Những chính sách liên quan giáo dục nổi bật trong năm 2022

28/12/2022 06:35
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết xin được điểm lại những chính sách giáo dục liên quan giáo viên năm 2022.

Trong năm 2022-2023, các chính sách giáo dục mới tiếp tục thực thi như Luật Lao động, Luật Giáo dục mới,…dẫn đến đến nhiều thay đổi trong các chính sách liên quan giáo viên.

Những ngày cuối năm 2022, người viết xin được điểm lại những chính sách giáo dục liên quan giáo viên năm 2022.

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Thứ nhất, ban hành tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Ngày 30/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022.

Thông tư này áp dụng đối với viên chức làm quản lý, giảng dạy chương trình giáo dục mầm non, phổ thông (giáo viên) trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt công lập (cơ sở giáo dục) đã được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó, giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;

Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56 Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận;

Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trường hợp giáo viên đủ điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì được xác định là đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Như vậy, theo quy định mới, giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì chỉ cần được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước đó thay vì phải 3 năm liên tục như quy định cũ.

Thứ hai, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP ban hành ngày 7/12/2021 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng quyết định thực hiện điều chỉnh tăng mức lương hưu từ 1/1/2022, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng lên 7,4% so với tháng 12/2021. Mức tăng này sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Song song với chính sách tăng lương hưu tại Nghị định 108/2021/NĐ-CP cũng quy định tăng trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng thêm 7,4% trên mức trợ cấp tương ứng của tháng 12/2021.

Các đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh mức tăng tương tự như đối với các đối tượng đang hưởng lương hưu. Trường hợp sau khi thực hiện điều chỉnh mà có mức trợ cấp dưới 2.500.000 thì tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng hoặc tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng.

Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng nêu trên, mà mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm với mức như sau:

Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Thứ ba, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Bộ luật Lao động 2019, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 6 tháng, tăng 3 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 8 tháng, tăng 4 tháng so với năm 2021.

Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5 - 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Thứ tư, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa

Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 5/5/2022.

Theo đó, người biên soạn sách giáo khoa phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất ba năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.

Thứ năm, tăng mức vay vốn cho học sinh, sinh viên từ 19/5/2022

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Theo đó, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên lên 4 triệu đồng/tháng từ ngày 19/5/2022.

Hiện nay, mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên là 2,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg còn sửa đổi đối tượng cho vay vốn đối với học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng. Cụ thể: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; (Quy định mới); Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. (Quy định mới) Quyết định 05/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 19/5/2022.

Thứ sáu, quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục

Ngày 23/5/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Thông tư này quy định về nhiệm vụ, hình thức triển khai và các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Thông tư này áp dụng đối với: các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Thứ bảy, xét tuyển đại học từ 2023, thí sinh thi điểm cao sẽ bị giảm điểm ưu tiên

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (có hiệu lực từ 22/7/2022).

Theo đó, chính sách ưu tiên theo đối tượng chính sách được quy định như sau:

- Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng

+ Nhóm đối tượng ưu tiên 1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm

+ Nhóm đối tượng ưu tiên 2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm;

- Mức điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định;

- Mức điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách khác (được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành) do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định;

- Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách được hưởng điểm ưu tiên nêu trên chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.

- Tất cả các mức điểm ưu tiên được quy định nêu trên tương ứng với tổng điểm 3 môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi (không nhân hệ số);

Trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương.

Lưu ý: Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều 7 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.

Thứ tám, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng

Đây là nội dung tại Nghị quyết 69/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2022. Cụ thể, từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, còn tăng một số mức phụ cấp như sau:

- Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp;

- Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

- Từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị. Nghị quyết 69/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 26/12/2022.

Thứ chín, ban hành quy chế mới về bồi dưỡng thường xuyên

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT ngày 05/12/2022 sửa đổi Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT.

Theo đó, việc đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên được quy định như sau:

- Đánh giá việc vận dụng kiến thức bồi dưỡng thường xuyên vào thực tiễn dạy học, giáo dục trẻ em, học sinh, học viên; thực tiễn quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Đánh giá cần kết hợp giữa đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ:

+ Bằng nhiều phương pháp, hình thức phù hợp thông qua bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch;

+ Bảo đảm về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung Chương trình bồi dưỡng thường xuyên, phù hợp với thực tiễn và các quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT (sửa đổi bởi Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT).

- Các bài kiểm tra, bài tập nghiên cứu, bài thu hoạch được chấm theo thang điểm 10 (mười) và được xếp loại đạt yêu cầu nếu đạt điểm 5 (năm) trở lên. Thông tư 17/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/01/2023.

Thứ mười, năm 2022-2023 giữ học phí ổn định như năm 2021-2022

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20.12.2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo hệ thống công lập thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.

Quyết định trên được Chính phủ đưa ra nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân sau dịch COVID-19.

Chính phủ yêu cầu các địa phương không tăng học phí năm học 2022 - 2023. Với địa phương đã quyết định tăng học phí năm học 2022 - 2023 trước đó, Chính phủ yêu cầu dùng ngân sách địa phương bù vào phần chênh lệch tăng thêm so với học phí năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.

Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.

Với cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Chính phủ quy định giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu năm ngoái theo Nghị định 81. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 quy định tại nghị định 81.

Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh COVID - 19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30.1.2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam