Sở GD Lạng Sơn: Lịch sử thành môn bắt buộc khiến nhiều kế hoạch bị đảo lộn

19/07/2022 06:41
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lịch sử thành môn học bắt buộc dẫn đến nhiều trường trở nên bị động, lúng túng khi “xây mới” các tổ hợp môn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch 770/KH-BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Lịch sử được điều chỉnh theo đúng tinh thần của Nghị quyết 63, đảm bảo môn học này có phần bắt buộc với tất cả học sinh trung học phổ thông và có phần lựa chọn cho học sinh có định hướng học chuyên sâu về Lịch sử.

Các trường gấp rút điều chỉnh tổ hợp môn khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc. (Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh).

Các trường gấp rút điều chỉnh tổ hợp môn khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc. (Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh).

Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho rằng, Kế hoạch 770/KH-BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học mới đã tác động nhiều đến các trường trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.

“Cụ thể, tổ hợp môn, kế hoạch giảng dạy, thời khoá biểu bị ảnh hưởng trực tiếp khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc. Chính vì thế, Sở đã quán triệt tinh thần các trường phải tập trung nghiên cứu để đưa ra giải pháp điều chỉnh sao cho đáp ứng yêu cầu của Bộ.

Hiện tại, Sở vẫn chưa có hướng dẫn thêm nào cho các trường vì còn chờ chỉ đạo của Bộ. Toàn bộ công tác xây dựng thời khóa biểu, thiết kế chương trình học Lịch sử nói riêng và các môn học khác nói chung phải chờ hoàn thành kế hoạch tập huấn thì Sở mới có căn cứ để triển khác các khâu tiếp theo.

Ngoài ra, Sở đã quán triệt tinh thần toàn bộ giáo viên bộ môn Lịch sử từ đại trà đến chuyên sâu đều phải được tập huấn chương trình sách giáo khoa mới.

Hy vọng, Bộ sẽ sớm ban hành những chỉ đạo tiếp theo để Sở hướng dẫn cho các trường được cụ thể, chính xác và đồng bộ”, vị Phó Giám đốc Sở tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, môn Lịch sử trở thành bắt buộc khiến không ít trường trung học phổ thông “rơi vào thế” bị động khi kế hoạch đào tạo xây dựng trước đó cơ bản đã hoàn thành.

Thầy Đỗ Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại, trăn trở khi toàn ngành Giáo dục chỉ có 1 tháng để điều chỉnh sao cho kịp đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo đề ra.

“Thực tế, việc thay đổi môn Lịch sử từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” khiến các trường vào thế bị động. Hiện tại, nhà trường cũng đang gấp rút điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của Bộ, sẵn sàng cho năm học mới.

Nhằm đảm bảo sự đồng đều giữa các môn và công bằng số giờ dạy cho giáo viên, khi xây dựng tổ hợp, trường đã cân đối học sinh chọn tổ hợp nhóm các môn khoa học tự nhiên vẫn phải học kèm ít nhất 1 đến 2 môn trong nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế pháp luật) và ngược lại. Song, bối cảnh hiện tại đã thay đổi, nên nhà trường phải rà soát, điều chỉnh, thậm chí “xây mới” tổ hợp các môn.

Xây dựng lại tổ hợp môn nên chắc chắn nhà trường sẽ phải tổ chức cho học sinh chọn lại các tổ hợp trong thời gian tới”, thầy Chiến chia sẻ thêm.

Cũng theo thầy Chiến, Lịch sử được phân dạy đại trà và chuyên sâu nên việc sắp xếp thời khóa biểu cũng là vấn đề đặt ra. Đáng nói, xếp thêm môn Lịch sử vào các tổ hợp môn chưa có môn học này thì đồng nghĩa phải cắt bỏ 1 môn học đi. Vậy, dựa vào đâu để lược bỏ môn học?

Nhà trường vẫn giữ nguyên số lượng giáo viên cần tham gia tập huấn sách giáo khoa Lịch sử. Dự kiến thời khoá biểu chỉ tăng số giờ đứng lớp cho giáo viên môn Lịch sử, giảm số giờ dạy của môn học khác xuống, còn về cụ thể thì nhà trường chưa thể xây dựng.

Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện Kế hoạch mới của Bộ, trước mắt nhà trường sẽ căn cứ vào hướng dẫn tiếp của Bộ để xây dựng các tổ hợp môn trước rồi mới tiến hành cho học sinh lớp 10 đăng ký lại sau.

Gấp rút điều chỉnh để sẵn sàng năm học mới

Cùng bàn luận về vấn đề này, một số lãnh đạo trường trung học phổ thông cho biết, trước đó, kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2022-2023 đã được các trường xây dựng tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn phù hợp năng lực, mục tiêu định hướng nghề nghiệp sau này; đáp ứng điều kiện, cơ sở vật chất và cơ cấu giáo viên mỗi trường.

Thầy Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Đến thời điểm này hầu hết các trường đã và đang hoàn thành thủ tục nhập học cho học sinh trúng tuyển vào lớp 10. Khi nhập học, các em đều đã đăng ký tổ hợp theo học. Và hiện tại, trường phải họp để sắp xếp lại các tổ hợp môn sao cho đúng với quy định và học sinh sẽ phải chọn lại các tổ hợp.

Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở tất cả các tổ hợp thì phải giảm 1 trong các môn học khi xây dựng tổ hợp. Điều này còn ảnh hưởng đến giáo viên dạy hai môn này, số giờ dạy bị giảm đi, đồng nghĩa tiền lương cũng bị hạ xuống, chưa kể trường hợp học sinh không hoặc ít đăng ký học.

Việc điều chỉnh sẽ khó khăn nhưng nhà trường cố gắng để đảm bảo sẵn sàng cho năm học mới”.

Cùng chia sẻ về những thay đổi khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Quảng Oai (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, trường bị xáo trộn và phải xây dựng lại kế hoạch dạy và học.

“Trường đang huy động tập trung kiểm tra, xây dựng các tổ hợp môn mới trên cơ sở quán triệt thực hiện yêu cầu của Bộ, nguyện vọng học sinh, tổ chức giáo viên hiện có, sau đó sẽ tiến hành cho học sinh đăng ký lại.

Theo kế hoạch mới của Bộ, dự kiến Lịch sử có 52 tiết bắt buộc/năm học. Câu hỏi đặt ra là sau khi dạy đủ 52 tiết học này thì sẽ sắp xếp lại thời khoá biểu như thế nào và còn các tiết tự chọn sẽ sắp xếp dạy ra sao? Nhất là chương trình Lịch sử phần lựa chọn là các kiến thức chuyên, nâng cao hơn.

Lúc này, việc thiết kế thời khoá biểu, phân mô hình lớp học như thế nào để vừa đảm bảo dạy Lịch sử đại trà và dạy Lịch sử chuyên sâu cho từng đối tượng học sinh”, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Quảng Oai (huyện Ba Vì, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Bên cạnh đó, toàn bộ sách giáo khoa môn Lịch sử đã in và phát hành, nếu giờ sửa lại nội dung thì số sách giáo khoa này liệu sẽ thay đổi, tính toán lại như thế nào cũng đang là vấn đề băn khoăn của nhiều trường.

Mong muốn chung của nhà trường, là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm những hướng dẫn cụ thể về việc triển khai dạy môn Lịch sử bắt buộc thế nào từ năm học 2022-2023 để các trường làm căn cứ lên kế hoạch, xây dựng các mô hình lớp phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới; đồng thời có những hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh đối với môn Lịch sử.

Ngọc Mai