Không tuyển được GV, thầy cô trường chuyên biệt Thảo Điền gồng gánh nhiều áp lực

22/09/2022 06:47
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học này Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền không tuyển thêm được giáo viên mới nhưng lại có đến 3 cô giáo rời đi nên áp lực rất lớn.

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng 1.226 viên chức ở tất cả các vị trí. Đáng chú ý, khó khăn hơn cả là Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền không tuyển được giáo viên giáo dục đặc biệt.

Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền thành lập từ năm 2003, là trường công lập duy nhất của Thành phố Thủ Đức, mang nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả là nuôi dạy các trẻ em bị khuyết tật, cung cấp các chương trình hỗ trợ hoà nhập, chuẩn đoán và can thiệp sớm.

Tuy nhiên trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thu Hường- Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức cho biết hoạt động của trường cũng gặp không ít khó khăn vì thiếu nhân sự, đặc biệt là sau dịch Covid-19.

Thiếu nhân sự, giáo viên gánh nhiều áp lực

Theo cô Hoàng Thị Thu Hường, hiện tại cả trường chỉ có 16 giáo viên chính giảng dạy trong khi thực tế áp lực rất lớn. Dù đã tuyển nhưng trong đợt tuyển dụng đợt 1 vừa rồi trường không tuyển được thêm giáo viên nào. Với quy mô có thể tiếp nhận giảng dạy tối đa 140 học sinh nhưng thực tế với 125 em thì trường vẫn đang thiếu nhiều giáo viên.

Cô Hoàng Thị Thu Hường- Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức chia sẻ nhà trường gặp khó khăn vì thiếu giáo viên (ảnh: L.P)

Cô Hoàng Thị Thu Hường- Hiệu trưởng Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức chia sẻ nhà trường gặp khó khăn vì thiếu giáo viên (ảnh: L.P)

Cô Hường chia sẻ, học trò của trường đa phần là các em bị khuyết tật trí tuệ như hội chứng down, bại não, rối loạn phát triển như tự kỷ, rối loạn về cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ và tăng động. Các em bị tăng động ngày càng nhiều thì vấn đề đảm bảo an toàn cũng là một khó khăn khi số lượng giáo viên khá “mỏng” hiện nay.

Thường những lớp có học sinh ít hành vi nguy hại sẽ được sĩ số đông hơn những lớp có học sinh ở thể nặng. Những lớp có trẻ tự kỷ hoặc có hành vi không kiểm soát được thì sẽ không thể đông được.

“Chương trình dạy trẻ tự kỷ thường là dạy theo dạng cá nhân, giáo viên phải thực hiện “1 kèm 1”, tương ứng một ngày thì mỗi cô chỉ “tải” được 5 trẻ. Chưa kể các cô không chỉ dạy học sinh mà còn tổ chức các hoạt động chung, chăm sóc các bé, lo khâu ăn uống, nghỉ ngơi của các bé”, cô Hường nói.

Cô Hường cho biết thêm, theo chuẩn đối với một trường dạy trẻ khuyết tật một giáo viên sẽ phụ trách tối đa 5 học sinh, với tổng số học sinh đang có tại trường là 125 em thì nhà trường vẫn đang thiếu đến 9 nhân sự.

Ngoài thiếu giáo viên chính thì trường cũng đang rất cần nhân sự cho các vị trí giáo viên dạy Thể dục, Âm nhạc, Tin học. “Ở trường hiện chỉ có một thầy dạy thể dục, muốn có nhiều hoạt động vận động thể dục cho học sinh thì phải cần thêm giáo viên phối hợp. Thầy vừa phải hỗ trợ lên lớp, vừa phải chú ý an toàn cho tất cả các em với số lượng học sinh đông như vậy thì một thầy thì không đủ”, cô Hường nói thêm.

Cũng theo cô hiệu trưởng, không riêng gì khó khăn về đội ngũ giáo viên, trường cũng khó tuyển được nhân sự ở các vị trí như bảo mẫu, cấp dưỡng và bảo vệ.

Giáo viên nghỉ 3 nhưng không tuyển được người mới nào

Theo chia sẻ của cô Hường, năm 2003, Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền được thành lập với 16 trẻ học ban đầu nhưng nhân sự rất dồi dào có đến 18 giáo viên. Giai đoạn năm 2017-2018, trường có đến gần 30 giáo viên trong đó ngoài 26 giáo viên chính thức thì nhà trường còn hợp đồng thêm giáo viên ở bên ngoài. Với số giáo viên chính khá đông kết hợp các giáo viên hợp đồng thêm nên khâu dạy và chăm lo cho các học sinh khuyết tật của trường khá tốt.

Đặc biệt giai đoạn trước dịch Covid-19, nhà trường còn có 7 tình nguyện viên thường trực phối hợp tổ chức hoạt động cho học sinh nên hỗ trợ thầy cô rất nhiều, tạo môi trường giao tiếp giúp các em phát triển.

Ngay thời điểm nhân sự ổn định, trường đón số trẻ đủ tối đa 140 em, đó cũng là thời điểm tất cả các phòng chức năng đều được tận dụng để làm nơi nghỉ trưa cho học sinh.

Tuy nhiên những năm gần đây nhiều giáo viên đến tuổi về hưu nên nhân sự giảm xuống, đồng thời cũng không ít giáo viên trẻ rời đi khiến trường gặp nhiều áp lực. Riêng năm nay có 3 giáo viên rời trường, trong đó một cô chuyển sang trường tiểu học, 2 cô nghỉ để chuyển sang dạy trường cấp trung học cơ sở.

“Khó khăn của việc tuyển dụng giáo viên cho các trường chuyên biệt do nhân lực của ngành giáo dục đặc biệt không nhiều. Mỗi khoá tốt nghiệp đại học ra mấy chục cử nhân giáo dục đặc biệt nhưng không phải ai cũng chọn vào làm cho giáo dục công lập trong khi hiện nay trong tư nhân tham gia lĩnh vực này cũng rất nhiều và thu hút nhân lực hơn”, cô Hường chia sẻ .

Theo cô Hường, thực tế hiện nay trẻ em bị rối loạn phát triển khá nhiều, nhiều gia đình có điều kiện cũng chấp nhận bỏ ra chi phí cao cho con học trường tư thục hay mời giáo viên can thiệp ngay tại nhà. Sinh viên mới ra trường nếu có nhu cầu về thu nhập sẽ chọn môi trường tư thục nhiều hơn. Môi trường công lập dù có sự ổn định và có phát triển nhưng ngược lại công việc nhiều áp lực mà thu nhập thấp. Đây là điều khiến hiệu trưởng một trường chuyên biệt công lập như cô trăn trở.

Nếu tính theo bảng lương, so với bậc mầm non, tiểu học thì giáo viên trường chuyên biệt có phần nhỉnh hơn như phụ cấp ưu đãi được nhận là 70%, và 0,3 lương cơ bản đối với phụ cấp trách nhiệm. Tuy nhiên, giáo viên ở đây sẽ không còn nhận thêm khoản nào nữa từ nguồn thu khác như: bán trú, học phí 2 buổi hay kinh phí từ tổ chức ăn sáng…Chính vì thế tổng thu nhập của mỗi giáo viên của trường vẫn không cao.

Theo cô Hường, tình hình nhân sự thiếu thì hầu như tất cả các trường chuyên biệt đều gặp phải. Điều này được lý giải do áp lực công việc quá nặng, xét tính chất công việc và cách dạy của giáo viên dạy trường chuyên biệt vừa giống cô giáo lớp mầm nhưng lại vất vả hơn.

Cô Hoàng Thị Thu Hường cho biết, ngày nào thời tiết mát mẻ thì các cô giáo rất mừng nhưng hôm nào nóng bức thì các cô rất vất vả vì nhiều em không làm chủ được hành vi của mình. Nhiều lúc không kiềm chế cảm xúc thậm chí nhiều em còn đánh cả cô giáo và các bạn. Không chỉ dạy mà còn chăm lo, đảm bảo an toàn cho học sinh, do vậy, các giáo viên dạy hệ đặc biệt này đòi hỏi phải thực sự yêu nghề, yêu trẻ mới có thể trụ được với nghề.

Cô Hường chia sẻ thêm, vì không tuyển được giáo viên mới nên năm trước trường thường ký hợp đồng thỉnh giảng với các cô về hưu. Điều thuận lợi là các cô này quen việc, quen học trò nhưng năm nay do lớn tuổi nên các cô không nhận dạy hợp đồng nữa.

Sắp tới kế hoạch trường tiếp nhận thêm cơ sở 2 ở quận 9 với quy mô khoảng 22 lớp, diện tích các lớp học lớn hơn khoảng 15 học sinh/lớp do vậy phải cần có 2 giáo viên mỗi lớp. Tuy vậy, với tình hình nhân sự còn thiếu thì dự kiến ban đầu chỉ mở 4 lớp trước.

Trong đợt tuyển dụng sắp tới, trường sẽ tuyển khoảng 23-25 nhân sự, trong đó ngoài giáo viên chính đứng lớp thì cần thêm cả các giáo viên bộ môn, nhân viên y tế, bảo vệ.

Cô hiệu trưởng ngôi trường đặc biệt này chia sẻ mong muốn ổn định nhân sự để thực hiện nhiều kế hoạch giảng dạy hơn, chăm lo tốt hơn cho các em học sinh đặc biệt này. Lãnh đạo trường luôn trăn trở bởi ấp ủ rất nhiều kế hoạch giảng dạy cho học sinh phát triển tốt hơn nhưng suốt thời gian chưa thể làm gì được do không đủ người.

Lê Phương