Huyện Si Ma Cai: Trường học thiếu giáo viên, Phòng GDĐT thiếu nhân lực

02/08/2023 06:34
Diệu Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2022-2023, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Si Ma Cai thiếu 70 giáo viên nhưng chỉ tuyển được 10 người, tương đương 14% số nhu cầu. 

Chương trình nông thôn mới gắn với mục tiêu thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Đồng thời nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Thế nhưng khi các xã đạt chuẩn nông thôn mới, một số chính sách hỗ trợ bị cắt giảm. Đối với giáo viên vùng cao và cán bộ giáo dục đều bị giảm hoặc không được nhận các khoản hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên viên Nguyễn Văn Thịnh - phụ trách tổ chức cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết, năm 2022-2023 huyện thiếu 70 giáo viên. Trước đây khi đăng tuyển dụng, số hồ sơ cũng tương đối so với chỉ tiêu nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, rất ít thí sinh ứng tuyển. Năm vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ tuyển được 10 người, chiếm khoảng 14% so với nhu cầu giáo thực tế.

Theo chuyên viên này thông tin, nguyên nhân gây ra tình trạng này là do huyện ở vùng sâu vùng xa, đi lại giao thông khó khăn nên giáo viên thường ngại đi. Ngoài ra có những xã hoàn thành nông thôn mới, lương và phụ cấp của thầy cô đều bị cắt giảm nên các thí sinh không "mặn mà" ứng tuyển làm giáo viên hay muốn gắn bó ở đây.

Bởi lẽ, dù là vùng I nhưng ở miền núi sẽ khó khăn hơn nhiều với vùng I ở các vùng thuận lợi khác. Nhưng mức lương vùng I nông thôn mới của vùng núi bằng với mức lương vùng I các vùng thuận lợi, kinh tế phát triển. Trong khi đó các thầy cô lên đi dạy vẫn phải qua vượt khó khăn, khắc phục bộn bề thiếu thốn nên xảy ra tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển.

Để làm rõ các thực trạng thiếu giáo viên sau khi xã đạt nông thôn mới, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai), ông Phan Văn Tiếp cho biết hiện nay huyện Si Ma Cai có 4 xã theo Quyết định 861 đạt nông thôn mới là xã Cán Cấu, Bản Mế, Nàn Sán, Sín Chéng.

Theo ông Tiếp, việc các xã lên nông thôn mới là điều đáng mừng vì đời sống của người dân được nâng cao, đời sống thu nhập có phần cải thiện hơn. Về tiêu chí nông thôn mới các xã phải đáp ứng liên quan đến tiêu chuẩn về cán bộ, trường học đạt quốc gia, thu nhập người dân đạt một mức nhất định,... Tuy nhiên việc này chủ yếu phục vụ cho người dân địa phương còn với đời sống của giáo viên không có gì thay đổi, hoặc thậm chí là không được hưởng những hỗ trợ, ưu đãi.

Theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.

Theo đó giáo viên bị cắt giảm các khoản như: giảm phụ cấp đứng lớp, không được tính phụ cấp lâu năm, phụ cấp thu hút.

Mức lương trung bình giáo viên mới ra trường lên huyện Si Ma Cai làm việc khi còn là vùng III là khoảng hơn 9 triệu đồng/tháng nhưng hiện nay chỉ còn 4, 7 - 5 triệu đồng, tương đương với vùng thuận lợi. Trong khi đó, các thầy cô khi lên dạy học vẫn mất tiền ăn, tiền nhà, dịch vụ khác khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Như vậy với mức lương trên không đủ để đáp ứng đời sống cho giáo viên lên công tác ở vùng cao.

Bên cạnh đó nguồn tuyển dụng cũng hạn hẹp hơn do Luật Giáo dục năm 2019. Đối với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải tốt nghiệp đại học, giáo viên mầm non phải tốt nghiệp cao đẳng, trong khi đó những năm trước giáo viên dạy tiểu học thường tốt nghiệp cao đẳng.

Hai bộ môn thiếu giáo viên nhất là tiếng Anh và Tin học, trước đây hai môn học nằm trong diện tự chọn, tức là học sinh có thể học hoặc không. Nhưng với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tiếng Anh và Tin học chuyển thành môn học bắt buộc, tất cả các trường đều phải có giáo viên giảng dạy.

Riêng với môn tiếng Anh nhiều sinh viên ra trường có thể đi làm việc tại các công ty, trung tâm ở vùng thuận lợi với mức lương ổn định, chế độ đãi ngộ tốt,... nên ít người ứng tuyển đi dạy ở vùng cao.

Khi các xã lên nông thôn mới, mất đi phụ cấp, các thầy cô đều chia sẻ bản thân khá hụt hẫng, nhiều giáo viên có nguyện vọng xin sang vùng khác để có mức lương tốt hơn. Nếu tiếp tục như vậy, vị lãnh đạo lo ngại sẽ khó tuyển được giáo viên, giáo viên cũ xin luân chuyển hoặc nghỉ công tác.

Trước tình hình này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai có phối hợp, trao đổi với các trường động viên tinh thần, hỗ trợ giảm bớt khối lượng công việc để thầy cô tiếp tục với nghề.

Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cũng thông tin thêm, không chỉ giáo viên mà ở Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng thiếu nhân lực. Các giáo viên khi về Phòng làm việc thường có thời gian công tác, giảng dạy khoảng 10 năm trở lên. Mức thu nhập khi đứng lớp khoảng 7 triệu đồng/tháng nhưng về Phòng làm việc thì phụ cấp thâm niên không có nên thu nhập chỉ còn 5 triệu đồng/tháng (gồm lương cơ bản + 25% công vụ).

Với giáo viên đứng lớp 5 năm trở đi là được tính cán bộ thâm niên, mỗi năm cộng thêm 1%. Nhưng khi trở thành cán bộ giáo dục các khoản hỗ trợ như: phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp đều bị mất nên không thu hút được người có chuyên môn tốt. Chưa kể công việc ở Phòng rất nhiều, khi có buổi tập huấn, chuyên đề, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo phải đứng lớp, bồi dưỡng cho giáo viên, thế nhưng không được hưởng những chế độ trên.

Để khắc phục tình trạng, vị này mong muốn với các thầy cô đứng lớp vẫn được hưởng chế độ như cũ, đồng thời có thêm chế độ đặc thù cho ngành giáo dục giống như lực lượng vũ trang. Cùng với đó là hỗ trợ các thầy cô huyện Si Ma Cai kinh phí mua nước sạch. 3 năm trước chương trình này có nghiên cứu ở huyện nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đối với cán bộ giáo dục cũng cần có chế độ ưu đãi hơn để thu hút được cán bộ giỏi về Phòng làm việc.

Là một trong những trường nằm trong xã lên nông thôn mới, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai), thầy Lê Đức Hà cho hay: "Trường đang thiếu nhiều giáo viên do xã lên nông thôn mới, chính sách của giáo viên thay đổi nên nhân sự những năm gần đây khá nhiều biến động. Một số thầy cô xin nghỉ chuyển sang làm công ty, khu công nghiệp lớn ở Hải Dương, Bắc Giang. Hoặc có giáo viên xin chuyển ra khỏi huyện, muốn đến vùng đặc biệt khó khăn".

Tình trạng này diễn ra từ năm 2021 sau khi địa phương được công nhận theo Quyết định 861 lên nông thôn mới. Hiện tại, trường thiếu 7 giáo viên ở bộ môn Toán, Ngữ văn, Tin học, tiếng Anh. Với tình trạng thiếu giáo viên chung, nhà trường khắc phục bằng cách liên lạc với các giáo viên trên địa bàn xã, huyện nhờ các thầy cô tăng cường, giúp đỡ. Đồng thời, trường cũng sắp xếp lịch học để phù hợp cho việc "mượn" giáo viên giữa các trường.

Diệu Tuyết