Trong các đề kiểm tra định kỳ hiện nay ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, có lẽ đề kiểm tra môn Ngữ văn thường được mọi người quan tâm hơn cả. Chỉ một sai sót trong cách đặt câu hỏi, chọn ngữ liệu là ai cũng biết và nó có thể trở thành trung tâm của dư luận.
Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn thì ngữ liệu cho phần đọc hiểu, phần viết đều lấy ở ngoài sách giáo khoa nên những khó khăn trong việc ra đề là điều khó tránh khỏi đối với một bộ phận giáo viên.
Bên cạnh đó, hình thức đề kiểm tra, ma trận, bảng đặc tả của đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn đối với những lớp đang dạy chương trình 2018 cũng có những thay đổi. Điều này dẫn đến giáo viên ra đề kiểm tra khó khăn hơn trong việc lựa chọn ngữ liệu để xây dựng thành đề kiểm tra định kỳ và những thầy cô duyệt đề kiểm tra cũng áp lực không kém.
Những áp lực khi duyệt đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn
Thời gian qua, không hiếm những đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn ở một số trường học, địa phương đã trở thành tâm điểm của dư luận bởi có những sai sót trong lựa chọn ngữ liệu, cách đặt câu hỏi trong đề kiểm tra.
Thế nhưng, những đề kiểm tra Ngữ văn mà báo chí đề cập, phản ánh chỉ là một phần rất nhỏ trong 1 đề kiểm tra mà thôi. Bởi, một đề kiểm tra Ngữ văn hiện nay thường dao động khoảng trên dưới 10 trang giấy với rất nhiều phần khác nhau.
Đầu tiên, người ra đề sẽ liệt kê đơn vị kiến thức đã học (tên các bài học); xây dựng ma trận; thiết lập bảng đặc tả; chọn ngữ liệu, đặt câu hỏi cho phần đọc hiểu; ngữ liệu, câu hỏi cho phần viết; hướng dẫn chấm (đáp án). Bên cạnh đó là về hình thức: cách trình bày văn bản, căn, chỉnh lề, dòng, font chữ…cũng phải hết sức chú ý theo đúng cách trình bày văn bản.
Trong khi, khâu duyệt đề kiểm tra định kỳ ở trường phổ thông hiện nay đều giao cho tổ trưởng chuyên môn- nếu là trường loại II, loại III và có thêm tổ phó chuyên môn đối với trường loại I đảm nhận.
Khi duyệt một đề kiểm tra Ngữ văn với số lượng trang nhiều như vậy và bắt buộc người duyệt đề phải dò kĩ từng câu chữ ở phần đề bài để làm sao khi đến tay học sinh trong giờ kiểm tra không còn một lỗi sơ đẳng nào là điều người duyệt đề luôn phải chú ý.
Nếu sai sót, không chỉ đơn giản là đến từng lớp đính chính với học trò mà uy tín giáo viên ra đề, người duyệt đề cũng bị ảnh hưởng trước hội đồng gác kiểm tra và trước học trò trong trường.
Hơn nữa, phần nhiều đề kiểm tra định kỳ hiện nay được các trường triển khai làm trên giấy riêng. Vì thế, sau khi kiểm tra là học sinh cầm đề bài về nhà. Thời đại mạng xã hội được kết nối đến mọi người nên học sinh hoặc phụ huynh thấy sai sót, hạn chế là có thể đưa lên mạng xã hội và điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Vì thế, người duyệt đề- ngoài việc phải đọc toàn bộ đề để phát hiện những sai sót (nếu có) còn phải so sánh nội dung kiến thức với chương trình học trên lớp, đề cương mà tổ, nhóm thống với nhau trước khi ôn tập.
Bên cạnh đó, phải dò ma trận, bảng đặc tả có trùng khớp với phần câu hỏi trong đề bài không, có đảm bảo được các đơn vị kiến thức: nhận biết; thông hiểu; vận dụng thấp; vận dụng cao theo tỉ lệ mà Bộ đang triển khai hay không.
Đặc biệt, phần ngữ liệu ở phần đọc hiểu và phần viết (ngoài sách giáo khoa) có phù hợp với thể loại học trên lớp; có đảm bảo nguồn dẫn; ngữ liệu sử dụng có trong sáng và phù hợp với thuần phong mĩ tục không…
Chỉ cần một chút sơ suất, có thể dẫn đến ảnh hưởng uy tín của người ra đề, người duyệt đề và nhà trường. Tất nhiên, vai trò người duyệt đề được nói đến nhiều hơn- nếu sai sót xảy ra. Vì thế, duyệt được một đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn hiện nay phải cẩn thận đến mức tối đa.
Trong khi đó, mỗi học kỳ, mỗi khối lớp sẽ có 2 bài kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) nên mỗi năm là 4 bài sẽ tương đương mỗi khối có 8 đề Ngữ văn (4 đề chính thức và 4 đề dự trữ). Cấp Trung học cơ sở 4 khối sẽ có 32 đề; cấp Trung học phổ thông sẽ có 24 đề. Đó là chưa kể đề kiểm tra môn Nội dung giáo dục địa phương chung với một số môn học khác.
Bởi vậy, thời điểm duyệt đề kiểm tra, những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn khá áp lực trong việc duyệt đề cho tổ bởi ngoài việc duyệt đề thì họ cũng phải ra đề cho khối mình dạy như những giáo viên khác ở trong tổ chuyên môn.
Người duyệt đề không khéo sẽ mất đoàn kết với các tổ viên trong tổ
Ở các trường học hiện nay, bên cạnh một số giáo viên rất chỉn chu, đầu tư cho chuyên môn của mình trong việc xây dựng 1 đề kiểm tra định kỳ chung do tổ chuyên môn phân công thì vẫn có một số giáo viên ít chú trọng công việc này và chưa có sự đầu tư nghiêm túc.
Phần vì tìm ngữ liệu mới để xây dựng một đề kiểm tra mới mất rất nhiều thời gian, công sức; phần vì những giáo viên khi tập huấn xây dựng đề kiểm tra không tập trung, chú ý nên đến lúc được phân công ra đề kiểm tra làm không được.
Vì thế, cách làm thông dụng của một bộ số giáo viên hiện nay là lên mạng internet tải một cái đề kiểm tra định kỳ có sẵn rồi nộp cho nhà trường, hoặc đi xin của đồng nghiệp ở đơn vị khác nhưng lại ít chú ý đến nội dung của đề.
Bởi lẽ, việc tải đề kiểm tra trên mạng internet thường chỉ có đề kiểm tra và đáp án. Mỗi trường, mỗi nơi có những định hướng và thống nhất nội dung kiểm tra định kỳ khác nhau nên về gắn với ma trận và bảng đặc tả sẽ không khớp với nhau. Bên bảng đặc tả nêu đơn vị kiến thức A nhưng câu hỏi của đề bài kiến thức B nên hoàn toàn trái ngược.
Đặc biệt, sách Ngữ văn chương trình 2018 hiện nay có tới 3 bộ sách giáo khoa khác nhau, cách bố trí các đơn vị kiến thức trong năm học cũng khác nhau nên không phải các đề kiểm tra định kỳ đều có kiến thức như nhau.
Một tổ trưởng Ngữ văn chia sẻ: trường họ có trường hợp, một giáo viên làm đề kiểm tra Ngữ văn nhưng sai hoàn toàn kiến thức giảng dạy trên lớp và nội dung thống nhất ôn tập của tổ. Bởi lẽ, kiến thức trên lớp học về văn bản thông tin và nghị luận về tác phẩm truyện nhưng giáo viên ra đề (thực ra là lấy trên mạng internet) lại yêu cầu nghị luận về một bài thơ.
Vì dạy một đường, giáo viên ra đề kiểm tra một nẻo nên đương nhiên là ma trận, bảng đặc tả với đề kiểm tra lệch hoàn toàn. Gặp những đề như vậy, tất nhiên tổ trưởng chuyên môn không thể nào duyệt được và yêu cầu giáo viên ra đề làm lại đề khác. Vì đề như vậy, làm sao học sinh làm được.
Có trường hợp cẩu thả đến nỗi giáo viên khi xin đề của giáo viên ở một huyện khác nhưng lại không sửa hết tên của đơn vị bạn vì trong đề có một số phần phải để tên đơn vị chủ quản; Có trường hợp lấy ngữ liệu không có nguồn dẫn, không có tác giả, chỉ dẫn là “nguồn internet” nên tổ trưởng cũng không dám duyệt và yêu cầu tìm ngữ liệu khác…
Mỗi lần yêu cầu giáo viên ra đề làm lại đề, hoặc chỉnh sửa đề cho đúng hướng dẫn đã được tập huấn, hoặc yêu cầu chỉnh lại câu hỏi cho phù hợp với ma trận, bảng đặc tả là một vấn đề rất tế nhị. Những giáo viên sai thì thường sai hoài vì không có đầu tư cho chuyên môn của mình.
Nhưng, khi được yêu cầu sửa lại thì luôn có những hành động, lời nói khiếm nhã. Một số giáo viên khi được yêu cầu sửa lại đề cho rằng tổ trưởng, tổ phó nó ghét mình, trù dập mình vì đề người khác thì không yêu cầu làm lại, còn mình lần nào cũng yêu cầu mình chỉnh sửa.
Tuy nhiên, việc tổ trưởng, tổ phó yêu cầu giáo viên làm lại đề không chỉ giáo viên ra đề phải thực hiện lại mà bản thân những người duyệt đề cũng phải đọc lại thêm một lần nữa. Mất thời gian và cũng chẳng thích thú gì bởi đọc và duyệt 1 đề kiểm tra Ngữ văn hiện nay không phải nhanh chóng vì phải dò lại từng câu chữ, từng đơn vị kiến thức khác nhau.
Để có một đề Ngữ văn đúng, phù hợp với chương trình giảng dạy trên lớp; đúng với mục tiêu mà chương trình 2018 đề ra; đúng với hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, cũng như cách xây dựng đề kiểm tra mà giáo viên đã được tập huấn đòi hỏi sự cố gắng từ nhiều phía.
Trước tiên, những thầy cô được phân công ra đề kiểm tra môn Ngữ văn cần phải có sự đầu tư nghiêm túc trong việc tìm ngữ liệu; thiết lập các câu hỏi theo các đơn vị kiến thức- đây là phần rất quan trọng vì khi đã phát đề cho học sinh là rất khó sửa chữa.
Bên cạnh đó, giáo viên ra đề phải nắm chắc mục tiêu, chương trình 2018 và các hướng dẫn của ngành để xây dựng một đề Ngữ văn hoàn chỉnh, khoa học. Chúng ta luôn lên án học sinh sao chép bài trên mạng, sử dụng văn mẫu thì không thể bào chữa cho việc giáo viên lấy đề trên mạng, xin đề của giáo viên ở đơn vị khác.
Làm một đề Ngữ văn với ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa hiện nay tất nhiên là vất vả hơn trước đây rất nhiều nhưng nếu giáo viên chịu làm, chịu khó đầu tư một vài lần sẽ quen, sẽ tự chủ trong chuyên môn mà không lệ thuộc, bị động trong công việc.
Một khi giáo viên xây dựng đề đúng, phù hợp sẽ dẫn đến uy tín của mình được nâng lên, người duyệt đề cũng đỡ vất vả và họ cũng không bao giờ nhắc nhở hoặc yêu cầu giáo viên chỉnh sửa lại đề kiểm tra định kỳ làm gì cho mệt mỏi cả 2 phía.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.