Xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập của giáo viên giảm 3-4 triệu đồng/tháng

29/07/2023 06:34
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều GV vùng cao viết đơn xin chuyển công tác với nhiều lý do khác nhau. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do bị cắt giảm ưu đãi khi xã đạt chuẩn NTM.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn, vùng cao miền núi. Theo đó các cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng giúp đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới một số chính sách hỗ trợ ưu đãi đối với các đối tượng này bị cắt giảm đáng kể. Học sinh không được hưởng chế độ bán trú, do đó bữa ăn của các em cũng không được đảm bảo như trước, bên cạnh đó giáo viên vùng cao cũng mất đi ưu đãi đứng lớp, hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn.

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Huổi Luông tham gia đọc sách, truyện. (Nguồn: Website nhà trường).

Các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Huổi Luông tham gia đọc sách, truyện. (Nguồn: Website nhà trường).

Chia sẻ về thực trạng này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Công Sáu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Huổi Luông (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cho biết xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2020.

Trên cương vị là người gắn bó nhiều năm với điều kiện giáo dục vùng cao, thầy Sáu bày tỏ niềm vui khi xã có những bước thay đổi đáng kể về diện mạo. Cơ sở hạ tầng, đường sá được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng nên giao thông đi lại từ trung tâm huyện đến các thôn, bản đã khang trang, sạch đẹp và thuận lợi hơn.

Nhờ vậy mà hành trình đến trường lớp của thầy và trò Trường Phổ thông Bán trú Tiểu học Huổi Luông cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Tuy vậy, vị hiệu trưởng cũng chia sẻ nỗi băn khoăn khi chỉ trong 3 năm nhà trường đã có tới 7 thầy cô giáo chuyển trường, chuyển vùng. Năm học 2023-2024 đã có 3 giáo viên nộp đơn có nguyện vọng chuyển trường.

Đứng trước thực trạng này, thầy Sáu đã sát sao hơn trong công tác quản lý tỷ lệ giáo viên. Theo đó trong 2 năm gần đây số lượng giáo viên đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp. Song, nhà trường vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu giáo viên giảng dạy bộ môn tiếng Anh.

Lý giải về nguyên nhân khiến một số giáo viên xin chuyển công tác, thầy Sáu cho biết một phần do xã đạt chuẩn nông thôn mới khiến một số chế độ chính sách ưu đãi của giáo viên bị cắt giảm.

Thầy lấy ví dụ trước đây giáo viên của trường được hưởng theo Nghị định 76 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Khi xã lên nông thôn mới thầy cô bị mất hoàn toàn khoản hỗ trợ theo Nghị định này, ngoài ra mức ưu đãi đứng lớp cũng bị giảm, chế độ lâu năm và thu hút bị cắt hoàn toàn khiến mức lương bị hụt đi đáng kể.

Xuất phát từ đó, nhiều thầy cô lựa chọn chuyển về hẳn những nơi có điều kiện tốt hoặc xung phong được điều chuyển lên các xã vùng III để được hưởng ưu đãi, đồng lương phần nào đảm bảo hơn.

Một vấn đề nữa khiến thầy Sáu cảm thấy lăn tăn, xã Huổi Luông là một xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ, quãng đường từ trung tâm huyện đến xã là 30km nhưng xã lại thuộc vùng II, trong khi đó nhiều xã vùng III lại chỉ cách trung tâm huyện hơn 10km.

Như vậy việc nhiều giáo viên lựa chọn đến các trường thuộc vùng III, gần trung tâm huyện để công tác là điều khó tránh khỏi. Bởi thực tế, khi chuyển về các xã đó quãng đường di chuyển vừa ngắn hơn, lại được hưởng thêm các hỗ trợ, ưu đãi theo quy định hiện hành.

Trong 3 năm sau khi xã Huổi Luông đạt chuẩn nông thôn mới, năm học đầu tiên nhà trường gặp phải nhiều thách thức trong việc đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp (chỉ hơn 1,2 giáo viên/lớp). Từ năm thứ 2, ban lãnh đạo nhà trường tham mưu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ và được điều động 6 giáo viên, sắp xếp đủ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định.

Thầy Sáu cho hay, về trình độ các thầy cô đều đạt trình độ đại học, về chuyên môn còn tùy thuộc vào từng cá nhân của thầy cô giáo. Vị hiệu trưởng thông tin thêm có những giáo viên điều chuyển về có chuyên môn, năng lực rất tốt giúp ban giám hiệu khá yên tâm. Bên cạnh đó, một số thầy cô còn yếu chuyên môn thì nhà trường sẽ động viên, khích lệ và bồi dưỡng thêm để đạt được yêu cầu giảng dạy..

Ngoài những khúc mắc về chế độ của giáo viên, học sinh tại trường cũng bị mất đi một số chính sách ưu tiên nhất định. Việc chuyển đổi xã từ vùng III lên vùng II khiến nhiều học sinh có nhà cách trường đến 10km lại không được hưởng các chế độ bán trú. Bố mẹ phải đưa đón con em đi học rất vất vả, tốn kém.

Để khắc phục phần nào khó khăn của thầy và trò, ngày 29/3/2022 Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các xã, thôn, bản khu vực III chuyển thành các xã, thôn, bản khu vực I theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Ủy ban dân tộc giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, quy định về mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, nguồn kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2022-2023 hỗ trợ bằng 30% mức lương cơ sở/học sinh/tháng, năm học 2023-2024 hỗ trợ bằng 20% mức lương cơ sở/học sinh/tháng và năm học 2024-2025 hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở/học sinh/tháng.

Thầy Sáu cho biết, đây là chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đắn và thể hiện sự quan tâm sát sao của tỉnh đối với thầy, trò nhà trường. Đây cũng là nguồn động lực để nhà trường, giáo viên và học sinh có thời gian để làm quen, thích nghi với sự thay đổi khi xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Là người đứng đầu nhà trường, thầy Sáu luôn cố gắng để các thầy cô giáo có điều kiện công tác tốt nhất, đảm bảo thời gian nghỉ ngơi, giờ trên lớp, quan tâm động viên kịp thời trước khó khăn của đồng nghiệp để thầy cô yên tâm công tác.

Hiện tại ở xã vẫn còn một số bản thuộc vùng III, từ đó nhà trường cũng xem xét tạo điều kiện cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ vào công tác ở vùng III để có thu nhập cao, ổn định hơn. Còn các giáo viên có điều kiện kinh tế ban giám hiệu sẽ động viên cống hiến giảng dạy ở bản thuộc vùng II.

Theo thầy Sáu, khi xét đạt chuẩn nông thôn mới cần có sự phân chia rõ ràng theo vùng miền. Ví dụ như nông thôn mới ở miền xuôi sẽ thuận lợi hơn ở miền núi rất nhiều. Trên thực tế, cuộc sống của bà con dân bản, cán bộ, công nhân, viên chức tại các xã miền núi nói chung vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.

Từ đó, thầy bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước cần sớm có chính sách cải cách nhất định trong vấn đề tiền lương để mức thu nhập của giáo viên được tăng lên.

Riêng đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở vùng núi, Nhà nước nên giữ lại mức phụ cấp ưu đãi 70% của giáo viên. Bởi thực tế, nhiều xã vẫn thuộc vùng biên giới, cách xa trung tâm hàng chục cây số, đường sá đi lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Phần ưu đãi đó là cách động viên, khích lệ tinh thần cho giáo viên để họ bám trụ lại với nghề giáo, gắn bó với nền giáo dục vùng cao, biên giới.

Cùng trao đổi về chủ đề này, thầy Hoàng Văn Lệ - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) cho biết xã Nậm Tăm đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019, từ đó đến nay đã có 5 giáo viên lần lượt chuyển về xuôi công tác.

Thầy Lệ chia sẻ, phần lớn các thầy cô giáo đang giảng dạy tại trường đều là người từ miền xuôi lên, cuộc sống phải bươn chải nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Lựa chọn trở về quê công tác, giáo viên vừa được gần gũi bố mẹ, con cái, vừa có nhiều thời gian làm thêm các công việc khác để đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, cả giáo viên và học sinh đều bị cắt giảm một số chế độ ưu đãi nhất định. Trong đó, học sinh của nhà trường không còn nhận được mức hỗ trợ theo Nghị định 116 dành cho học sinh của các vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là giáo viên bị giảm mức phụ cấp từ 100% xuống còn 70% khi xếp vào khu vực thuận lợi.

Theo đó, vị hiệu trưởng cho biết mức lương hiện tại của các giáo viên trong nhà trường dao động từ 8-13 triệu đồng/tháng và bị giảm so với thời điểm xã chưa lên nông thôn mới khoảng 3- 4 triệu đồng.

Khoản tiền này đối với giáo viên vùng cao là con số lớn, giúp thầy cô trang trải cuộc sống hàng ngày, gửi về quê chăm con hay dành ra để tiết kiệm.

Nhà trường hiện có hơn 400 học sinh, nguồn nhân lực luôn được ban giám hiệu nhà trường cố gắng sắp xếp, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng.

Thầy Lệ tâm tư rất mong muốn có mức lương đảm bảo hơn cho giáo viên, cùng với đó là chính sách hỗ trợ đặc thù cho các xã vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn để giữ chân thầy cô.

Ngay cả khi đã trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống người dân nói chung và giáo viên tại vùng núi nói riêng vẫn còn bộn bề vất vả, rất cần khoản hỗ trợ để ổn định cuộc sống, gắn bó với nghề.

Phương Nga