Lịch sử thành môn bắt buộc, SGK lớp 10 tái bản nên lược bỏ phần giảm tải

15/03/2023 06:39
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên dạy bộ môn Lịch sử lớp 10 đề xuất bỏ số trang sách mà nội dung đã giản lược, học sinh không phải học nhằm tiết kiệm chi phí cho phụ huynh.

Nhằm góp phần hoàn thiện bộ sách giáo khoa mới cho năm học 2023-2024 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện nay các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đang tích cực triển khai hướng dẫn giáo viên tham gia tìm hiểu và góp ý với các bộ sách mới - lớp 4, lớp 8, lớp 11. Đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm, với công tác đề xuất, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa năm học 2022-2023.

Theo giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (tỉnh Hưng Yên), đơn vị đang triển khai lấy ý kiến giáo viên về sách giáo khoa lớp 11. Việc đánh giá được tổ chức tại trường, sau đó là ở cấp Sở.

"Hiện, tôi cũng đang trong thời gian nghiên cứu sách Ngữ văn của ba bộ sách để đưa ra ý kiến góp ý, đánh giá, thời gian nghiên cứu cho mỗi giáo viên là 2 tuần", giáo viên này chia sẻ.

Ảnh minh họa, nguồn: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ảnh minh họa, nguồn: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Còn với việc đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đề xuất, lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa năm học 2022-2023, sau gần 1 năm học, các giáo viên cũng nêu ý kiến góp ý cụ thể.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Cúc (giáo viên dạy môn Lịch sử tại một trường trung học phổ thông thuộc tỉnh Hưng Yên) cho biết, vào cuối tháng 2 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên ban hành công văn 308 gửi các nhà trường triển khai tới giáo viên về việc đọc, góp ý đối với sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 cho năm học tới, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm với việc chọn sách của năm học 2022-2023.

Với nội dung đánh giá về sách đang sử dụng, với lớp 10, ở môn Lịch sử của chương trình mới, cô Cúc nhận định như sau: Nội dung chương trình sách giáo khoa môn Lịch sử của bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" đang được nhà trường giảng dạy có kiến thức vừa phải. Điều này giúp học sinh "dễ thở" hơn và giáo viên có nhiều "đất" để sáng tạo bài giảng cho học sinh. Ví dụ như bài đầu tiên là khái quát về Sử học, nội dung kiến thức khá dễ dàng cho học sinh .

"Còn ở bộ sách Cánh diều, các nội dung chi tiết hơn nhưng cá nhân tôi thấy kiến thức trong sách có phần hơi nặng với người học nói chung (không tính học sinh chuyên).

Tôi cho rằng, giáo viên có thể mở rộng vấn đề để học sinh có vốn kiến thức sâu hơn, chứ không nhất thiết phải dựa hoàn toàn vào nội dung trong sách.

Trong bản góp ý, tôi có đề nghị, khi tái bản sách Lịch sử lớp 10 cho năm 2023-2024, đơn vị xuất bản nên cắt số trang có nội dung đã được giản lược", cô Cúc chia sẻ.

Chia sẻ thêm về đề xuất cắt bớt số trang (mà kiến thức đã được giản lược) trong sách giáo khoa, cô Cúc cho biết, trước đây, khi môn Lịch sử được thiết kế là môn lựa chọn, chương trình học sẽ là 2 tiết/tuần. Sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Lịch sử trở thành môn bắt buộc, chương trình học giảm xuống còn 1,5 tiết/tuần.

Điều này đồng nghĩa có những bài học như bài 3, bài 9 (sách Lịch sử lớp 10 của bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống") được cắt bỏ hoàn toàn, học sinh không phải học những bài này nữa; hay các em được giảm tải, không học một số nội dung trong một bài nào đó. Ví như phần nguyên tắc cơ bản của Sử học sẽ được lược bỏ, hay như kiến thức về các phương pháp cơ bản của Sử học là dành cho học sinh chuyên sâu, thì các em học sinh không chuyên không cần đến nội dung này.

"Nhưng trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" hiện tại vẫn còn những trang có nội dung trên (do chương trình điều chỉnh sau khi sách đã in và được phê duyệt), đồng nghĩa với việc cuốn sách bị thừa trang. Vì vậy, cần phải điều chỉnh để cho ngắn gọn đỡ lãng phí", cô Cúc nhận định.

Nữ giáo viên chia sẻ, nếu cắt giảm số trang có nội dung không học, có thể giảm được hàng chục trang, đồng nghĩa với việc giá thành được giảm, sẽ tiết kiệm khoản tiền cho phụ huynh học sinh.

Về tổng thể chương trình môn Lịch sử lớp 10, cô Cúc đánh giá kiến thức vừa sức với các em. Bên cạnh đó, còn có những tiết thực hành, trải nghiệm cho học sinh khá hay.

Ví dụ như ngoài xem video, cô Cúc khi giảng dạy chuyên đề sẽ cho các em tập hát xoan, chèo, múa... để học sinh được biết đến loại hình nghệ thuật, trong khi trước đây không có nội dung này.

Thông tin thêm về việc đánh giá các bộ sách đang giảng dạy, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên cho hay:

"Sau gần một năm học, đối với các sách mới đưa vào giảng dạy của năm học 2022-2023 là lớp 3, lớp 7, lớp 10, việc giáo viên đánh giá là ý kiến tham mưu để giúp các bộ sách hoàn thiện hơn, phù hợp hơn. Từ quá trình tổng hợp ý kiến của những người trực tiếp thực hiện chương trình, Uỷ ban nhân dân các tỉnh sẽ xem xét, phê duyệt các sách được sử dụng sao cho phù hợp nhất với đặc điểm của từng địa phương".

Tại Điều 14, Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT có quy định về lựa chọn sách giáo khoa tại cơ sở giáo dục phổ thông:

1. Tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

2. Thông báo danh mục sách giáo khoa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.

3. Sử dụng hiệu quả sách giáo khoa đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong quá trình dạy và học theo quy định của pháp luật.

4. Tổng hợp các kiến nghị của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở).

Mạnh Đoàn