Với sự phát triển của ngành du lịch và dịch vụ lưu trú, ngày càng nhiều khách sạn, nhà hàng được xây dựng để phục vụ cho lượng khách du lịch trong nước và ngoài nước. Ngành Quản trị khách sạn đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành hot hiện nay.
Việc lựa chọn một môi trường học tập phù hợp, có nhiều cơ hội phát triển luôn là vấn đề mà các bạn thí sinh quan tâm. Hiện nay, ngành Quản trị khách sạn là một trong những ngành học nhận được nhiều sự quan tâm của các thí sinh tại Trường Đại học Hòa Bình.
Chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Ngọc Lương- Phó Khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, chương trình đào tạo ngành Quản trị khách sạn tại trường trang bị cho sinh viên những kiến thức như Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng - An ninh và khối kiến thức đại cương như Lý luận chính trị; Ngoại ngữ; kiến thức Khoa học xã hội và nhân văn…
Đồng thời, sinh viên được học các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành về quản trị khách sạn như Quản trị nguồn nhân lực; Quản trị kinh doanh; Quản trị marketing; Quản trị thương hiệu; Quản trị tài chính, Kế toán và Quản trị khối vận hành (như Quản trị dịch vụ lưu trú; Quản trị dịch vụ ẩm thực và Quản trị các dịch vụ bổ sung).
Đặc biệt sinh viên sẽ được hình thành các năng lực chuyên môn bao gồm kiến thức, kỹ năng, sự tự chủ và chịu trách nhiệm thông qua 4 kỳ thực tập tại doanh nghiệp.
Một trong những điểm khác biệt trong chương trình đào tạo ngành Quản trị khách sạn tại Trường Đại học Hòa Bình là giúp sinh viên hình thành các năng lực cần thiết để làm việc, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Cũng theo thầy Lương, để học tốt ngành này, sinh viên cần có sức khoẻ, đam mê nghề nghiệp, lấy khách hàng là trung tâm, phục vụ khách hàng là niềm vui, đảm bảo 3 thật là thật lễ phép; thật gọn gàng và thật sạch sẽ.
Trong quá trình học tập sinh viên sẽ được học 9 kỹ năng quản lý cơ bản là kỹ năng quản lý con người; kỹ năng gây ảnh hưởng; kỹ năng giao tiếp hiệu quả; kỹ năng phát triển mối quan hệ; kỹ năng lập kế hoạch; kỹ năng phân tích thông tin; kỹ năng phân tích tài chính; kỹ năng ra quyết định và kỹ năng kiềm chế.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Tiến sĩ Hà Thanh Hải, Trưởng ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Hòa Bình, nguyên Phó Tổng Giám đốc khách sạn Sofitel Metropole Legend Hà Nội, sinh viên nhà trường được học tập với chương trình đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành.
Ngay từ năm nhất, nhà trường đã tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tập tại các doanh nghiệp. Khoa Du lịch và trường cũng có nhiều mối liên kết với các tập đoàn, nhà hàng, khách sạn, sinh viên được tạo cơ hội trải nghiệm thực tế, đi thực tập có hưởng lương.
Cùng với đó, chương trình học được nhấn mạnh về phần thực hành, trong các giờ lên lớp, giảng viên thường xuyên tạo ra những tình huống để sinh viên có cái nhìn thực tế để sinh viên có thể áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công việc. Chính vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đều có nhận xét rằng sinh viên của trường bắt nhịp được nhanh chóng với tiến độ công việc.
Bàn về tiềm năng phát triển của ngành Quản trị khách sạn, thầy Lương chia sẻ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Mục tiêu cụ thể, năm 2025, phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm. Phấn đấu năm 2025 đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13-14% trong GDP.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, du lịch tạo ra khoảng 6.3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2.1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10.5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3.5 triệu việc làm trực tiếp.
Đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.3 tỷ đồng; đóng góp 17-18% trong GDP.
Do vậy tiềm năng và nhu cầu nhân lực của ngành Quản trị khách sạn rất phát triển và rộng mở.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Diễm Hằng, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, trong đợt dịch COVID - 19, nhiều nhân sự của ngành khách sạn đã chuyển sang làm ngành nghề khác, vì vậy, khi hết dịch COVID ngành du lịch đã quay trở lại mạnh mẽ và không kịp bổ sung nguồn nhân sự thiếu hụt đó.
Bên cạnh đó, nhân sự trong ngành khách sạn có rất nhiều bạn giỏi, tuy nhiên tỉ lệ ngành nhân sự chất lượng cao vẫn còn thiếu bởi ngày càng nhiều khách sạn cao cấp mở ra và khách hàng thường sẽ chọn các khách sạn có chất lượng phục vụ tốt và chuyên nghiệp. Vì vậy, nguồn nhân sự đang thiếu cả về chất lượng và số lượng, đồng thời nhân sự được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục vẫn là một bài toán.
Nhà trường hỗ trợ sinh viên mở rộng cơ hội việc làm
Chia sẻ về cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Quản trị khách sạn, theo thầy Lương, với những kiến thức, kĩ năng được đào tạo trong quá trình học tại Trường Đại học Hòa Bình, sau khi tốt nghiệp các em không những có thể đảm nhận được các vị trí công việc trong các doanh nghiệp khách sạn hay nhà hàng mà còn đảm nhận được vị trí giảng viên trong các cơ sở đào tạo; chuyên viên ở các viện nghiên cứu hoặc chuyên viên ở các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hoặc tự kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn hay nhà hàng.
Đồng thời, nhà trường cũng tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập, sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học và tham gia các dự án khởi nghiệp. Trong 4 năm học, sinh viên có nhiều cơ hội được đi thực tập thực tế ở các doanh nghiệp và đi thực tập có hưởng lương. Ngoài ra, nhà trường cũng có những phần học bổng dành cho sinh viên hay hỗ trợ những em có hoàn cảnh khó khăn.
Theo cô Hằng, sau khi ra trường, ngoài những công việc như lễ tân, quản lý bộ phận buồng, phòng tại các khách sạn, sinh viên hoàn toàn có thể học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ để làm giảng viên ngành du lịch và khách sạn.
Tuy nhiên, giảng viên ngành khách sạn sẽ có một điểm đặc biệt là ngoài việc có đầy đủ bằng cấp thì ngành này cần có các kỹ năng và kinh nghiệm thực tế tại các khách sạn bởi đây là ngành có tính ứng dụng cao.
Đồng thời, đây cũng là điểm mạnh và là ưu thế của Trường Đại học Hòa Bình bởi hầu hết các thầy, cô đều đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch và từng làm quản lý các khách sạn cao cấp, vì vậy giảng viên khoa Du lịch của trường đều có kinh nghiệm thực tế để truyền đạt những kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ, giúp sinh viên áp dụng có hiệu quả vào công việc trong tương lai.
Bạn Lương Thục Uyên, sinh viên Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, trong quá trình học tập, được sự giúp đỡ của nhà trường và thầy, cô, sinh viên được tạo điều kiện đi trải nghiệm thực tế ngay từ năm nhất.
Ngành Quản trị khách sạn là ngành học có tính ứng dụng cao, vì vậy, sinh viên được tạo điều kiện đi thực tập, kiến tập sớm là điều kiện rất tốt để các bạn có thể hiểu hơn về công việc sau này sẽ làm cũng như có kinh nghiệm để sớm bắt nhịp nhanh chóng sau khi ra trường.
Cũng theo Uyên, khi đi thực tập, sinh viên cần trang bị cho mình tinh thần luôn sẵn sàng học hỏi, quan sát công việc bởi thực tập không chỉ là quá trình giúp sinh viên có được kiến thức, kinh nghiệm thực tế về một lĩnh vực chuyên môn. Thực tập giúp sinh viên được quan sát và trải nghiệm công việc hàng ngày, tìm hiểu về văn hóa và môi trường làm việc.