PGS.TS Thanh Loan: Chưa bao giờ gặp khó khi là phụ nữ lại đam mê kỹ thuật

08/03/2024 10:05
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sau gần chục năm sinh sống và học tập tại Pháp, PGS.TS Phạm Nguyễn Thanh Loan quyết định không ở lại định cư mà về công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngày 20/11/2023, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành quyết định số 80/QĐ-HĐGSNN về công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Trong đó, cô Phạm Nguyễn Thanh Loan - Giám đốc chương trình đào tạo Hệ thống nhúng thông minh và IoT tại Khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong bốn nữ phó giáo sư của liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa năm 2023.

Được truyền cảm hứng đam mê kỹ thuật từ cha

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cơ duyên đến với một lĩnh vực được phần đông nam giới lựa chọn, cô Loan cho biết cô được truyền cảm hứng từ cha của mình.

“Ba tôi là giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà nẵng, Khoa Sư phạm kỹ thuật. Nên có thể nói tôi được truyền cảm hứng đam mê kỹ thuật từ ba của mình. Đó cũng là lý do tôi lựa chọn làm giảng viên của khối kỹ thuật.

Từ cấp 2, cấp 3 tôi đã rất thích Hoá và Vật Lý. Ban đầu tôi vốn muốn theo đuổi chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến Khoa học vật liệu. Thời gian học đại học cho đến khi lấy bằng tiến sĩ ở Pháp, tôi học Vi điện tử liên quan nhiều đến sản xuất bán dẫn.

Sau khi về nước đầu năm 2010, tôi nhận ra chuyên ngành về sản xuất không phù hợp với điều kiện kinh tế và môi trường nghiên cứu hiện tại của đất nước nên tôi lựa chọn chuyên ngành gần với Vi điện tử để phát triển là thiết kế vi mạch điện tử”, cô Loan bày tỏ.

co-Loan.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Thanh Loan - Giám đốc chương trình đào tạo Hệ thống nhúng thông minh và IoT tại Khoa Điện tử, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: website Đại học Bách khoa Hà Nội)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Thanh Loan đã có gần chục năm sinh sống và học tập tại Pháp trước khi về công tác tại Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Quá trình học tập và nghiên cứu khoa học ở Pháp để lại cho cô nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá.

Theo đó, cô Loan tốt nghiệp Đại học Ecole Centrale de Lyon, Pháp chuyên ngành Điện tử và hệ thống truyền thông năm 2005. Năm 2007 cô được cấp bằng Thạc sĩ ngành Điện tử, chuyên ngành Điện tử Micro và Nano tại Đại học Joseph Fourier, Pháp.

Cô tiếp tục học lên tiến sĩ tại Đại học Institut Polytechnique de Grenoble, Pháp và được cấp bằng năm 2010 ngành Điện tử, chuyên ngành Điện tử Micro và Nano.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của cô là nghiên cứu và thiết kế vi mạch tích hợp tương tự (IC tương tự) cho khối thu công suất thấp cho các ứng dụng IoT và y sinh; Nghiên cứu và thiết kế vi mạch tích hợp tương tự (IC tương tự) cho mạch công suất hiệu suất cao.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Thanh Loan đã công bố 52 bài báo khoa học, trong đó 12 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Sau khi trở thành tiến sĩ, cô đã tham gia 3 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ. Trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước là "Hợp tác chuyển giao công nghệ thiết kế chế tạo vi mạch thu phát năng lượng thấp"; 2 đề tài cấp cơ sở lần lượt là: Thiết kế vi mạch quản nguồn năng lượng từ bộ chuyển đổi TEG (Thermal Electric Generator) hiệu suất cao sử dụng công nghệ CMOS; Nghiên cứu thiết kế bộ quản lý nguồn năng lượng cho thiết bị bay UAV cho ứng dụng cứu nạn cứu hộ.

Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Thanh Loan đã được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích là Hệ thống đo đạc và phân tích tín hiệu điện cơ có sử dụng cảm biến được làm từ vật liệu graphen. Cô cũng xuất bản 2 cuốn sách thuộc nhà xuất bản có uy tín.

Bên cạnh đó, cô Loan còn tham gia hội đồng phát triển chương trình đào tạo tích hợp ngành Điện tử - Viễn thông (năm 2017); tham gia hội đồng phát triển chương trình đào tạo cho chương trình đào tạo hệ thống nhúng thông minh và IoT, ngành Điện tử - Viễn thông (năm 2019).

co-Loan-1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Thanh Loan hướng dẫn nhóm sinh viên nghiên cứu. (Ảnh: website Đại học Bách khoa Hà Nội)

Phụ nữ phải độc lập thì mới tự do, mà tự do thì mới hạnh phúc được!

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Thanh Loan cũng cho biết để ứng dụng một đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ mục tiêu, kinh phí thực hiện, các đơn vị hợp tác phát triển…

Có những đề tài mang tính học thuật cao thì khoảng cách từ nghiên cứu lý thuyết đến đưa ra ứng dụng thực tiễn phải tính bằng đơn vị vài năm. Nhưng cũng có các đề tài làm trực tiếp với doanh nghiệp thì sản phẩm có hiệu năng tương đương sản phẩm công nghiệp và được sử dụng ngay. Quá trình này đòi hỏi nhóm nghiên cứu phải có đủ sự tâm huyết và kiên trì.

Mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng có một điều cô khẳng định bản thân chưa bao giờ gặp khó khi là phụ nữ lại đam mê kỹ thuật.

“Cho đến hiện tại, tôi cũng đã vài lần phải vượt khó để không nản chí mà bỏ cuộc hay theo đuổi công việc khác "nhàn" hơn nhưng chưa một lần nào tôi gặp phải khó khăn vì mình là nữ cả! Tôi vẫn hay nói đùa với các bạn đồng nghiệp trong và ngoài nước, tôi không hiểu sao cả thế giới hay đề cập đến đấu tranh nữ quyền, phụ nữ chúng tôi tự đi trên con đường của mình, có năng lực thì cứ làm việc mình thích một cách tốt nhất cho một mục tiêu cụ thể, tự nhiên sẽ có những kết quả như mong đợi. Vũ trụ luôn đền đáp người chăm chỉ, trung thực và nhân ái!

Chia sẻ về cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nguyễn Thanh Loan tâm sự: “Lựa chọn nghề nghiệp có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi ba nhưng chăm sóc gia đình thì có lẽ tôi lại ảnh hưởng và được dạy kỹ càng bởi mẹ.

Kim chỉ nam sống của tôi rất đơn giản "gia đình luôn là ưu tiên hàng đầu" trong mọi kế hoạch. Nhưng mẹ tôi cũng dạy tôi "phụ nữ phải độc lập thì mới tự do, mà tự do thì mới hạnh phúc được!".

Hai ý này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thật ra không hề. Vốn là người biết đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho bản thân, nên tôi cũng là người thích lên kế hoạch cho các đầu việc cụ thể. Do vậy, tôi luôn biết thời gian nào trong ngày là dành cho gia đình, thời gian nào dành cho công việc. Chỉ khi phải đưa ra lựa chọn là nếu làm việc gì đó mà sẽ vi phạm thời gian "chất lượng" dành cho gia đình thì tôi sẽ lựa chọn trì hoãn kế hoạch đó, để làm sau hoặc thay đổi kế hoạch hoàn toàn”.

dsc_7960.png
Cô Loan cũng hướng dẫn rất nhiều bạn sinh viên đạt giải cao trong các cuộc thi về nghiên cứu khoa học. (Ảnh: website Đại học Bách khoa Hà Nội)

Sau khi được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2023, cô Loan cho hay sẽ tiếp tục công việc mà bản yêu thích là nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Bên cạnh đó, cô cũng tập trung vào chuyên ngành vi mạch đang được nhà nước chú trọng phát triển và các công ty cần nguồn nhân lực đảm bảo cả chất lượng và số lượng. Theo cô Loan đó cũng là cơ hội và thử thách cho nhà trường cũng như giảng viên cần không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhật Lệ