Nỗi vất vả, áp lực của giáo viên khi chấm bài thi Ngữ văn vào 10

14/06/2024 06:48
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều học sinh có chữ viết quá xấu, xấu không đọc nổi nên thầy cô phải vừa đọc vừa dò, có chỗ phải đọc chữ trước, chữ sau để đoán chữ nằm ở giữa là chữ gì.

Trong các môn thi tuyển sinh 10, môn Ngữ văn luôn là môn thi phải chấm dài ngày nhất, áp lực nhất nên những ngày đang chấm thi, giáo viên luôn khá căng thẳng vì mỗi ngày phải đọc hàng trăm trang giấy A4 với muôn hình vạn trạng các kiểu chữ của học trò.

Phải thừa nhận một điều là hiện nay có nhiều học sinh có chữ viết quá xấu, xấu không đọc nổi nên thầy cô phải vừa đọc vừa dò, có chỗ phải đọc chữ trước, chữ sau để đoán chữ nằm ở giữa. Mỗi buổi chấm thi, giáo viên phải đọc hàng trăm trang giấy như vậy nhưng không ai dám bỏ sót chữ nào của bài thi.

Sự cẩu thả của giám khảo sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của thí sinh và một điều quan trọng là khi thống nhất điểm giữa 2 giám khảo sẽ rất vất vả, nhiều khi phải cự cãi, đọc lại để có được điểm thống nhất cho từng phần, từng bài thi và sửa điểm trên bài thi, phiếu điểm rất mệt mỏi.

cham-thi-tot-nghiep-thpt-vi-sao-phai-chon-nhung-bai-diem-cao-de-cham-lai-2-1658213045765328547579-8455.jpg
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Vì sao chấm thi môn Ngữ văn luôn căng thẳng hơn chấm thi các môn khác?

Với đặc thù thi tuyển sinh 10, việc chấm thi luôn được xem trọng vì thầy cô được điều động làm giám khảo sẽ là những người cầm cân nảy mực để lựa chọn những thí sinh có học lực tốt nhất vào lớp 10 công lập nên chỉ cần lơ đễnh, không tập trung của người thầy trong vài chục giây cũng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh vì đa phần môn thi này đang tính điểm hệ số 2.

Chỉ cần nâng lên 0,25 điểm là thí sinh có thêm 0,5 điểm nhưng hạ xuống 0,25 điểm là thí sinh mất 0,5 điểm. Trong khi, thi tuyển sinh 10 thì chỉ lệch nhau một chút là có thể đậu và cũng có thể rớt.

Hơn nữa, đối với môn Ngữ văn thì một số câu ở phần đọc hiểu có đáp án cụ thể (đáp án đóng) nhưng trong mỗi bài thi luôn có một số câu hỏi, một số phần thì bắt buộc phải mở vì mỗi thí sinh có một suy nghĩ, cách thức triển khai, liên hệ, mở rộng khác nhau.

Chính vì thế, một số người vẫn quan niệm chấm thi môn Ngữ văn thì chấm sao cũng được vì đây là môn định tính. Tuy nhiên, thực tế không phải hoàn toàn như vậy và môn Văn cũng có đáp án chi tiết, định hướng chấm cụ thể cho từng phần riêng biệt. Phần “mở” chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trên tổng thể điểm của mỗi bài thi.

Hiện nay, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương đang thực hiện có phần khác nhau. Có nơi chỉ có 4-5 câu đọc hiểu; bài viết ngắn về nghị luận xã hội và 1 bài văn nghị luận văn học.

Nhưng, cũng nhiều địa phương thực hiện cấu trúc đề thi gồm 6 câu hỏi đọc hiểu, 1 bài văn nghị luận văn học và đều thực hiện thang điểm 10 cho những thí sinh thi vào các trường Trung học phổ thông không chuyên.

Địa phương nơi chúng tôi đang công tác đang thực hiện cấu trúc đề thi bao gồm 6 câu đọc hiểu (4,0 điểm) và 1 bài nghị luận văn học (6,0 điểm). Phần đọc hiểu dù có 6 câu nhưng đa phần mỗi câu sẽ có thêm một vài ý nhỏ. Thậm chí, có câu có đến 4 ý nhỏ.

Phần làm văn dù chỉ là 1 câu nhưng khi chấm được phân chia đến 10 phần tính điểm cụ thể khác nhau. Đó là: bố cục bài thi (a); xác định vấn đề nghị luận (b); tác giả, tác phẩm (c1); luận điểm 1 (c2-1), luận điểm 2 (c2-2), luận điểm 3 (c2-3); nghệ thuật (c3); đánh giá, nhận xét (c4); chính tả, ngữ pháp, trình bày (d); sáng tạo (e).

Mỗi ý, mỗi phần có thang điểm cụ thể, nếu thí sinh làm trọn ý, hay sẽ cho điểm tối đa phần đó, nếu thí sinh không làm tốt thì trừ theo thang cụ thể, không làm không có điểm.

Vì thế, gần như giám khảo nào cũng đều làm việc nghiêm túc, trách nhiệm ở một tinh thần cao nhất mới có thể cho điểm chính xác từng phần.

Một số thí sinh làm bài không được, chỉ có 1 tờ giấy thi (4 trang) mà làm không hết giấy nhưng phần nhiều là thí sinh làm 2 tờ giấy thi, thậm chí nhiều em làm gần hết tờ thứ 3 (11-12 trang) vì có lẽ các em hiểu rõ tính cạnh tranh nhau và loại nhau trực tiếp.

Vì thế, giám khảo đọc, đánh giá, nhận định và cho điểm nhiều khi cũng “căng như dây đàn”. Bởi, nếu chấm “chặt” hay chấm “thoáng” đều không được vì khi thống nhất điểm giữa 2 giám khảo sẽ có độ chênh lệch, nếu lệch trên 0,75 điểm/ 1 bài thi phải làm biên bản, báo cáo và sửa điểm, ký tên rất nhiêu khê nên ai cũng phải đắn đo khi đặt bút cho điểm- nhất là phần làm văn.

Hơn nữa, trong Hội đồng chấm thi luôn có bộ phận chấm kiểm tra xác suất. Việc chấm kiểm tra nếu có sai sót lại phải đối chất, thống nhất và sửa điểm 1 lần nữa nên mọi sự cẩu thả, lơ là đều làm cho công việc thêm phức tạp và mệt mỏi cho mỗi giám khảo.

Chấm thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 là những trải nghiệm quý giá

Những ngày vừa qua, bản thân người viết bài đã tham gia chấm thi môn Ngữ văn và trải qua 8 ngày khá căng thẳng nhưng cũng vô cùng ý nghĩa vì cho dù có vất vả, căng thẳng nhưng đã có những trải nghiệm thú vị cùng đồng nghiệp của mình.

Bởi, quy trình chấm thi khá chặt chẽ. Nhìn chung, tất cả giám khảo đều cố gắng ở mức độ cao nhất có thể nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho những thí sinh dự thi.

Buổi đầu tiên họp toàn thể Hội đồng chấm thi môn Ngữ văn và thông qua đề thi, đáp án chấm. Sau đó, tiến hành thảo luận, thống nhất đáp án. Buổi thứ hai, cả hội đồng chấm chung 5 bài thi để thống nhất cách chấm, cách cho điểm từng câu của từng bài thi.

Khi về tổ chấm, mỗi tổ chia làm 2 nhóm A- B ở phòng độc lập nhau, mỗi phòng có 20 giám khảo và có 1 tổ trưởng hoặc 1 tổ phó quản lý, phân công chấm thi và phát, nhận bài thi.

Khi chấm, giám khảo 1 phải khóa bài những chỗ thí sinh để trống trên giấy sau đó mới tiến hành chấm bài. Việc chấm của giám khảo 1 có 1 phiếu điểm riêng và không để lại dấu vết trên bài thi của thí sinh.

Giám khảo 1 chấm xong sẽ lên nộp bài cho tổ trưởng, hoặc tổ phó và bài đó sẽ được chuyển sang phòng kế bên cho giám khảo 2 chấm. Giám khảo 2 sẽ chấm trực tiếp trên bài thi của học trò.

Đặc biệt, khi chấm thi, cả 2 giám khảo không biết mình chấm chung với ai, mãi đến khi thống nhất điểm thì tổ trưởng, hoặc tổ phó mới thông báo là thống nhất điểm với ai. Hơn nữa, mỗi giáo viên ở một đơn vị khác nhau, phần nhiều là khác huyện nên ai cũng đặt trách nhiệm lên trên hết.

Khi thống nhất điểm, họ sẽ thống nhất điểm từng bài, điểm từng phần. Nếu điểm chênh lệch trong phạm vi cho phép thì thông thường 2 giám khảo sẽ thống nhất lấy điểm lớn. Nếu lệch điểm trên 0,75 điểm sẽ phải xem lại từng phần để đi đến thống nhất với nhau.

Nhìn chung, các giám khảo đều cố gắng bảo vệ quyền lợi cho thí sinh nên chỗ nào lệch nhiều sẽ có những phân tích, đánh giá để có 1 điểm số chung cho 2 người.

Vì thế, khâu thống nhất điểm cũng chiếm một phần lớn thời gian bởi mỗi bài thi có rất nhiều điểm con. Khi thống nhất với nhau rồi sẽ thống kê điểm, nhập điểm con và điểm tổng lên bài thi của thí sinh rồi cùng ký tên. Mọi sai sót đều phải ký xác nhận của cả 2 người nên ai đọc điểm, ai nhập điểm lên bài thi cũng đều phải cận thận ở mức tối đa.

Sau mỗi đợt chấm thi, giám khảo nào cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã qua những ngày căng thẳng nhưng khá thú vị. Bởi, việc chấm thi tuyển sinh 10 luôn là một trải nghiệm quý báu cho mỗi thầy cô.

Đi chấm thi để biết cách chấm tuyển sinh được thực hiện theo quy trình ra sao. Từ công việc này, sẽ giúp cho các thầy cô tham gia có thêm kinh nghiệm quý báu để khi về trường giảng dạy, ôn thi cho học sinh của mình được tốt hơn ở các năm sau này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG