LTS: Lý giải vì sao giáo viên lại phải "diễn" trong tiết dự giờ, cô giáo Phan Tuyết mong rằng giáo viên sẽ thực sự được trao quyền tự chủ trong việc giảng dạy để không phải "diễn" nữa.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bài viết “Tiết học giả tạo nhất là hôm có... dự giờ” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình của dư luận.
Bởi đây không chỉ là chuyện xảy ra ở một trường, một địa phương mà là chuyện phổ biến trong ngành giáo dục của cả nước từ trước đến nay.
Người trong ngành hiểu được vì sao họ không thể dạy thật. Nhưng người ngoài ngành cứ thắc mắc “Vì sao thày dạy trò không trung thực? Vì sao lại cứ phải diễn?”.
Giáo viên mong muốn được sáng tạo trong việc giảng dạy. Ảnh minh họa: Baoquangninh.com.vn |
Nỗi khổ phải dạy đúng quy trình, đúng phương pháp bên trên áp đặt
Giáo viên chưa thật sự được giao quyền chủ động trong chính tiết dạy của mình từ phương pháp đến hình thức tổ chức tiết học.
Mỗi tiết dạy bậc tiểu học chỉ dao động từ 35-40 phút được phân chia theo từng hoạt động như kiểm tra bài cũ khoảng 3-5 phút, triển khai bài mới từ 12-15 phút, phần thực hành từ 10-15 phút và khoảng 5 phút củng cố bài (tiến trình của tiết học theo chương trình hiện hành).
Nếu từng hoạt động triển khai bị lố thời gian thì xem như bị buộc vào lỗi “phân bố thời gian không hợp lý”.
Về nội dung và phương pháp dạy thì người dự luôn đưa ra ý kiến chủ quan của mình, sao không sử dụng phương pháp này, hay sử dụng hình thức thức kia… mà chẳng cần biết cuối cùng học sinh tiếp thu bài đạt hiệu quả như thế nào?
Giáo viên ghét nhất điều gì ở nhà trường? |
Nếu dạy theo VNEN thì thời gian khởi động, chia sẻ mục tiêu, chia sẻ cuối tiết, báo cáo, nhận xét… đã chiếm khá nhiều thời gian. Học sinh tự học là chính.
Những đứa trẻ lên 7,8 tuổi thường ngày giáo viên làm mẫu chỉ việc làm theo còn không được.
Nay có người ngồi dự, mọi thao tác, kiến thức đều phải tự mình tìm hiểu sao các em có thể làm nổi?
Giáo viên đến từng nhóm hướng dẫn, kiểm tra, nghiệm thu kết quả… thời gian “chết” khá nhiều.
Học sinh tự học kiểu VNEN nếu thật sự không có sự gà bài, mớm câu trả lời trước hoàn toàn tự học sinh theo đúng yêu cầu thì không có cách gì kết thúc tiết học trong thời gian 40 phút.
Đó là chưa nói khá nhiều kiến thức trong tiết học vượt xa tầm nhận thức của lứa tuổi tiểu học.
Chẳng hạn có khá nhiều bài buộc giáo viên phải áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Cũng đã có không ít thầy cô bị góp ý “có bột mà học sinh chưa biết nặn”.
Chỉ vì các em không biết phải đưa ra câu hỏi đề xuất thế nào? Tiến hành thực nghiệm ra sao? Sử dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” nếu không gà bài trước có thể khẳng định chắc chắn một điều, chẳng thầy cô giáo nào có thể triển khai thành công.
Có những tiết dạy theo chuyên đề của trường (kiểu dạy mẫu để giáo viên học tập) nhưng người dạy đã phải huy động cả tổ soạn bài, Phó hiệu trưởng duyệt bài, bản thân phải dạy đi dạy lại vài lần ở lớp trước khi dạy cho toàn trường dự mới đảm bảo đúng thời gian, đúng mục tiêu.
Đã trở thành quy định, dù giáo viên có tổ chức tiết học đạt cỡ nào nhưng chỉ cần thời gian bị lố khoảng 10 phút thì tiết học ấy xem như không đạt yêu cầu hoặc chỉ được xếp ở mức trung bình là cao.
Chẳng giáo viên nào lại muốn chuẩn bị tiết dạy kĩ đến từng “chân tơ kẻ tóc”.
Vì như thế, tiết học sẽ thiếu tự nhiên, thiếu sự sinh động, sẽ không có nhiều tình huống để thầy cô xử lý, sẽ mất cái hay vốn có của một tiết dạy thông thường.
Vài năm trở lại đây, nhiều địa phương cũng không đánh giá xếp loại những tiết dạy dự giờ. Nhưng ấn tượng để lại cho người dự vẫn rất quan trọng.
Một năm, có lẽ Ban giám hiệu chỉ dự đôi ba lần nếu tiết dạy được đánh giá không đạt thì ấn tượng về chuyên môn chưa tốt đối với thầy cô ấy cũng được giữ mãi trong nhận xét của họ.
Giáo viên chưa được giao quyền chủ động
Giáo viên luôn mong muốn hoàn toàn được chủ động trong tiết dạy của mình. Nghĩa là không phải tuân theo một quy trình nào cả.
Thầy cô được quyền sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học miễn sao mục tiêu bài học đã đạt, học sinh hiểu và tiếp thu bài tốt là được.
Mới đây, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới, phải chú trọng giao quyền tự chủ cho giáo viên đứng lớp.
Giáo viên dạy phương pháp nào cũng được, miễn đến khi đánh giá, học sinh đạt được yêu cầu là quan trọng nhất.
Được như thế, cũng chẳng giáo viên nào còn muốn làm cái điều không trung thực kia.