Những năm gần đây, vấn nạn lạm thu tiền trường ở nhiều trường phổ thông công lập xảy ra khiến cho dư luận xã hội hoài nghi, bức xúc. Nhiều phụ huynh đang quá tải vì phải đóng những khoản tiền trường, nhiều giáo viên chủ nhiệm cũng vất vả và mang tiếng theo.
Vấn nạn lạm thu giờ đây không chỉ đối với học sinh mà giáo viên ở một số trường học, địa phương cũng đang phải đóng rất nhiều các loại quỹ hàng năm dưới hình thức “tự nguyện”. Nhiều loại quỹ nói là tự nguyện nhưng lại trừ ngang lương khiến cho đồng lương hàng tháng teo tóp thêm.
Môi trường học đường vốn khá nhạy cảm vì các phong trào vận động, quyên góp đều dưới tinh thần “tự nguyện”; vì học sinh thân yêu; vì con em chúng ta; vì học sinh nghèo. Nếu phụ huynh, giáo viên có lên tiếng thì bị cho là nhỏ nhen, keo kiệt, không vì cái chung.
Vì thế, các khoản đóng góp, các loại quỹ liên tục được phát động diễn ra từ năm này qua năm khác nên chuyện lạm thu tiền trường vẫn mặc nhiên xảy ra và năm nào cấp có thẩm quyền cũng phải chấn chỉnh nhưng rồi vẫn như “ném đá ao bèo”, đâu lại vào đấy cả.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Các khoản chi đều có trong dự toán và quy chế chi tiêu nội bộ
Chỉ từ đầu năm học đến nay, có không ít trường học bị chỉ mặt, điểm tên vì để xảy ra tình trạng lạm thu tiền trường. Có trường đứng ra thu, có trường núp bóng Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhưng, tựu chung lại, mỗi khi bị dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc thì hiệu trưởng các trường này đều thoái thác trách nhiệm và thậm chí còn làm như mình không hay biết.
Có hiệu trưởng chuyển trách nhiệm sang cho giáo viên chủ nhiệm; có hiệu trưởng lại bảo do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra quyên góp, tài trợ nhà trường, tài trợ lớp học. Trong khi, trường học là cơ quan nhà nước, mọi chủ trương, kế hoạch thu-chi đều phải xuất phát từ Ban giám hiệu nhà trường.
Giáo viên có ăn gan hùm cũng không dám tự đứng ra vận động các khoản xã hội hóa nếu chưa có sự đồng ý, cho phép của hiệu trưởng. Đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh lại càng không dám nếu không có việc “bật đèn xanh” từ hiệu trưởng nhà trường.
Hơn nữa, đồng tiền của phụ huynh làm ra phần nhiều là từ mồ hôi, công sức mới có. Chẳng có ai lại bỗng dưng xin đi đóng tiền cho trường một cách “tự nguyện” như một số trường học đã vận động. Thế nhưng, lạm thu tiền trường vẫn có đất sống và phần lớn các hiệu trưởng vẫn vô can với một vỏ bọc hoàn hảo.
Từ đầu năm đến nay, báo chí đã phản ánh khá nhiều trường học để xảy ra tình trạng lạm thu nhưng chưa có hiệu trưởng nào cách chức để làm gương cho quản lý trường khác.
Bởi vậy, trường nào thu được là thu. Ban giám hiệu nhà trường gần như chẳng mất mát gì. Làm cái kế hoạch hay thư ngỏ thì văn thư, hoặc “nhờ” một giáo viên trong trường thực hiện bằng những lời lẽ cấp bách, thuyết phục và thường lấy học sinh ra làm bình phong để kêu gọi. Tuy nhiên, rất hiếm hiệu trưởng đứng ra kêu gọi và ký tên.
Sau đó, phát hành thư ngỏ, hoặc hiệu trưởng sẽ trao đổi trước với trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh. Vị này sẽ ký thư ngỏ hoặc ngày họp phụ huynh toàn trường sẽ đứng lên trình bày, kêu gọi đến Ban đại diện phụ huynh các lớp. Và, kế hoạch kêu gọi sẽ thực hiện một cách hoàn hảo nhất, an toàn nhất cho hiệu trưởng nhà trường.
Trong khi, theo dự toán mà trường gửi lên cấp trên và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị không thiếu một khoản chi nào.
Tất cả đã được liệt kê đầy đủ, chi tiết từ các khoản chi thường xuyên và chi không thường xuyên.
Trong đó, kể cả những khoản nhỏ nhất như tiền lau rửa nhà vệ sinh; quét dọn sân trường; tiền điện; nước; các hoạt động ngoại khóa; khen thưởng giáo viên, học sinh; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dạy học đều có cả…Thế nhưng, trong thư ngỏ hay các kế hoạch vận động thì nhà trường luôn kêu thiếu kinh phí.
Giáo viên cũng đang bị lạm thu
Đã từ rất lâu rồi, giáo viên công lập ở các nhà trường cũng thường xuyên phải đóng góp các khoản tự nguyện và tất nhiên cũng thường xuyên phải trừ các loại quỹ khác nhau trong nhà trường. Tháng nào ít thì một 2 khoản trừ, tháng nào nhiều có đến 3-4 loại tiền đóng góp, quỹ khác nhau.
Đối với các loại quỹ do địa phương hoặc sở, phòng giáo dục phát động thì bao giờ cũng kêu gọi đóng góp tự nguyện nhưng hướng dẫn khá kĩ trừ lương như thế nào. Có loại quỹ trừ 1 ngày lương; có loại quỹ trừ theo ngày (365.000 đồng/ năm); có loại quỹ đóng góp đột xuất, có loại quỹ đóng theo định kỳ.
Chỉ riêng loại quỹ khuyến học, giáo viên ở một số nhà trường đang phải đóng cho nhiều cấp khác nhau. Cấp trường trừ hàng tháng; cấp xã trừ theo quý; phòng-sở nhiều năm cũng phát động. Ở tổ chuyên môn thì nhận đỡ đầu học sinh; nuôi heo đất…
Nhưng đâu chỉ đóng góp ở trường, ở các khu phố, thôn, ấp cũng phát động nhiều loại quỹ khác nhau và tất nhiên là giáo viên dù ít, dù nhiều thì vẫn luôn phải gương mẫu đóng góp vì đều là công tác thiện nguyện.
Nhiều trường học bây giờ còn phát động tích lũy tiền hàng tháng để cuối năm học đi du lịch. Vì thế, cho dù giáo viên không muốn đi, không có điều kiện để đi du lịch nhưng hàng tháng kế toán vẫn trừ lương. Cuối năm, nếu không đi thì công đoàn nhà trường trả lại.
Cũng vì thế mà nhiều giáo viên trẻ khi nhận lương hàng tháng chẳng còn bao nhiêu. Một số giáo viên khó khăn vay ngân hàng nữa nên khi nhận lương chỉ còn một vài triệu đồng.
Những phụ huynh giàu, những giáo viên có điều kiện thì chuyện đóng góp, hỗ trợ vài trăm, vài triệu đồng không lớn. Nhưng, đối với học sinh nghèo, những giáo viên trẻ mới vào nghề thì đó là những khoản tiền khá lớn, rất có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc chấn chỉnh nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, các cấp có thẩm quyền cần xử lý nghiêm minh và thanh tra toàn diện các khoản thu xã hội hóa.
Bên cạnh đó, các khoản vận động học sinh hay giáo viên đóng góp “tự nguyện” thì hãy để họ tự nguyện đóng góp và cũng hạn chế kêu gọi, phát động gây quỹ vì không phải ai cũng khá giả nhưng môi trường tập thể họ cứ phải bấm bụng đóng góp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.