sinh ở ba khối lớp 7, lớp 8, lớp 9, cô Thanh Huyền cho biết, việc dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến đòi hỏi giáo viên nỗ lực nhiều hơn. Đặc biệt với các em học sinh lớp 9 sắp bước vào kỳ thi quan trọng, khi đang điều trị bệnh, cô vẫn phải cố gắng đảm bảo từng tiết học cho các em.

Trách nhiệm, hết lòng với học sinh

Cả gia đình 4 thành viên đều trở thành F0 nhưng cô Nguyễn Thu Hằng – giáo viên tiếng Anh Trường Trung học cơ sở Tây Sơn vẫn kiên trì, nỗ lực trong từng tiết dạy.

Cô Hằng cho biết, cô vừa chủ nhiệm lớp 6, vừa dạy học sinh lớp 9 nên luôn phải thích ứng với dạy học trực tuyến lẫn trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Mặc dù đã sắp hết năm học nhưng cô vẫn chưa được gặp gỡ trực tiếp học sinh do mình chủ nhiệm. Chính vì vậy, cả cô và trò đang mong đợi ngày dịch bệnh qua đi để trở lại trường lớp.

Cô Nguyễn Thu Hằng quyết tâm không để lỡ một tiết học nào của học sinh. (Ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Thu Hằng quyết tâm không để lỡ một tiết học nào của học sinh. (Ảnh: NVCC)

Khi dạy học online, cô trò đều phải nỗ lực để một tiết học được hiệu quả. Lớp học bắt đầu từ 7 giờ 30 phút thì 7 giờ, giáo viên đã bắt đầu mở máy, nhắn tin vào nhóm phụ huynh nhắc con vào lớp học. 7 giờ 15 phút điểm danh, còn thiếu học sinh nào, cô giáo lại phải gọi từng phụ huynh đôn đốc các con vào lớp.

Với vai trò chủ nhiệm, cô Hằng luôn tham gia các tiết học của lớp mình ở các bộ môn khác nhau để theo dõi, nắm bắt hoạt động học tập của các em.

Ngoài công việc giảng dạy, thầy cô cũng phải cập nhật tình hình sức khỏe của các em để lên phương án học tập phù hợp, cập nhật tình hình sức khỏe của lớp lên nhà trường.

Với học sinh lớp 9, khi trở lại trường cũng rất nhiều khó khăn vì có một số học sinh nhiễm Covid-19. Có ngày đến lớp chỉ còn 4 học sinh, cô trò vẫn duy trì lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Trước khi mắc Covid-19, cô Hằng dạy học trực tiếp, có những ngày lớp chỉ có 4 học sinh, các học sinh còn lại đều phải học trực tuyến. (Ảnh: NVCC)

Trước khi mắc Covid-19, cô Hằng dạy học trực tiếp, có những ngày lớp chỉ có 4 học sinh, các học sinh còn lại đều phải học trực tuyến. (Ảnh: NVCC)

“Gần đây, không may khi tôi trở thành F0, cả gia đình 4 thành viên đều bị nhiễm Covid. Có những ngày vừa ho, vừa sốt, sau khi thông báo tình hình sức khỏe với nhà trường, Ban giám hiệu động viên tôi nghỉ vài buổi để điều trị bệnh.

Nhưng đang có nhiều thầy cô là F0, có đồng nghiệp mệt không thể làm việc, mình còn cố gắng được vẫn phải cố gắng. Nếu mình nghỉ thì các thầy cô khác lại phải hỗ trợ dạy thay, nhưng ai cũng đang căng mình với nhiều tiết dạy trong thời điểm này, mình càng phải trách nhiệm hơn với công việc, với học sinh.

Có khi đang dạy đến cơn ho phải tắt mic, sau đó cô xin lỗi học trò vì làm gián đoạn tiết học, có phụ huynh ngồi học bên cạnh con biết được rất thương cô, động viên cô nên nghỉ ngơi.

Hạnh phúc vì mình luôn nhận được tình yêu thương của mọi người. Ngay cả những học sinh đang là F0 vẫn kiên trì học tập, nhắn tin hỏi thăm sức khỏe cô giáo, tôi tự nhủ mình càng phải cố gắng nhiều hơn”, cô Hằng tâm sự.

Trong hoàn cảnh khó khăn, giữa bộn bề công việc, tinh thần, ý chí của các thầy cô giáo chính là sức mạnh, là điểm tựa để toàn ngành cùng nhau vượt qua những thách thức của dịch bệnh, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chương trình giáo dục đã đặt ra.

Phạm Minh