Phấn đấu năm 2030, giáo dục TP.HCM đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á

18/04/2023 13:14
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phấn đấu giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Sáng ngày 18/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến tham dự và chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo một số Bộ, ban ngành ở trung ương và lãnh đạo của 6 tỉnh, thành phố nằm trong khu vực Đông Nam Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh: Chi cho giáo dục chiếm 28% chi thường xuyên

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố coi phát triển giáo dục là mục tiêu hàng đầu, nên ngân sách dành cho giáo dục của thành phố luôn tăng theo hàng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên, và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.

Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ. Thành phố Hồ Chí Minh dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỉ đồng/năm, hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy – học tiên tiến, hiện đại.

Tuy nhiên, áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số lượng học sinh hàng năm tăng nhanh, số trường và số phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, chỉ tiêu về diện tích đất/học sinh không đủ định mức tối thiểu theo quy định. Nhiều trường có sĩ số học sinh các lớp cao, do đó, việc triển khai giáo dục toàn diện, giáo dục lấy học sinh làm trung tâm gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành đã kết nối thành công đến cơ sở dữ liệu chung của thành phố, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm đúng các yêu cầu kỹ thuật, và chuẩn kết nối.

Quan tâm, chú trọng xây dựng Kho học liệu điện tử, hệ thống giảng dạy trực tuyến LMS. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) giáo dục đã hoàn thiện. Đến nay, 100% các quận, huyện tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình thức trực tuyến.

Nhiều chương trình, đề án đột phá của ngành giáo dục thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa, đạt hiệu quả cao.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị (ảnh: P.L)

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị (ảnh: P.L)

Thành phố luôn giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, thực hiện hiệu quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học theo định hướng của thành phố.

Nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ giáo dục mầm non được triển khai thực hiện như: Đề án hỗ trợ giáo dục mầm non, trong đó có chế độ hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên do tính chất công việc, chế độ hỗ trợ đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới, và chính sách thu hút giáo viên mầm non.

Phấn đấu năm 2030, giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ tiên tiến Châu Á

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh xác định những mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Đào tạo người học trở thành công dân yêu nước, tự hào dân tộc, có đạo đức, có kỷ luật, ý thức trách nhiệm xã hội, có kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng, thuận lợi để mọi người dân thành phố được học tập suốt đời. Phấn đấu giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục, đảm bảo người học có đủ kiến thức và kỹ năng, trở thành nguồn nhân lực xây dựng thành phố chuyển đổi số, thành phố thông minh để thành phố sẽ là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến học tập, sinh sống và làm việc.

Tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học, phát huy hiệu quả trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, 100% trường học trên địa bàn thành phố phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.

Tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, và kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại, phát huy tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực.

Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ, đạt chuẩn nghề nghiệp.

Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đổi mới mô hình, phương thức đào tạo giáo viên, gắn việc đào tạo trong các trường sư phạm với hoạt động thực tiễn tại các trường học, thực hiện đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng, sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có.

Tăng cường giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, trách nhiệm xã hội và nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, ý thức công dân, khát vọng cống hiến và trang bị kiến thức, kỹ năng rèn luyện thể chất, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên. Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông, hướng đến phát triển năng lực của từng cá nhân người học.

Tiếp tục duy trì, phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ trọng ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục, tối thiểu là 20% tổng cho ngân sách. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo,

Đổi mới cơ cấu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tăng đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển các loại hình cơ sở giáo dục tư thục đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là loại hình tư thục chất lượng cao. Từng bước tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của nhà nước đối với người học ở trường công lập và ngoài công lập.

Tiếp tục xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, cả nước nói chung.

Việt Dũng