Giáo viên và những mong muốn để không phải "gồng mình" trong chuyến tàu đổi mới

29/12/2022 06:47
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn tích hợp lắp ghép thiếu khoa học, không được giảm tải mà thêm áp lực cho giáo viên, người học. 

Tôi được lắng nghe và trao đổi với một số nhà giáo tâm huyết hiện đang trực tiếp giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở. Từ những giáo viên lần đầu tiên dạy chương trình mới đến giáo viên đã từng "thử sức" dạy chương trình mới ở năm trước đều bày tỏ rằng, giáo viên đang ở thế bị động, loay hoay xoay xở tìm đường ra trong cải cách.

Ở nhiều môn, trong khi người dạy còn đang phải tự mò hướng đi thì chuyến tàu cải cách đã sầm sập chạy. Để không lỡ chuyến, người trong cuộc đành tự gồng mình lên, lấp tạm vào những lỗ hổng của chương trình mới bằng biện pháp tình thế.

Những điểm khó từ thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Ghi nhận và tổng hợp những ý kiến phản hồi từ thực tế giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 của một số giáo viên, có thể thấy được những bất cập của chương trình mới.

Trong đó, điều đầu tiên phải kể tới đó là một chương trình - nhiều bộ sách. Điều này tạo tính đa dạng, đa sắc và... cũng đa cực cho cả người dạy và người học.

Một chương trình – nhiều bộ sách hiện đang gây khó cho cả việc dạy, học và ra đề thi chung. Bởi lẽ, không phải ai cũng đủ trình độ để xây dựng một đề thi bao quát cho tất cả các bộ sách khác nhau. Hơn nữa, các bộ sách lại triển khai chương trình không đồng nhất. Thậm chí, có nhiều khác biệt về nội dung và cấu trúc.

Một nhà giáo hiện đang công tác tại trường trung học cơ sở ở Hà Nội chia sẻ: “Môn Toán lớp 7, cùng một nội dung nhưng sách “Cánh diều” dạy ở kì I, sách “Kết nối tri thức và cuộc sống” lại thiết kế ở kì II. Điều này làm khó, thậm chí đánh đố cho những em học sinh vì lí do nào đó phải chuyển trường mà các trường sử dụng những bộ sách khác nhau. Vậy, ai sẽ dạy riêng cho học sinh này và học khi nào, học như thế nào?

Điểm khó thứ 2 là các môn tích hợp xây dựng thiếu khoa học, không giảm tải mà tăng thêm gánh nặng cho cả người dạy và học.

Sách Khoa học tự nhiên lớp 7 Bộ Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Sách Khoa học tự nhiên lớp 7 Bộ Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Môn Khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở ghép 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Thiết kế sách mới nhưng người dạy, phương pháp học vẫn cũ. Thực chất là "gò" 3 môn vào 1 cuốn sách, nội dung của từng môn được sắp xếp theo cấu trúc vài chương một phân môn, gây khó cho quá trình học.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Hải Yến, có thâm niên 30 năm giảng dạy, đã trải qua nhiều lần đổi mới sách chia sẻ: "Môn Lịch sử và Địa lý chỉ vì một số nội dung liên quan đến nhau mà đã hình thành một số chủ đề chung, một môn học với 2 phân môn độc lập, phải thực hiện dạy đồng thời với thời lượng 3 tiết/tuần. Tương đương mỗi phân môn 1,5 tiết/tuần.

Cách thiết kế máy móc, chưa khoa học dẫn đến sự quá tải, sắp xếp thời khóa biểu thay đổi liên tục. Làm cho giáo viên, người thì "chạy sô" kín tuần mong có tiết nghỉ. Người thì ngồi chơi để chờ đến lượt môn mình. Học sinh học cuốn chiếu hết môn học trước, sách vở cất đi, một thời gian sau mới học trở lại môn ấy, kiến thức chắc chắn rơi rớt chẳng còn mấy để rèn kỹ năng, phát triển năng lực và phẩm chất toàn diện như mục tiêu của chương trình cải cách đề ra.

Trường phải xây dựng kế hoạch và thời khóa biểu thay đổi, hoặc sau 4 – 5 tuần thực hiện, hoặc từng tuần. Người xếp thời khoá biểu vất vả, học sinh nhầm lẫn, giáo viên đôi khi nhầm lịch. Để không nhầm lớp, có người phải in thời khoá biểu của mình, cho vào thẻ đeo trước ngực. Bạn bè đồng nghiệp gọi thời khóa biểu này như bộ nhớ ngoài".

Thời khóa biểu cá nhân của một giáo viên. (Ảnh: NVCC).

Thời khóa biểu cá nhân của một giáo viên. (Ảnh: NVCC).

Điểm khó thứ ba, môn Hóa học bắt đầu thay đổi cách đọc tên các nguyên tố theo chuẩn Anh – Latin, bỏ cách phiên âm cũ.

Ví dụ như: Natri -> Sodium, Sắt -> Iron, Đồng -> Copper… Điều này dẫn đến việc học sinh lớp 8, 9 chương trình cũ lên lớp 10 học sách mới phải mất thời gian dài để học lại tên các nguyên tố hóa học.

Cũng như cô Yến, nhiều nhà giáo nhận xét, việc này thật sự không cần thiết vì đây là chương trình phổ thông. Còn với những học sinh sau này cần nghiên cứu chuyên sâu, làm việc trong môi trường quốc tế, ngoài việc sử dụng ký hiệu hóa học, sẽ có chương trình chuyên riêng của mình.

Điểm khó thứ tư, chủ đề của nội dung giáo dục địa phương liên quan đến môn học nào thì giáo viên bộ môn đó dạy. Sau một năm, thấy bất cập nhiều nên có trường đổi mới bằng cách một giáo viên dạy cả chương trình giáo dục địa phương. Điều này có nghĩa là dạy tất cả các lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật như Âm nhạc và Mỹ thuật...

Tài liệu giáo dục địa phương sẽ do tỉnh biên soạn, nhưng hiện nay nhiều trường vẫn chưa có tài liệu, chưa có hướng dẫn cụ thể, mỗi trường tự nghiên cứu một cách dạy riêng. Đây là chính là tình trạng trăm hoa đua nở, trường lập chương trình, giáo viên tự viết nội dung, chất lượng thế nào không ai quản”, nhà giáo Nguyễn Hải Yến chia sẻ thêm.

... Đến những vất vả cho giáo viên

Thực trạng quá trình dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học cơ sở dẫn đến những khó khăn bất cập trong kiểm tra, đánh giá được các nhà giáo trực tiếp giảng dạy chỉ ra. Đồng thời, việc thực hiện các công văn, hướng dẫn của ngành giáo dục và cán bộ quản lý cấp cơ sở, trường học còn thiếu khoa học, thống nhất, gây khó cho giáo viên.

Thứ nhất, đánh giá “Đạt”, “Chưa đạt” còn mang tính chủ quan.

Về hoạt động trải nghiệm, hầu hết các trường công lập chỉ kết hợp qua loa trong buổi chào cờ và sinh hoạt lớp vì còn nhiều nội dung khác cần dành thời gian để triển khai.

“Môn này thường phân công cho một giáo viên phụ trách cùng với giáo viên chủ nhiệm. Hầu như chỉ thực hiện hình thức nhưng lại đánh giá học sinh ở mức “Đạt” hoặc “Chưa đạt” nên cơ bản học sinh “Đạt” 100%.

Chưa kể, với môn tích hợp, kiểm tra đánh giá phải thể hiện đủ kiến thức phân môn trên một đề 90 phút, dẫn đến việc phải đổi giờ để có hai tiết liền nhau thực hiện kiểm tra”, cô Nguyễn Hải Yến chia sẻ.

Tương tự, môn Nghệ thuật được ghép giữa môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật. Hai môn, hai sách, hai giáo viên nhưng đánh giá lại chung một kết quả là “Đạt” hoặc “Chưa đạt”. Cách đánh giá này dẫn đến tình trạng không chính xác vì không phải học sinh nào cũng có khả năng cảm thụ âm nhạc tương đương với hội hoạ. Khi đó, giáo viên sẽ bàn bạc với nhau để đánh giá khi học sinh.

Thứ hai, việc xây dựng đề kiểm tra đánh giá, nhất là đối với môn Ngữ văn khi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khiến cho cả giáo viên và người học loay hoay.

Cụ thể, trước thềm năm học mới 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Nội dung này có nhiều bất cập đối với những học sinh đang học chương trình cũ (2006). Do đó, ngày 22/8/2022, Bộ lại tiếp tục ra Công văn số 4020 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023, với nội dung khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12.

Tuy nhiên, trên thực tế triển khai kiểm tra đánh giá đại trà, điểm kiểm tra của học sinh không cao vì các em học văn bản này nhưng lại làm bài thi ở văn bản khác có cùng thể loại.

“Mỗi học sinh, khi đứng trước một ngữ liệu lạ, cần phải nắm được hoàn cảnh ra đời, thông tin về chủ thể sáng tạo, phải đặt nó trong chỉnh thể của toàn bộ văn bản thì các em mới phân tích được đặc trưng thể loại cũng như ý nghĩa của đoạn trích hay cả văn bản đó. Gặp văn bản mới, ngay đến người lớn, giáo viên đã chắc gì dễ dàng nếu không có thời gian suy nghĩ”, một giáo viên cho hay.

Thứ ba, bất cập khi áp dụng máy móc Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một giáo viên chia sẻ, công văn này với 5 phụ lục rườm rà, phức tạp, chồng chéo các yêu cầu, hoạt động. Tiến hành theo hướng dẫn, có những bài soạn của giáo viên lên đến hàng chục trang giấy, quá lãng phí và tốn kém thời gian cũng như kinh tế.

"Tuy được tập huấn về cách soạn giảng theo công văn này nhưng đa số các tổ chuyên môn và nhà trường chỉ đạo rất máy móc. Do đó, giáo viên rất khổ khi phải tuân thủ theo các hình thức quy định, chỉ đạo từ cấp quản lý.

Như vậy, chẳng khác nào “trăm dâu đổ đầu tằm”, càng tạo thêm áp lực và mất nhiều thời gian cho giáo viên, trong khi giảng dạy mới là nhiệm vụ chủ yếu”, giáo viên này cho biết.

Thứ tư, chưa thống nhất trong xây dựng kế hoạch chương trình.

Việc trao quyền chủ động xây dựng kế hoạch cho các trường mà trường lại giao cho tổ chuyên môn, tổ chuyên môn lại giao cho giáo viên các khối, lớp xây dựng. Điều này dẫn đến việc thiếu thống nhất, mỗi trường một phân phối chương trình.

Trong khi đó, ở chương trình cũ, mỗi môn học đều có một phân phối chương trình được hướng dẫn cụ thể, logic, khoa học nhưng chương trình mới lại không kế thừa.

... Và những kiến nghị

Từ thực tế triển khai dạy và học chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp trung học cơ sở, giáo viên có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Với các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý nên là các môn học độc lập.

Nội dung giáo dục địa phương nên tách ra và ghép với các môn liên quan để đảm bảo tính logic, khoa học. Nên có giáo viên được đào tạo về nội dung giáo dục địa phương để dạy đúng chuyên môn, chuyên sâu, nâng cao hiệu quả môn học;

Sách giáo khoa phải đảm bảo tính đồng bộ về nội dung, cấu trúc, thời gian thực hiện giữa các bộ sách;

Nên hướng dẫn thực hiện Công văn số 5512 hợp lý, tránh rườm rà, phức tạp, gây áp lực, mất nhiều thời gian cho giáo viên, in ấn giáo án dài, lãng phí thời gian và tiền bạc;

Ban hành cụ thể quy định về kiểm tra đánh giá, nhất là việc sử dụng ngữ liệu ngoài đối với môn Ngữ văn, tránh gây khó khăn cho giáo viên, quá sức cho học sinh;

Thay đổi cách thanh, kiểm tra đánh giá giáo viên và nhà trường. Việc thanh, kiểm tra phải mang ý nghĩa tích cực, giúp nhà trường điều chỉnh mặt chưa được, phát huy mặt ưu điểm chứ không phải biến những đợt thanh, kiểm tra thành bắt lỗi rồi kết luận, theo kiểu "án tại hồ sơ", dự một giờ mà đánh giá cả quá trình.

Quan trọng nhất, hãy giảm bớt áp lực cho giáo viên, hạn chế các kỳ thi, như thi giáo viên dạy giỏi, tốn nhiều thời gian của học sinh, giáo viên trong tổ nhóm, chủ yếu để “diễn” trong ngày thi chính thức. Nếu giáo viên đi thi không đem được thành tích về cho nhà trường thì cũng không hề “vui vẻ” gì. Bệnh thành tích vẫn còn nặng trong từng cấp của ngành giáo dục.

Ngọc Mai