HT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ai đòi giải tán là không hiểu vai trò trường chuyên

28/03/2022 06:38
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ chỗ chỉ huấn luyện cho học sinh thi đấu ở các kì thi quốc gia, quốc tế thì nhiều trường chuyên đang chuyển sang đào tạo, phát triển toàn diện cho học sinh.

Trong quá trình phát triển hệ thống các trường trung học phổ thông chuyên ở nước ta, đã có nhiều cảnh báo từ các chuyên gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo... về việc các trường chuyên đang trở thành nơi huấn luyện “gà nòi” đi thi đấu ở các đấu trường cấp quốc gia, quốc tế. Các chính sách ưu đãi cho học sinh trường chuyên cũng theo nhiều chuyên gia là gây ra sự bất bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục công. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần tính toán việc đào tạo nhân tài bằng phương thức phù hợp hơn thay vì mỗi tỉnh một trường chuyên.

Sứ mệnh của trường chuyên thực sự là gì?

Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đà Nẵng nói gì về sứ mệnh trường chuyên Lê Quý Đôn?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho hay, trong những năm qua, Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển Trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn.

Đây là trường chuyên duy nhất của Đà Nẵng và là cơ sở đào tạo bậc trung học phổ thông uy tín ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Đánh giá về vai trò, vị trí của trường trung học phổ thông chuyên trong giai đoạn hiện nay, ông Linh cho rằng, trường chuyên là nơi tập trung đội ngũ học sinh, giáo viên giỏi, có kỹ năng cao hơn các trường trung học phổ thông khác.

“Trong quan điểm của thành phố thì việc phát triển trường chuyên không dừng lại ở chỗ đào tạo học sinh để đi thi đấu rồi mang về giải này, giải kia.

Trong những năm vừa qua thì chúng tôi hướng vào đào tạo phát triển các khả năng tiếng Anh, công nghệ thông tin và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó là các kỹ năng về xử lý những tình huống trong cuộc sống, kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo…”.

Cũng theo ông Linh, bên cạnh sự đầu tư phát triển toàn diện thì trường chuyên cũng không bỏ quên việc đầu tư vào những “mũi nhọn”. Mục đích của nó là để các em có thể thi và đạt các giải quốc gia, quốc tế. Nhưng đó là một phần của sứ mệnh trường chuyên.

“Chúng tôi đang hướng đến việc đào tạo có tính căn cơ hơn. Theo đó, những học sinh vào trường chuyên ngoài giỏi về môn chuyên thì được bổ sung những kiến thức như: chuẩn tiếng Anh 10-12 phải đạt IELTS từ 5.0 trở lên...

Đó sẽ là những điểm tựa, điểm căn bản để các em phát triển hơn nữa. Hiện chúng tôi đang hướng vào việc đó”, ông Linh nói thêm.

Trước đó, vào năm 2018, khi đến làm việc với Trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thời điểm đó là ông Trương Quang Nghĩa đã lưu ý nhà trường cần giáo dục và phát triển các em học sinh một cách toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng và năng khiếu.

Do đó, ông Nghĩa đề nghị nhà trường phải có sự giao lưu, tìm hiểu với các trường trong nước và quốc tế. Qua đó tìm được sự phát triển với một bản sắc riêng.

Ảnh: Báo quangnam.vn

Ảnh: Báo quangnam.vn

Trường chuyên có sứ mệnh ươm mầm?

Trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cũng như Hiệu trưởng, giáo viên của các trường trung học phổ thông chuyên thì hầu hết đều khẳng định vai trò, vị trí của trường chuyên trong bức tranh bồi dưỡng, đào tạo nhân tài.

Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng, trường trung học phổ thông chuyên cần phải có những đổi mới để giữ chắc vị trí là cơ sở, nền tảng của việc “nuôi dưỡng nhân tài”.

Thầy Phan Văn Chương – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ, Quảng Nam) cho rằng, đã từng có ý kiến nên “giải tán trường chuyên” nhưng đó là do họ chưa hiểu hết vai trò, vị trí của trường chuyên.

Trong đó, khẳng định rằng trường chuyên không phải chỉ là nơi đào tạo ra những thí sinh chỉ để thi quốc gia, quốc tế.

“Sứ mệnh và mục tiêu của nhà trường là ươm mầm, phát triển tài năng và chắp cánh cho khát vọng của các thế hệ trẻ học đường.

Phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện.

Nhà trường giáo dục các em thành người có lòng yêu nước, tinh thần vượt khó, tự hào, tự tôn dân tộc; có khả năng tự học, nghiên cứu khoa học và sáng tạo; có sức khỏe tốt để tiếp tục đào tạo thành nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước…

Đồng thời trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học phổ thông vững vàng, đáp ứng với mọi yêu cầu, tiêu chí kiểm tra đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Cũng theo thầy Chương thì việc đào tạo các thế hệ học sinh ưu tú, đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và vươn đến tầm quốc tế cũng chỉ là một phần trong sứ mệnh của nhà trường.

Bởi hướng chính của trường chuyên là đào tạo những công dân tương lai được phát triển toàn diện, mạnh khoẻ về thể chất, mạnh mẽ về trí lực, có lối sống đạo đức lành mạnh, có kỹ năng sống, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội để đáp ứng được mọi yêu cầu trong giai đoạn hội nhập quốc tế của đất nước.

Tương tự, thầy Nguyễn Phú Thọ - Hiệu Trưởng trường trung học phổ thông chuyên Quốc Học Huế cho rằng, trường chuyên vẫn đóng một vai trò, vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục của mỗi địa phương, quốc gia.

“Việc đào tạo nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc phổ thông thì chỉ có trường trung học phổ thông chuyên mới có đầy đủ các điều kiện, cơ sở vật chất cũng như các yếu tố hỗ trợ khác để làm được.

Ngoài ra thì trường chuyên cũng là nơi hội tụ rất nhiều học sinh giỏi ở các lĩnh vực. Trong chiến lược sắp tới của nhà trường cũng như chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ngoài việc đầu tư cho mũi nhọn để mà thi quốc gia, quốc tế thì phải phát triển toàn diện cho học sinh.

Đó là nâng cao năng lực ngoại ngữ, các kỹ năng hội nhập… để học trò trường chuyên ra trường thì có được nhiều năng lực khác, ngoài năng lực chuyên môn riêng của học sinh.

AN NGUYÊN