Mỗi nhà báo phải có giọng điệu riêng
- Trở thành một nhà thơ từ rất sớm. Điều này giúp ích được gì trong công việc làm báo của anh?
- Khi bắt đầu nghề viết, tôi không có ý định làm báo mà có mong muốn trở thành một nhà thơ. Sau đó, tôi được đào tạo trong môi trường Quân đội khắc nghiệt, khép kín ở Học viện Chính trị Quân sự. Chính môi trường ấy đã tạo cho tôi một vốn cảm xúc không còn nhiều, những câu thơ mình viết ra nó chỉ như một trò chơi chữ. Khi tiếp cận với môi trường làm báo, có những bài đăng thì tôi chuyển sang viết báo, đồng thời vẫn làm thơ vì cái tình yêu thơ vẫn tồn tại trong con người tôi. Bản thân tôi nghĩ, muốn trở thành nhà báo thì tất nhiên cũng phải có tình yêu thơ, yêu ngôn ngữ, yêu văn học, vì đấy chính là vốn sống của mình.
Là một nhà báo, dù anh ta có rất nhiều ý tưởng, có nhiều suy tư về xã hội nhưng lại không có chút vốn liếng về ngôn từ, văn học thì không bao giờ có thể chuyển tải được hết những thông điệp tới cho độc giả. Tình yêu thơ giúp tôi có những bài báo được đăng, được công bố rộng rãi và mình có giọng điệu cá nhân ở trong đấy.
Nhà báo Hồng Thanh Quang (bên phải) đang giao lưu với sinh viên |
Nhận thức xã hội, vốn hiểu biết và cả vốn văn chương chỉ là một phần, quan trọng nhất là giọng điệu. Có giọng điệu, có sự hấp dẫn của giọng điệu thì mới tạo được uy tín. Tất nhiên để củng cố uy tín thì cũng phải cần kiến thức, kĩ năng cần thiết của một người làm báo. Không có giọng điệu thì bao nhiêu kiến thức cũng trở thành vô duyên hết, vô duyên thì dù mình có nói đúng người ta cũng chưa chắc nghe mình.
Chữ vận vào đời
- Anh đã từng chia sẻ rằng: “ Tôi không muốn làm Xuân Diệu thứ hai mà chỉ muốn làm Thanh Quang thứ nhất”, vậy anh có thể chia sẻ về cảm hứng trong sáng tác thơ và sáng tạo tác phẩm báo chí?
- Ở vào tuổi này, tôi không còn là người đi tìm tình yêu đâu mà tình yêu cứ vận vào mình (cười). Ngày xưa khi tôi làm thơ chưa hề có kinh nghiệm yêu đương gì cả, trong một hoàn cảnh, tình huống nào đó, tự nhiên câu thơ cứ vang lên trong đầu và mình chép lại. Chứ ngay lúc ấy không hề có một dữ kiện gì để viết như thế cả, nhưng sau này những chuyện yêu đương đôi lứa mới xảy ra, mình đọc lại những câu thơ ấy và thấy nó đúng. Tôi tin rằng “chữ vận vào đời”, tin vào sức mạnh của câu chữ, câu chữ đẹp hơn chúng ta tưởng nhiều.
Câu “Tôi không muốn làm Xuân Diệu thứ hai mà chỉ muốn làm Thanh Quang thứ nhất” vì ngay lúc ấy tôi tự thấy mình không thể bằng Xuân Diệu, làm được một câu thơ gần giống với Xuân Diệu đã là vinh dự lắm rồi. Lúc ấy tôi không có nhiều kinh nghiệm về tình yêu nhưng tự nhiên lúc đó những câu thơ cứ vang lên, bằng một sự cảm nhận nào đấy. Tôi nghĩ quan trọng là bản năng, ý thức tốt nhưng không được củng cố bằng bản năng thì cũng chỉ là “dã tràng xe cát” mà thôi.
Tôi muốn xã hội tốt hơn, tử tế hơn
- Anh cũng từng nói “Thơ tôi thực ra là một gương mặt cuộc sống hoàn chỉnh của chính tôi”, vậy với nghề báo, gương mặt cuộc sống của anh được thể hiện như thế nào?
- Thực ra mình tự đánh giá mình là rất dở nên tôi nghĩ nghề báo của tôi cũng giống như con người tôi, nó đủ góc độ, góc độ ấy lại tùy góc nhìn, góc nhìn này thấy là hay nhưng góc nhìn khác lại thấy nó không hay. Nhưng cái quan trọng nhất là tôi luôn tâm niệm rằng, mình lúc nào cũng chân thành với nghề.
- Con người ta quan trọng là phải chân thành với cuộc đời bởi con người thì không tránh khỏi những sai lầm. Đối với tôi, nghề báo không chỉ là nghề để kiếm ăn, để lạc quan hay để thành đạt, mà còn là phương tiện để tôi góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Tôi muốn xã hội tử tế hơn, tốt hơn.
Năm 1986, khi từ Nga trở về, lúc đó tôi là kỹ sư vô tuyến điện, một nghề được coi là sang trọng và kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi không thích, tôi bỏ nghề “kiếm tiền mười mươi” để sang làm nghề kiếm tiền nhuận bút “ba cọc ba đồng”, nhưng tôi vẫn yêu nghề, vẫn bám nghề, tôi nghĩ làm việc gì cũng phải có động cơ đúng.
Phải đấu tranh và dám chấp nhận thua thiệt
- Văn chương thường mang nhiều cảm xúc, anh có sợ cảm xúc văn chương ảnh hưởng đến con đường làm báo của anh không? Anh có sợ một ngày mình sẽ “hết” cảm xúc văn chương không?
-Không ai sống mà cứ nghĩ đến chuyện chết vì ai cũng sẽ chết. Văn chương cũng vậy, nếu mình thực sự có cảm xúc văn chương thì cảm xúc ấy sẽ giúp cho mình làm báo có duyên và hấp dẫn hơn thôi, đừng có sợ. Với tôi, làm báo là một nghề rất sang trọng, tôi luôn tự hào vì đã chọn đúng nghề, nghề làm báo là một trong những nghề để chúng ta có điều kiện bày tỏ cá tính của chúng ta hơn. Đừng bỏ lỡ cơ hội mà các bạn được bày tỏ cá tính của mình.
- Vậy phong cách, cá tính của Hồng Thanh Quang là gì và anh mất bao lâu để khẳng định phong cách ấy?
- Như tôi đã nói, trước khi trở thành một nhà báo, tôi đã là một nhà thơ “cố chấp tình hình”. Tôi đã tham gia tham mưu các câu slogan cho báo Công An Nhân Dân là “nhân văn - tin cậy - kịp thời” và tờ báo An Ninh Thế Giới cuối tuần cũng theo khẩu hiệu mới: “mới lạ nhất - hấp dẫn nhất và thấu tình đạt lí nhất”, đây cũng đều là phong cách mà tôi luôn hướng tới. Phong cách của tôi hình thành trước khi tôi làm báo.
Cho đến tận hôm nay tôi vẫn luôn cố gắng, viết gì thì viết vẫn phải có tính nhân văn, trung thực và kịp thời. Muốn đạt được điều này phải đấu tranh với chính bản thân mình trong từng bài báo một. Đôi khi hiểu là một chuyện còn thực hiện nó như thế nào lại là một chuyện khác. Phải đấu tranh, dám chấp nhận thua thiệt… Làm báo cũng như làm văn làm nghệ thuật không phải là nghề gặt hái thành công ngay lập tức mà là nghề tích đức lâu dài.
-Xin cảm ơn nhà báo về cuộc trò chuyện này!
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”: Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Lan Hương thực hiện