Mùa Tri ân sắp về và nỗi niềm của một nhà giáo

09/11/2020 05:59
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi người cùng chung tay một chút, thầy cô nỗ lực hết mình để trở thành những tấm gương sáng trước học trò thì chắc chắn chúng ta sẽ được hái những mùa “quả ngọt"

Tháng 11 hàng năm gắn liền với sự kiện ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam nên các cơ quan, đoàn thể, phụ huynh và học sinh đều hướng về những người đã và đang cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà.

Những hoạt động, những lời tôn vinh lại được xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, những lời chúc sẽ lại xuất hiện tràn ngập trên các trang mạng xã hội.

Xã hội đã và đang tôn vinh người thầy nhưng xã hội cũng đang đòi hỏi ở người thầy phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều nhà giáo luôn phát huy được những phẩm chất, đạo đức và tài năng của mình trước học trò, trước xã hội nhưng cũng có một số thầy cô chựng lại trước những khắt khe của dư luận.

Thậm chí, một số ít nhà giáo tự đánh mất hình ảnh của mình trước học trò và phụ huynh khi có những lời lẽ, hành động không phù hợp, khi o ép học trò đến học thêm với mình.

Trong bức tranh xô bồ ấy, nếu người thầy không vững vàng, bình tĩnh, không chịu thay đổi mình cho phù hợp thì ắt sẽ trở nên lạc nhịp…

Hình ảnh thầy cô vẫn tận tụy trong những giờ lên lớp (Ảnh minh họa: TTXVN)

Hình ảnh thầy cô vẫn tận tụy trong những giờ lên lớp (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bình tĩnh đón nhận những đổi thay của ngành

Người thầy trước đây có lẽ giản đơn hơn nhà giáo bây giờ bởi trước đây thầy cô là trung tâm của lớp học, thầy cô nói trò nghe, thầy cô có vị thế uy nghiêm trước học trò và học trò thường sợ cái quyền uy của nhà giáo.

Lúc ấy, nhà giáo đến với học trò bằng cái tâm hoàn toàn sáng trong, dạy học trò bằng lòng nhiệt huyết và “cháy hết mình” trước những giờ dạy vì không bị ràng buộc nhiều thứ như bây giờ.

Học sinh kính trọng thầy cô, phụ huynh nể thầy cô và khi có chuyện gì xảy ra thì bao giờ phụ huynh vẫn “đứng bên” thầy cô để giáo dục con em mình.

Giờ đây, người thầy không khó khăn về kinh tế giống thầy cô trước đây nữa nhưng lại luôn phải đối mặt với mặt trái của nền kinh tế thị trường và những thay đổi của ngành.

Muốn giữ được sự yên ổn thầy cô đôi lúc phải chịu lép vế trước học trò vì học sinh bây giờ đã là trung tâm của lớp học. Những học sinh không chịu học bài, học sinh không nghe lời thầy cô, học sinh quậy phá trong lớp bây giờ nhiều lắm.

Vì các em biết thầy cô bây giờ không dám làm gì mình. Mọi lời lẽ, ngôn phong chỉ cần hơi quá thái của người thầy khi đứng lớp đều vi phạm đạo đức nhà giáo nên có học trò có thể về nói với cha mẹ mình.

Những đơn thư nặc danh, những đơn thư gửi lên cấp phòng, sở để phản ánh thầy cô bây giờ nhiều lắm…

Những sự việc được phản ánh trên báo chí chỉ là phần nổi của tảng băng chìm vì chỉ có những sự việc mà ngành không giữ kín được thì mới bị lọt thông tin ra ngoài.

Nhưng dù bị dư luận biết đến hay xử lý nội bộ thì mỗi lần như vậy, thầy cô sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận. Nó không chỉ ảnh hưởng đến danh dự mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người thầy nên một số thầy cô chọn cách im lặng để tự bảo vệ mình.

Giáo dục cần sự chung tay từ nhiều phía

Thực tế giảng dạy vẫn xuất hiện một bộ phận rất nhỏ những thầy cô có những hành động, lời lẽ không phù hợp với học trò của mình khi áp dụng những hình phạt phản cảm, có những hành động gây hậu quả lên thân thể học trò.

Thậm chí, có những nhà giáo đã không giữ được mối quan hệ trong sáng với học trò và làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy nói chung.

Có những thầy cô ép học trò học thêm và đối xử không công bằng với những em không học thêm nên dẫn đến tình trạng phụ huynh phải gửi email cho Ban giám hiệu trường nêu đích danh tên thầy cô…

Những thầy cô như vậy tất nhiên cần phải lên án.

Song, nhìn vào tổng thể của ngành giáo dục thì chúng tôi vẫn luôn thấy những hình ảnh thầy cô tận tụy với nghề nghiệp của mình theo đuổi.

Có biết bao nhiêu thầy cô vẫn bám bản, bám làng ở những nơi xa xôi hẻo lánh, có nhiều thầy cô trích một phần lương của mình để thêm vào những bữa cơm cho học trò vùng cao.

Có biết bao nhiêu thầy cô vẫn miệt mài tìm ra những cái hay, cái mới để áp dụng vào công việc giảng dạy của mình một cách hiệu quả, có biết bao nhiêu thầy cô vẫn bên cạnh học trò để đem lại những thành tích cho ngành, cho địa phương và đất nước.

Những tấm gương dù được nêu trên báo hay chỉ âm thầm giúp đỡ học trò mà chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay” vẫn cứ diễn ra hàng ngày.

Và những nhà giáo như thế dù được tôn vinh hay không được tôn vinh thì họ vẫn cảm thấy hài lòng vì bản thân mình đã và đang góp phần dạy dỗ, giáo dục cho hàng trăm học trò mỗi năm trưởng thành.

Những người thầy, người cô hiện nay cũng chỉ mong xã hội bớt khắt khe với công việc của người thầy. Không đánh đồng hình ảnh người thầy với những hiện tượng cá biệt đã xảy ra.

Đồng thời, họ mong lắm những phụ huynh cùng chung tay giáo dục học trò, không nên quá bênh vực con em mình khi các em có những hành động không phù hợp với thầy cô, bạn bè.

Không vì một sự cố nhỏ của người thầy trước học trò mà kiên quyết muốn đẩy thầy cô đang dạy con mình đến bước đường cùng. Và, dư luận cũng cần nhìn nhận khách quan về mỗi sự việc xảy ra để những cái xấu, cái sai, cái chưa phù hợp được đẩy lùi...

Mỗi người cùng chung tay một chút, thầy cô nỗ lực hết mình để trở thành những tấm gương sáng trong trước học trò thì chắc chắn chúng ta sẽ được hái những mùa “quả ngọt”.

LÊ VĂN MINH