5 dạng trình độ cao đẳng đã và đang có ở Việt Nam

16/10/2023 06:31
Kim Ngân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nếu loại cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học, sẽ là đưa GDĐH Việt Nam trở về với đặc trưng tinh hoa - chỉ thích ứng với nền kinh tế trước công nghiệp hóa.

Tại tọa đàm khoa học Bàn về cao đẳng do Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức vào ngày 14/10, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chia sẻ về lịch sử hệ cao đẳng tại Việt Nam.

Tọa đàm bàn về cao đẳng nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia giáo dục.

Tọa đàm bàn về cao đẳng nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia giáo dục.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, Nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 25/12/1918 ban hành Quy chế về nền giáo dục cao đẳng ở Đông Dương. Ở thời điểm này có các trường cao đẳng sau:

Trường Y – Dược: đào tạo y sĩ và dược sĩ với thời gian đào tạo 3-4 năm. Tuyển sinh có bằng cao đẳng tiểu học (cấp 2).

Trường Thú y: đào tạo thú y sĩ phụ tá, thời gian đào tạo 4 năm. Đầu vào có bằng cao đẳng tiểu học.

Trường Pháp chính: đào tạo nhân viên cho bộ máy cai trị, thời gian đào tạo 2 năm. Đầu vào có bằng cao đẳng tiểu học.

Trường cao đẳng sư phạm: Đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm sơ cấp (đào tạo giáo viên tiểu học) và trường cao đẳng tiểu học, thời gian đào tạo là 3 năm. Đầu vào có bằng cao đẳng tiểu học.

Trường Nông – Lâm: Đào tạo cán sự nông, lâm nghiệp, thời gian đào tạo là 3 năm. Đầu vào có bằng cao đẳng tiểu học.

Trường Công chính: Đào tạo cán sự chuyên môn, thời gian đào tạo 2 năm. Đầu vào có bằng cao đẳng tiểu học.

Trường Thương mại: Thời gian đào tạo 2 năm, đầu vào có bằng cao đẳng tiểu học.

Trên thực tế, tất cả các trường cao đẳng được thành lập theo Nghị định nói trên đều nhằm mục đích đào tạo các cán sự giúp việc và nếu tính đến cả thời gian đào tạo và trình độ tuyển sinh thì trên thực tế đây là các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Cuộc cải cách giáo dục năm 1924-1925 đã sửa đổi quy chế về nền giáo dục cao đẳng theo hướng từng bước đưa các trường cao đẳng đã có mang tính cao đẳng thực sự.

Cụ thể: Nâng trình độ tuyển sinh: phải có ít nhất 2-3 năm trung học; Nâng thời gian đào tạo thêm trung bình 1 năm; Nâng cao nội dung giảng dạy cho tương xứng với bậc cao đẳng.

Đến đầu những năm 1940, Chính quyền thực dân đã nâng cấp một số trường cao đẳng lên thành trường đại học (Trường Đại học Y – Dược, Trường Đại học Luật Khoa), đồng thời mở thêm một số trường cao đẳng mới rồi tập hợp tất cả các trường đó vào trong một Viện Đại học Đông Dương.

Theo quy chế Đại học Pháp, trường đại học (faculté) trong các Viện đại học (Université) chỉ khác (cao hơn) trường cao đẳng (école supérieure) ở chỗ trường đại học được đào tạo và cấp học vị tiến sĩ, còn trường cao đẳng không có chức năng đó.

Thời kỳ từ tháng 9/1945 đến tháng 10/1954, ở vùng kháng chiến, sau ngày toàn quốc kháng chiến, một số trường đại học và cao đẳng phải sơ tán từ Hà Nội về các vùng nông thôn, miền núi nên phần lớn phải tạm đình chỉ việc giảng dạy ở các lớp đại học và cao đẳng mà chỉ giữ lại các lớp trung cấp.

Những trường, lớp vẫn còn duy trì được các khóa đào tạo đại học - cao đẳng ở giai đoạn này tại vùng kháng chiến là: Trường Đại học y, Trường sư phạm cao cấp về văn – sử - địa, Lớp dự bị đại học, Trường khoa học cơ bản và Trường sư phạm cao cấp về lý – hóa – sinh.

Ở vùng tạm chiếm, có các cơ sở giáo dục đại học – cao đẳng như sau: Viện đại học Hà Nội (do Chính phủ Pháp quản lý, đặt tại Hà Nội và Sài Gòn): bao gồm các Trường đại học văn khoa, Trường cao đẳng sư phạm, Trường cao đẳng công chính (đào tạo cả kỹ sư công chính), Trường quốc gia hành chính và Trường vô tuyến điện.

Thời kỳ từ tháng 10/1954 đến tháng 4/1975, ở miền Nam, hệ đào tạo cao đẳng tồn tại dưới dạng hệ thống Viện đại học cộng đồng, do các địa phương lập ra và cấp ngân sách hoạt động. Các trường này thực chất là những đại học ngắn hạn, tổ chức theo kiểu đại học cộng đồng của Mỹ và có các nhiệm vụ: Đào tạo các chuyên viên trung cấp (giáo viên trung học cơ sở, kỹ thuật viên cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh…); Đào tạo chương trình đại học 2 năm đầu để sinh viên chuyển tiếp lên đại học các năm còn lại ở các trường đại học.

Cho tới tháng 4/1975, toàn miền Nam có 4 Viện đại học cộng đồng với khoảng 2000 sinh viên.

Ở miền Bắc, sau năm 1954, hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng ở miền Bắc được xây dựng theo mô hình đại học của Liên xô. Trong hệ thống này hoàn toàn không có loại hình trường cao đẳng; bởi vậy một vài trường nếu theo thói quen truyền thống được đặt tên là cao đẳng cũng rất nhanh chóng được đổi qua tên đại học (thí dụ: cao đẳng mỹ thuật, cao đẳng mỹ thuật công nghiệp) hoặc tên trung học chuyên nghiệp.

Khái niệm “cao đẳng” không nhất quán trong suốt lịch sử giáo dục của Việt Nam

Thời kỳ từ 4/1975 đến nay, sự ra đời trở lại của loại hình đào tạo cao đẳng diễn ra từ sau năm 1975 và đặc biệt mạnh mẽ là từ khi đất nước đi vào thời kỳ đổi mới, khi giáo dục đại học Việt Nam được tiếp cận với nhiều xu hướng của giáo dục đại học thế giới.

Những dạng đào tạo cao đẳng đã và đang có ở Việt Nam, bao gồm:

Thứ nhất là cao đẳng sư phạm: Cao đẳng sư phạm là thể loại đào tạo cao đẳng lâu đời và phổ biến nhất ở nước ta.

Theo các quy định trước năm 1975, trình độ chuẩn của giáo viên từ cấp trung học cơ sở trở xuống là trung học sư phạm, tuyển sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (cấp 2) với thời gian đào tạo là 3 năm.

Tuy nhiên với nhu cầu nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên phổ thông, trước hết là của đội ngũ giáo viên trung học cơ sở nên xuất hiện xu hướng cải thiện chất lượng nguồn tuyển và thời gian đào tạo dẫn tới hàng loạt các dạng đào tạo 10/12+1, 12 +2, 12+3…

Đến năm 1978 có 16 trường trung học sư phạm đào tạo giáo viên trung học cơ sở đã được nâng cấp lên thành trường cao đẳng sư phạm (Quyết định 164-TTg ngày 21/3/1978 của Thủ tướng). Nhờ vậy Luật Giáo dục 1998 đã nâng trình độ chuẩn của giáo viên trung học cơ sở lên trình độ cao đẳng.

Theo xu hướng này, những năm tiếp theo, nhiều trường trung cấp sư phạm đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học cũng lần lượt được nâng lên trình độ cao đẳng. Xu hướng đó cũng diễn ra với các trường sư phạm kỹ thuật đào tạo giáo viên dạy nghề.

Từ năm 2019, các trường cao đẳng sư phạm địa phương gặp phải những khó khăn rất lớn. Có một số nguyên nhân:

Một là do sự thay đổi trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 nên chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở (nguồn tuyển sinh chính của trường cao đẳng sư phạm trước đây) bị cắt chuyển hẳn cho khoảng 10 trường đại học sư phạm trong khi hầu hết các trường này lại chưa có bề dày kinh nghiệm trong việc đào tạo các loại giáo viên đó.

Hai là, do định hướng quy hoạch hệ thống trường sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên một số trường cao đẳng sư phạm địa phương đã được sáp nhập vào các trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia. Đây là một sự gán ghép khiên cưỡng giữa các trường khác đẳng cấp, gây thiệt thòi lớn cho những trường địa phương có đẳng cấp thấp hơn khi phải chấp nhận tiêu chuẩn của trường đẳng cấp cao hơn trong việc bố trí sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý.

Ba là, ở một số địa phương trường cao đẳng sư phạm sau khi đã teo tóp do bị cắt giảm nhiệm vụ (chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non) có khả năng trở thành một khoa trong trường dạy nghề, chịu sự điều chỉnh theo hướng “nghề hóa”, tức không thuộc về giáo dục đại học, như chỉ đạo hiện nay của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Từ các nguyên nhân trên, qua khảo sát thực tế, có thể thấy nguy cơ tiêu vong hệ thống trường sư phạm địa phương -một hệ thống sư phạm đã được xây dựng và tồn tại từ gần 60 năm qua là rõ ràng.

Thứ hai là loại hình đại học ngắn hạn/ cao đẳng: Sau thời kỳ đất nước thống nhất, trong giáo dục đại học, cùng với hệ thống đại học dài hạn còn xuất hiện loại hình đại học ngắn hạn hoặc cao đẳng nhằm đáp ứng nhu cầu đại trà về nhân lực lao động kỹ thuật và nghiệp vụ có trình độ cao, chủ yếu cho các địa phương.

Về mục tiêu đào tạo đại học ngắn hạn nhấn mạnh việc bồi dưỡng năng lực thực hành cho người học. Về thể loại đại học ngắn hạn có 2 dạng cơ bản là cao đẳng (thực hiện ở các trường cao đẳng, ban đầu chỉ mới có 3 trường: Cao đẳng Nông-Lâm Hà Sơn Bình, Cao đẳng Nông-Lâm Thanh Hóa và Cao đẳng y tế Thanh Hóa) và đại học ngắn hạn (thực hiện trong các trường đại học).

Cao đẳng sư phạm thực chất cũng thuộc về loại hình đại học ngắn hạn.

Thứ ba, xu hướng thành lập các trường cao đẳng cộng đồng/ cao đẳng địa phương: Loạt trường loại này xuất hiện sau một số dự án hợp tác quốc tế như Dự án Việt Nam-Hà Lan, Dự án Việt Nam-Canada,…nhưng tính “cộng đồng” lại thể hiện rất yếu ở các sản phẩm ở các dự án này. Nói chung tuy định hướng là mô hình “đại học cộng đồng Bắc Mỹ” nhưng đấy thực chất vẫn chỉ là các trường cao đẳng địa phương (đa ngành).

Thứ tư, xu hướng nâng cấp các trường trung học chuyên nghiệp lên cao đẳng: Trước khi đất nước đổi mới hệ thống trường trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm đào tạo những cán bộ thực hành có trình độ trung học kỹ thuật, nghiệp vụ kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế và những cán bộ trung học chuyên nghiệp/kỹ thuật viên có nhiệm vụ tổ chức và hướng dẫn công nhân thực hiện những quy trình công nghệ đã được quy định hoặc thực hiện từng phần trong công tác nghiên cứu thiết kế.Trường Trung học chuyên nghiệp tuyển sinh hai trình độ:

Đối với các ngành đào tạo không yêu cầu cao về mặt công nghệ, tuyển sinh học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở đào tạo trong thời gian 3 + 3,5 năm, khi tốt nghiệp có trình độ văn hóa tương đương phổ thông trung học và trình độ chuyên môn bậc trung học nhằm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu các địa phương và được cấp bằng trung học chuyên nghiệp.

Đối với các ngành đòi hỏi trình độ công nghệ cao và nghiệp vụ phức tạp thì tuyển học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, đào tạo trong thời gian 2 + 2,5 năm và được cấp bằng trung học chuyên nghiệp. Những cơ sở giáo dục loại này có thời gian còn mang tên gọi là trường trung cao (thí dụ: Trường trung cao Cơ –Điện).

Tuy nhiên trong xu thế phát triển của đất nước, xuất hiện nhu cầu cần có những kỹ thuật viên được đào tạo ở những trình độ cao hơn. Bởi vậy một số trường trung học chuyên nghiệp kỹ thuật được phép áp dụng dưới dạng thí điểm đào tạo.

Về sau chủ trương này được triển khai đại trà cho mọi loại hình trường trung học chuyên nghiệp, trong đó có các trường trung học y tế (đào tạo nhân lực kỹ thuật viên, cán sự, điều dưỡng… có trình độ cao đẳng), văn hóa-nghệ thuật, thương mại-dịch vụ,...

Thứ năm, sự hình thành loạt trường cao đẳng nghề đào tạo thợ trình độ cao đẳng: So với các loại trường cao đẳng khác loại hình trường cao đẳng nghề ra đời khá muộn màng (theo Luật Giáo dục 2005) nhưng đã được thành lập chủ yếu trên cơ sở nâng cấp từ trường trung cấp lên rất nhanh (cho tới nay có khoảng 400 cơ sở).

Đến năm 2014 Luật giáo dục nghề nghiệp đã hợp nhất loại hình trường này với loại hình trường cao đẳng chuyên nghiệp (có khoảng 191 trường vốn đã hình thành từ nhiều năm trước đây) thành trường cao đẳng và hướng các trường đó phát triển theo mô hình của cao đẳng nghề, song song với việc hạ chuẩn chất lượng (không còn thuộc bậc giáo dục đại học). Ngoài ra, Luật giáo dục nghề nghiệp cũng quy định người có bằng cao đẳng được mang danh hiệu kỹ sư thực hành. Với quyết định này hiện nay không còn cơ sở giáo dục đào tạo kỹ thuật viên.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, khái niệm “cao đẳng” hoàn toàn không nhất quán trong suốt lịch sử giáo dục của Việt Nam. Tuy nhiên, nét giống nhau của tất cả các “mô hình cao đẳng ở Việt Nam, cả trong thời kỳ Pháp thuộc, dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, dưới thời chính quyền Sài Gòn, cũng như ở thời kỳ đất nước thống nhất sau 1975 là đều thuộc bậc giáo dục đại học. Chỉ riêng mô hình cao đẳng nghề theo Luật Giáo dục 2005 và cao đẳng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 mới đi theo cấu trúc khác, không thuộc giáo dục đại học.

Khi chuyển ngữ Việt – Anh, nhiều người nhầm lẫn dịch trường đại học là University còn trường cao đẳng là College. Thực ra thuật ngữ University chỉ thường dùng để gọi các đại học đa lĩnh vực, còn thuật ngữ College áp dụng cho cả trường đại học (Senior college, 4 year college) lẫn trường cao đẳng (Junior college, 2 year college, Community college).

Một chiến lược gia về đào tạo đại học của Mỹ, Martin Trow đã đưa ra các tiêu chí dựa vào tỷ số sinh viên so với số thanh niên ở độ tuổi đại học (18-22) của một nước để xác định quy mô giáo dục đại học của nước đó (thường được gọi là “tỷ lệ nhập học đại học” – Gross College Enrollment Rate – GER).

Nền giáo dục đại học được xem là tinh hoa vì chỉ dành cho số ít người (Elitist Higher Education) nếu GER thấp hơn 15%, được xem là đại chúng hóa (Mass Higher Education) khi GER đạt từ 15 đến 50%, và được gọi là phổ cập hóa (Universal Higher Education) khi GER đạt 50% trở lên. Cách đánh giá này được chấp nhận rộng rãi trên thế giới và các chiến lược gia về kinh tế còn gắn quy mô cần thiết của giáo dục đại học với tính chất và trình độ của nền kinh tế trong thời đại ngày nay: giáo dục đại học đại chúng mới đáp ứng được nền kinh tế công nghiệp; và giáo dục đại học phổ cập là đòi hỏi tất yếu của nền kinh tế tri thức.

Như vậy nếu loại cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học, cùng với áp lực giảm quy mô tuyển sinh vào đại học thì hậu quả tất yếu sẽ là đưa giáo dục đại học Việt Nam trở về với đặc trưng tinh hoa - chỉ thích ứng với nền kinh tế trước công nghiệp hóa.

Kim Ngân