Khoản b, Điều 12, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ nêu rõ, kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có hiệu lực thi hành:
Đơn vị nhóm 1 căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng I); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);
Đơn vị nhóm 2 căn cứ tình hình tài chính, đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hạng II); quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có).
Được biết, Nghị quyết 27-NQ/TW sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/07/2024.
Sẽ có sự cạnh tranh trong vị trí việc làm theo cơ chế tiền lương mới
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải – Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh), quy định về cách tính tiền lương như trên sẽ mang lại một số thuận lợi.
Trước hết, nhà trường có thể xác định tổng thu nhập của người lao động theo vị trí việc làm. Theo đó, với vị trí khác nhau sẽ có mức lương khác nhau. Và tất nhiên, người làm việc giỏi được bố trí ở vị trí quan trọng sẽ được chi trả mức lương cao hơn.
Như vậy, sẽ tránh được sự lãng phí nguồn nhân lực, đồng thời tạo sự cạnh tranh trong lao động và từ đó mang đến nhiều lợi ích như đội ngũ nhân lực luôn cố gắng và học hỏi để nâng cao năng lực làm việc; nhà trường có kết quả hoạt động tốt hơn.
Tuy nhiên, theo thầy Hải, việc cạnh tranh trong vị trí việc làm theo cơ chế tiền lương mới cũng là điều phải lưu tâm. Bởi, mặt trái của cạnh tranh là sẽ có cạnh tranh không lành mạnh, việc giải quyết vấn đề hài hoà lợi ích cũng dễ gây xung đột. Trong khi đó, ở khu vực công nếu xảy ra tình trạng xung đột lợi ích sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề nội bộ.
Từ 01/07/2024, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, chính sách tiền lương mới sẽ được cải cách theo hướng bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó, mức lương cơ bản bằng số tiền trong bảng lương mới.
Để chuẩn bị cho sự thay đổi này là đơn vị sự nghiệp công được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp theo Nghị định 60, thầy Hải cho biết, hiện nhà trường đang xây dựng đề án vị trí việc làm, dự kiến hoàn thành trong Quý 1/2024.
Bên cạnh đó, sau khi đề án vị trí việc làm được phê duyệt, nhà trường sẽ tiến hành xây dựng cơ chế tiền lương theo vị trí việc làm chứ không theo hệ số như hiện tại.
Cùng bàn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chiếu theo quy định trên, là đơn vị tự chủ nhóm 2, trường được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
Thầy Tuấn cho biết, Nghị quyết 27-NQ/TW về chính sách cải cách tiền lương được kỳ vọng là một giải pháp chủ chốt để viên chức, người lao động có thể sống được bằng lương. Đặc biệt là trong xu thế tự chủ hiện nay, mức lương thỏa đáng cũng sẽ là động lực giúp các giảng viên nhà trường gắn bó được với nghề, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, thu hút được nhân tài trong ngành và nâng chất lượng giáo dục.
Hơn nữa, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã góp phần hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của trường theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ về tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của việc đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Để thực hiện theo quy định của Nghị định này, hiện Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình cải cách tiền lương theo vị trí việc làm; quy định chi tiết định mức lương theo vị trí việc làm đối với viên chức làm công tác quản lý, viên chức quản lý làm công tác giảng dạy và định mức lương vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, trường đã công khai và lấy ý kiến quy chế chi tiêu nội bộ tại hội nghị đại biểu viên chức, người lao động của nhà trường; đẩy mạnh kết hợp với các doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế lớn để thu hút đầu tư, làm giảm áp lực đầu tư từ nhà nước, từ đó các nguồn thu của trường sẽ được tối ưu hóa để trả lương cho cán bộ giảng viên; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, cách tính thu nhập cho viên chức, người lao động nhanh hơn và khoa học hơn.
Nhà nước nên phân loại định hướng phát triển của các trường đại học công lập tự chủ
Theo chia sẻ từ chủ tịch hội đồng trường của một cơ sở giáo dục đại học tự chủ nhóm 2 cho biết, hiện nhà trường vẫn đang thực hiện nghiên cứu để triển khai xây dựng đề án về tiền lương theo quy định trên nhằm làm sao hài hòa được lợi ích cho các cán bộ, giảng viên nhà trường.
Theo vị này, quy định về cơ chế tự chủ tiền lương như vậy sẽ là thuận lợi cho các trường đại học công lập tự chủ có công tác tuyển sinh thuận lợi. Tuy nhiên, đối với các trường đại học tự chủ nhưng tuyển sinh không tốt sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nguồn thu chính của các trường hiện nay vẫn chủ yếu đến từ học phí.
Hơn nữa, ban đầu khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương trên sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho người lao động nhưng dần dần sau đó có thể dẫn đến sự xáo trộn, dịch chuyển trong đội ngũ vì mỗi trường lại có chính sách thu hút đội ngũ khác nhau.
Vậy nên, mặc dù đây vừa là cơ hội để cho một số trường đại học phát triển khi có thể thu hút được đội ngũ giảng viên trình độ cao từ đơn vị khác về nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Còn Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, các trường đại học công lập ngoài nhiệm vụ tuyển sinh để duy trì hoạt động còn thực hiện nhiệm vụ là duy trì các ngành đào tạo cung cấp nhân lực cho những lĩnh vực trọng điểm.
Vì vậy, các trường có thể đối mặt với việc lượng sinh viên vào học không nhiều và chấp nhận lỗ. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn thu của trường cũng như thu nhập của cán bộ, giảng viên.
Trước những khó khăn còn tồn tại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số đề xuất, mong muốn nhằm giúp cho việc cải cách tiền lương của viên chức, người lao động tại các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện tốt hơn, cụ thể:
Xây dựng và ban hành hệ thống thang, bảng lương mới theo vị trí việc làm, theo chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành, khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn lương hiện hưởng;
Xây dựng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và các chức danh nghề nghiệp áp dụng chung đối với viên chức, người lao động không giữ chức danh lãnh đạo; Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn;
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, điều kiện để giao quyền tự chủ (trước mắt về công tác tổ chức, nhân sự và tài chính theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ) và trách nhiệm xã hội theo hướng phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, năng động của các trường đại học công lập;
Thực hiện đổi mới chính sách tiền lương, tạo động lực cho cán bộ, giảng viên tâm huyết với nghề. Trong cơ chế thị trường hiện nay, chính sách sử dụng đội ngũ giảng viên có hiệu quả bao hàm nhiều yếu tố, nhưng tiền lương, tiền công là yếu tố hàng đầu, có tính quyết định;
Đảm bảo điều kiện vật chất, tinh thần thuận lợi cho giảng viên; Đảm bảo các chính sách cho các giảng viên, bao gồm: Các chính sách bảo đảm quyền lợi cho người lao động: (chính sách lương, thưởng, chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách về các khoản phụ cấp)...;
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, thực hiện các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, về thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập;
Quản lý chặt chẽ thu chi của nhà trường; Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy...; Xây dựng cơ chế thu hút và giữ chân người tài.
Mặt khác, theo Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, việc để giảng viên thực sự sống được bằng lương còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó khía cạnh quan trọng là sự quan tâm của nhà nước.
Có thể thấy, hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ nhóm 1 hầu hết không nhận được đầu tư nhiều từ nhà nước, mà chỉ dựa vào học phí và các nguồn thu hợp pháp để phát triển. Vấn đề đặt ra là, muốn tăng học phí cao cũng không phải dễ vì nó còn phụ thuộc uy tín, danh tiếng của nhà trường để xã hội chấp nhận mức học phí phù hợp. Đối với các trường đại học tự chủ nhóm 1, là những cơ sở công lập, việc lấy học phí ngoài chi lương còn phải đầu tư để nâng cao điều kiện giảng dạy học tập của sinh viên tốt nhất.
Do vậy, để học phí của sinh viên phần lớn dành để chi lương cho giáo viên, nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn về cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại cho các trường để nâng cao năng lực đào tạo.
“Đứng trên góc độ cá nhân, tôi cho rằng, nhà nước cần có phương án hỗ trợ để các trường đại học công lập tự chủ được phát triển đồng bộ, tránh đến một thời gian nào đó, trường công tự chủ sẽ không theo kịp các trường đại học tư thục”, thầy Hải bày tỏ.
Theo thầy Hải, có một thực tế ở Việt Nam hiện nay là hầu hết các cơ sở giáo dục đại học công lập đều được thành lập trên 40, 50 năm. Chính vì vậy, nguồn lực nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho các trường từ những năm đầu phát triển đến nay đã xuống cấp và lạc hậu. Hàng năm các trường có đầu tư nhưng không đủ cho sự phát triển trong bối cảnh hiện nay.
Do đó, nhà nước nên phân loại định hướng phát triển của các trường đại học công lập tự chủ để từ đó có hỗ trợ về nguồn lực nhằm hiện đại hoá cơ sở vật chất theo kịp thị trường phát triển, tài sản đầu tư đó cũng là tài sản công, tài sản của nhà nước. Như vậy, các trường đại học công lập cũng sẽ bớt được một phần gánh nặng về vấn đề hiện đại hoá cơ sở vật chất, từ đó tập trung chăm lo cho giảng viên và cũng không tăng học phí quá cao gây ra gánh nặng cho người học và gia đình.
Ngoài ra, thầy Hải cũng đưa ra một số góp ý đối với việc cải cách tiền lương cho viên chức, người lao động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay.
Trên thực tế, tiền lương cho người lao động tại một số trường đại học tư thục hiện nay đang cao hơn trường đại học công lập.
Tất nhiên, các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ cũng có tiền lương cao hơn khi chưa tự chủ. Thế nhưng, đối với trường công, ngoài việc được tự chủ thu, chi còn phải thực hiện các hành lang pháp lý theo quy định lĩnh vực công, cơ chế khu vực công nên chắc chắn bộ máy bị công kềnh và các hoạt động phụ trợ cũng nhiều hơn so với khu vực tư.