Thông thường, vào dịp Tết Nguyên đán, mọi người đều mong muốn những điều tốt lành, những an yên, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và mọi người. Đối với những giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục như chúng tôi cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với bản thân và công việc mà mình đang gắn bó.
Mong muốn, hy vọng của mỗi giáo viên có lẽ rất nhiều nhưng với riêng cá nhân người viết chỉ mong muốn 3 điều cần thiết nhất, đó là: mỗi giáo viên có một môi trường làm việc tốt; chương trình phổ thông 2018 được triển khai thuận lợi và việc cải cách tiền lương vào ngày 01/7/2024 tới đây sẽ mang lại niềm vui cho tất cả các nhà giáo.
Giáo viên cần một môi trường làm việc hạnh phúc
Bất kể người lao động nào cũng mong muốn bản thân mình có được một môi trường làm việc tốt để phát huy khả năng, tâm huyết của mình và những thầy cô đang đứng lớp ở các cấp học có lẽ cũng đều mong mong muốn như vậy.
Đối với từng trường học, môi trường làm việc tốt phải bắt đầu từ sự gương mẫu của mỗi thầy cô giáo, nhất là vai trò đầu tàu của những thầy cô ban giám hiệu nhà trường; những thầy cô đứng đầu các đoàn thể; các tổ trưởng chuyên môn.
Môi trường ấy phải phát huy được tính dân chủ, trên dưới một lòng thuận hòa, sẻ chia, hỗ trợ và cố gắng vì nhau, vì đơn vị. Trong các cuộc họp, những kế hoạch của nhà trường phải được thảo luận, phân tích, phản biện kĩ lưỡng trước khi triển khai, thực hiện.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường phải tạo điều kiện cho giáo viên nói, giáo viên phát biểu trong các cuộc họp và chấp nhận cả những lời “nghịch nhĩ”- nếu như đó là ý kiến phản biện hay, đóng góp trên tinh thần xây dựng cho đơn vị.
Những ý kiến đề xuất của giáo viên, lãnh đạo nhà trường cần thấu hiểu, đồng cảm, tuyệt đối không áp đặt, trịnh thượng khiến cho cấp dưới ngại nói, không muốn nói trong các cuộc họp để rồi những cuộc họp trở thành một chiều đơn điệu.
Bên cạnh đó, giáo viên cần ban giám hiệu nhà trường nghiêm khắc xử lý khi học sinh chưa ngoan, quậy phá, đánh nhau với bạn trong lớp, trong trường và thậm chí có những lời nói, hành động không phù hợp với giáo viên. Không nên xử lý nửa vời, không nên nuông chiều học trò vì sợ dư luận.
Đồng thời, mỗi trường học cần xây dựng được mối quan hệ tốt giữa cấp trên- cấp dưới; giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp; giữa giáo viên với phụ huynh; giữa giáo viên với học sinh.
Một khi nội bộ nhà trường đoàn kết và thấu hiểu, sẻ chia với nhau thì các kế hoạch của nhà trường mới có thể thực hiện tốt, góp phần vào sự nghiệp chung của nền giáo dục nước nhà.
Những điểm khó của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần được tháo gỡ
Đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai ở cấp tiểu học được gần 4 năm; cấp trung học cơ sở được gần 3 năm; cấp trung học phổ thông được gần 2 năm. Nhìn chung, bên cạnh những mặt tích cực, thuận lợi thì việc triển khai chương trình mới cũng còn một số điểm khó khăn cần được tháo gỡ.
Thứ nhất: đối với một số môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở dù có nhiều chỉ đạo, nhiều văn bản của Bộ ban hành nhưng đến thời điểm này vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế nhất định.
Các môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí dù chủ trương là môn học tích hợp nhưng chương trình, sách giáo khoa gần như đang được thiết kế riêng lẻ. Theo hướng dẫn của Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH, Bộ đã cho phép các trường căn cứ vào tình hình thực tế để dạy, kiểm tra riêng theo từng phần môn.
Giáo viên ở một số địa phương được cử đi học theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí nhưng học xong vẫn được phân công dạy đơn môn.
Vì thế, ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương tốn kém khi chủ trương môn học tích hợp, bồi dưỡng giáo viên nhưng đa phần các nhà trường vẫn đang bố trí giáo viên dạy đơn môn như trước đây.
Bên cạnh đó, những chỉ đạo về học sinh cuối cấp khi thi học sinh giỏi văn hóa và thi vào lớp 10 chuyên đối với các môn học tích hợp hiện nay cũng chưa được cụ thể hóa bằng văn bản.
Thứ hai: đối với môn Nội dung giáo dục địa phương ở 3 cấp học hiện nay đang triển khai biên soạn tài liệu giảng dạy khá chậm trễ. Nhiều địa phương khi triển khai năm đầu tiên chưa có sách giáo khoa (bản in) mà phải dạy và học bằng file PDF vì nhiều lí do khác nhau.
Môn Nội dung giáo dục địa phương mỗi lớp chỉ có 35 tiết nhưng đang có tới 6 phân môn khác nhau nhưng số tiết mỗi phân môn khác nhau nên việc giảng dạy; kiểm tra; vào điểm cũng gặp nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, ở cấp tiểu học thì một số địa phương lại ‘tích hợp” thêm 1 vở luyện viết; cấp trung học phổ thông thì nhiều trường ở các địa phương chưa có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật nên 2 phần môn này vẫn đang để ngỏ. Môn Nội dung giáo dục địa phương chỉ có thể dạy các phân môn còn lại.
Thứ ba: Hoạt động trải nghiệm dù được kì vọng khá nhiều khi thiết kế mỗi tuần có đến 3 tiết học nhưng nhiều trường học, giáo viên vẫn lúng túng trong triển khai, phân bổ số tiết. Mục tiêu của hoạt động này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mà chương trình tổng thể; chương trình môn học đã đề ra.
Giáo viên mong việc cải cách tiền lương vào ngày 01/7 tới đây sẽ cải thiện được đời sống
Suốt từ năm 2021 cho đến nay, đã có không biết bao nhiêu bài báo, thắc mắc của giáo viên ở nhiều địa phương về việc chuyển hạng, xếp lương theo chùm thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT nhưng đến nay vẫn có những địa phương chưa triển khai xong việc này.
Có nơi giáo viên vẫn chưa được chuyển hạng, hoặc chưa được hưởng lương mới. Một số địa phương triển khai trước khi Bộ ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã xảy ra những bất cập vì có những giáo viên hạng 3- hệ số lương 2,67; hạng 4- hệ số lương 3,0 cũ cũng được chuyển sang hạng I mới với hệ số lương 4,0.
Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp mới cho giáo viên chưa thực sự tạo được động lực thay đổi chất lượng cho giáo viên. Chỉ cần giáo viên đạt chuẩn trình độ, có thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là được bổ nhiệm.
Vô tình, các giáo viên cũng mất thời gian, tiền bạc để học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như nhau nhưng có giáo viên được hưởng lương mới chênh lệch với lương cũ với hệ số là 1,33 (tăng 4 bậc lương) nhưng cũng có nhiều giáo viên đang hưởng lương bậc 6- hệ số 3,99 khi chuyển sang hạng mới, lương mới chỉ chênh lệch hệ số 0,01.
Vì thế, nhiều giáo viên mong muốn việc cải cách tiền lương vào ngày 01/7/2024 tới đây những hạn chế sẽ được tháo gỡ.
Việc trả lương theo năng lực, theo vị trí công việc sẽ đảm bảo được sự công bằng và từ đó mới có thể nâng cao được trách nhiệm, động lực cho giáo viên. Bởi trả lương như hiện nay vẫn tồn tại những bất cập nhất định.
Năm mới, nhiều hy vọng mới và đội ngũ nhà giáo luôn mong muốn những chủ trương, chỉ đạo của ngành phù hợp, thiết thực để họ có môi trường làm việc tốt; công việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thuận lợi, hiệu quả.
Đặc biệt, chế độ tiền lương của đội ngũ nhà giáo được cải thiện và làm sao để những giáo viên giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề được đãi ngộ xứng đáng. Những giáo viên thiếu động lực phấn đấu hưởng lương theo đúng năng lực của mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.