Tăng lương cơ sở từ 01/7, cách tính các khoản phụ cấp cho giáo viên ra sao?

13/07/2024 06:48
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiện nay, các địa phương đã có những chỉ đạo về thực hiện lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức hoặc truy lãnh lương mới ngay trong tháng 7.

Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 07/2024/TT-BNV nhằm hướng dẫn thực hiện lương cơ sở mới từ ngày 01/7/2024 có hiệu lực từ ngày 05/7/2024. Các chế độ quy định tại Thông tư 07/2024/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Như vậy từ 01/7, mức lương cơ sở mới chính thức tăng từ 1,8 triệu mỗi tháng lên 2,34 triệu đồng mỗi tháng (tăng 540,000 đồng- tương ứng 30%), bên cạnh đó còn bổ sung thêm 10% tiền thưởng,…

Hiện nay, các địa phương đã có những chỉ đạo về thực hiện lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức hoặc truy lĩnh lương mới ngay trong tháng 7.

Khi lương cơ sở tăng thì mức phụ cấp cũng sẽ tăng theo, dưới đây là cách tính hưởng các khoản phụ cấp của giáo viên ở bậc mầm non, phổ thông khi lương cơ sở tăng từ 01/7.

z24460902014229cd256c94cdd884046146b2c7a03ab4c.jpg
Ảnh minh họa.

Thứ nhất, phụ cấp ưu đãi

Khoản 1 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định về các mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo như sau: Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở điều kiện bình thường;

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Căn cứ khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định về tính phụ cấp ưu đãi nhà giáo như sau:

Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung (Mức lương cơ sở) x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Ví dụ 1: Giáo viên A dạy ở bậc mầm non, chức danh giáo viên mầm non hạng II công tác ở vùng có điều kiện bình thường có hệ số lương 3,99 (không có phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung) sẽ nhận được phụ cấp ưu đãi từ 01/7 như sau: 2,340,000 x 3,99 x 35%, được nhận phụ cấp ưu đãi mỗi tháng 3,267,810 đồng mỗi tháng.

Giáo viên B, dạy bậc trung học cơ sở, chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III có hệ số lương 4,32, phụ cấp chức vụ tổ trưởng 0,2, không có phụ cấp thâm niên vượt khung sẽ nhận được phụ cấp ưu đãi từ 01/7 như sau: 2,340,000 x [4.32 + 0.2] x 30%, được nhận phụ cấp ưu đãi mỗi tháng 3,701,880 đồng mỗi tháng.

Thứ hai, phụ cấp chức vụ, trách nhiệm

Phụ cấp chức vụ, trách nhiệm được chi trả cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, tổng phụ trách Đội, giáo viên dạy giáo dục hòa nhập,…

Cách tính phụ cấp này là mức lương cơ sở x hệ số phụ cấp chức vụ, trách nhiệm

Ví dụ, hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở có phụ cấp chức vụ 0,55 thì mỗi tháng được nhận 2,340,000 x 0,55, được nhận 1,287,000 đồng mỗi tháng; Tổng phụ trách Đội được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,2 sẽ được nhận phụ cấp trách nhiệm 2,340,000 x 0,2, được nhận 468,000 đồng mỗi tháng,…

Thứ ba, phụ cấp thâm niên

Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ. Theo đó, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Cách tính phụ cấp thâm niên như sau:

Mức tiền phụ cấp thâm niên
=
Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng
x
Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ
x
Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng

Ví dụ, một giáo viên dạy ở bậc trung học cơ sở, có hệ số lương 4,32, được hưởng phụ cấp thâm niên 19% thì mỗi tháng được nhận phụ cấp thâm niên: 4,32 x 2,340,000 x 19%, được nhận 1,920,672 đồng mỗi tháng.

Thứ tư, phụ cấp thâm niên vượt khung

Mức phụ cấp thâm niên vượt khung của giáo viên được thực hiện theo Văn bản hợp nhất Số: 1/VBHN-BNV hợp nhất Thông tư số 04/2005/TT-BNV và Thông tư số 03/2021/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức được xác định như sau:

Giáo viên hưởng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó nếu sau 03 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng, từ năm thứ 4 trở đi được tính thêm 1%.

Cách tính phụ cấp thâm niên vượt khung cũng tương tự cách tính phụ cấp thâm niên.

Một giáo viên có hệ số lương 4,98, phụ cấp thâm niên vượt khung 12%, từ 01/7 được nhận phụ cấp thâm niên 2,340,000 x 4,98 x 12%, được nhận 1,398,384 đồng mỗi tháng.

Nếu giáo viên dạy ở vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ còn có thể nhận thêm phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm,…

Tổng thu nhập của giáo viên được tính bằng hệ số lương x mức lương cơ sở và cộng với tổng các khoản phụ cấp được nhận.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam