Nghỉ việc, không phải lựa chọn màu hồng cho tất cả giáo viên

02/08/2023 06:40
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghề giáo có thể lương chưa đủ sống nhưng chan chứa niềm vui, hạnh phúc khi mỗi thầy cô vượt qua khó khăn, làm cho học trò hôm nay tốt hơn hôm qua.

Thời gian qua, làn sóng giáo viên xin nghỉ việc đã và đang tác động không nhỏ đến ngành giáo dục. Vào đầu năm học các địa phương lại đau đầu với chuyện tuyển dụng giáo viên.

Năm học 2021-2022 cả nước có 16.265 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì có một người xin ra khỏi ngành; sang năm học 2022-2023 làn sóng nghỉ việc của giáo viên có giảm đi, khoảng 9.295 người.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Nguyên nhân bỏ việc của giáo viên có nhiều, song nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống.

Giáo viên nghỉ việc vì áp lực cao mà lương không đủ sống

Thầy giáo Nguyễn Lương Trà chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp đại học Sư phạm loại giỏi, đi dạy một tháng nhận chưa được 4 triệu đồng, chắt bóp chi tiêu còn thiếu trước hụt sau, nói chi đến tích lũy.

Cầm cự được hai năm nghề giáo, tôi xin nghỉ việc, vào làm trong khu du lịch với mức lương khởi điểm 11 triệu đồng/tháng, có xe đưa rước, có đồng phục mặc, ăn uống thì thoải mái.

Nhờ có vốn ngoại ngữ, thành thạo vi tính, biết phát huy kĩ năng sư phạm trong giao tiếp, sau 1 năm tôi được đề cử làm trưởng nhóm, nay thu nhập cũng gần 20 triệu đồng/tháng thực nhận.

Nói thật, đi làm áp lực không cao bằng đi dạy, vậy mà tôi cũng không hiểu nổi sao lương giáo viên thấp thế, giờ mới thấy thương thầy cô giáo, đồng nghiệp cũ của mình”.

Cùng cảnh tương tự, cô giáo Nguyễn Thị Nga, giáo viên mầm non chia sẻ: “Tôi thích làm cô giáo từ nhỏ, nhưng đi dạy mới thấy áp lực và cực khổ của nghề giáo như thế nào.

Đi dạy từ sáng sớm, tối mới về, vậy mà lương không đủ trang trải sinh hoạt gia đình, có đứa trẻ thêm tiền sữa, tiền tã cho con. Kinh tế càng khó khăn, tôi đành xin nghỉ việc.

Nghỉ việc cũng nhớ trường, nhớ lớp, nhưng cơm áo gạo tiền không đùa được khi nuôi hai con nhỏ thầy ạ. Nay đi làm ngoài, cũng áp lực nhưng không bằng khi đi dạy, lại thoải mái, lương gấp mấy lần đi dạy, cuộc sống dễ chịu hơn nhiều”.

Không chỉ giáo viên trực tiếp giảng dạy, giáo viên trẻ nghỉ việc mà có cả hiệu phó, giáo viên có thâm niên nghề cũng nghỉ việc, tìm việc mới mong muốn có thu nhập cao hơn. Câu chuyện của một số lãnh đạo trường ở một số tỉnh thành khu vực miền Trung nghỉ việc đi xuất khẩu lao động được báo chí đăng tải vừa qua là một ví dụ điển hình. [1]

Lương giáo viên thấp vì lương cơ sở đã 3 năm không tăng, vẫn giữ mức 1.490.000, hi vọng sau ngày 1/7/2023 khi lương cơ sở lên mức 1.800.000 giáo viên sẽ không nghỉ việc, nhưng thực tế không phải vậy, ngay đơn vị người viết đang công tác đầu tháng 8 này đã có 03 giáo viên xin nghỉ việc.

Cô giáo Ngô Thị Hà cho biết “Đi dạy bây giờ áp lực quá, chỗ nào trong trường cũng có “mắt đại bàng” (camera – người viết) vậy mà công tác gần 20 năm, nhưng lương mới cũng chưa đầy chục triệu.

Lương hai vợ chồng đi dạy nuôi hai đứa con học đại học cứ thiếu trước hụt sau, nợ chồng lần, khổ lắm, cháu đầu cứ đòi nghỉ học vì thương bố mẹ.

Bàn đi tính lại, tôi xin nghỉ hẳn, tập trung mở rộng kinh doanh tại nhà, vừa bán hàng tạp hóa, vừa bán hàng online để hai cháu đi học yên tâm”.

Nghỉ việc, không phải màu hồng với tất cả giáo viên

Cách đây hơn một năm, giữa cơn sốt đất, thầy giáo Trần Huỳnh (đã đổi tên nhân vật) công tác tại Bà Rịa – Vũng Tàu kiếm tiền dễ dàng nhờ làm “cò” đất, nên xin nghỉ việc.

Mới đây cựu giáo chức Trần Huỳnh chia sẻ: “Nghỉ dạy là quyết định sai lầm nhất của đời tôi thầy ạ. Nếu được lựa chọn lại, tôi không nghỉ việc đâu.

Lúc đầu cứ nghĩ mình bỏ nghề, có thu nhập khá hơn sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn, nhưng thực tế không phải vậy, tâm sự này không chỉ riêng tôi mà nhiều giáo viên nghỉ việc cũng có đồng cảm tương tự.

Tôi cũng đang làm hồ sơ để xin đi dạy hợp đồng, chờ có đợt tuyển giáo viên sẽ làm hồ sơ tuyển dụng lại, làm lại từ đầu”.

Thực tế, cũng có không ít giáo viên đã bỏ nghề ngậm ngùi tiếc nuối khi từ giã bục giảng nhưng không dám nói ra, không dám chia sẻ với người khác.

Nghề giáo có thể lương chưa đủ sống nhưng chan chứa niềm vui, hạnh phúc, khi mỗi thầy cô đã vượt qua khó khăn đem yêu thương đến với học trò, làm cho học trò hôm nay tốt hơn hôm qua.

Xin nghỉ việc thì dễ, vượt qua khó khăn để trở thành người có ích cho học trò, cho xã hội mới khó.

Nghỉ việc hay giữ việc là quyền của mỗi giáo viên, thầy cô giáo hãy suy nghĩ cho kĩ, để có quyết định sáng suốt nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-thay-giao-bo-viec-tim-loi-thoat-bang-xuat-khau-lao-dong-1203298.ldo

Nguyễn Nhật Minh