SV sư phạm diện đặt hàng ra trường có phải thi tuyển/xét tuyển theo NĐ 115?

21/11/2022 06:45
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc chi trả trợ cấp cho sinh viên phụ thuộc vào sự phối hợp của cơ sở đào tạo, sở, bộ liên quan và UBND tỉnh, tuy nhiên sự phối này chưa được "nhịp nhàng".

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định rõ bên cạnh chính sách miễn học phí thì "sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng một tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học". Thời gian hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí được tính theo số tháng thực tế mà sinh viên học tại trường, không quá 10 tháng một năm. Kinh phí để chi trả hai khoản hỗ trợ này thuộc ngân sách nhà nước hàng năm chi cho giáo dục, đào tạo và của các địa phương, bộ, ngành.

Tuy nhiên, đến nay, sau 2 năm triển khai Nghị định, sinh viên của một số trường sư phạm vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ sinh hoạt phí này.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một sinh viên năm 2 ngành Giáo dục Mầm non của Trường Đại học Phú Yên tâm sự: “Một trong những lý do em chọn ngành Giáo dục Mầm non của trường vì khi học vừa được miễn học phí và nếu ký cam kết theo Nghị định 116 thì em sẽ được thêm cả tiền sinh hoạt phí.

Vì gia đình không khá giả nên khoản tiền đó rất quan trọng với em, vừa giúp em chi trả tiền sinh hoạt khi đi học, nếu tiết kiệm cũng được một khoản tiền nhỏ hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, đã sang năm 2 mà em vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ sinh hoạt phí của bất kỳ tháng nào, vẫn dựa vào tiền chu cấp của bố mẹ. Khi hỏi nhà trường thì nhận được câu trả lời là đang chờ xét duyệt. Em cảm thấy rất lo lắng, không biết bản thân có được chi trả khoản tiền này không và khi nào mới được nhận”.

Lý giải băn khoăn này, Tiến sĩ Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên cho hay, hiện nay, tỉnh Phú Yên chưa thực hiện việc chi trả tiền học phí và sinh hoạt phí đối với sinh viên theo Nghị định 116. Vì vậy, nhà trường chưa tất toán được cho sinh viên thuộc diện này.

“Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 5019/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn tiếp tục thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội; quy định trách nhiệm của các cơ sở đào tạo giáo viên, các địa phương, người học trong việc triển khai thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, trong thực tế, các địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên gặp nhiều khó khăn về cơ chế giao nhiệm vụ, thực hiện việc đặt hàng, quy định mức học phí đối với người học khối ngành đào tạo giáo viên không thụ hưởng chính sách,… Do vậy, để Nghị định 116 thực sự phát huy tác dụng, thiết nghĩ cần có sự hướng dẫn cụ thể hơn nữa để các địa phương chủ động và dễ dàng thực hiện.

Đối với các trường địa phương như Trường Đại học Phú Yên, việc chi trả trợ cấp cho sinh viên phụ thuộc vào sự phối hợp của cơ sở đào tạo, Sở Giáo dục, Sở Tài chính để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh; trên cơ sở xác định số lượng sinh viên cần tuyển hàng năm để đặt hàng nhà trường, tránh lãng phí.

Tuy nhiên sự phối này chưa được nhịp nhàng”, Tiến sĩ Trần Lăng nói.

Tiến sĩ Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: NVCC

Sau một thời gian triển khai Nghị định 116, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên nhận xét, Nghị định chứng tỏ sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với ngành giáo dục và lĩnh vực đào tạo giáo viên.

Nhưng khi thực hiện, số lượng tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên năm học 2021-2022, 2022-2023 của các trường đại học địa phương nói chung và Trường Đại học Phú Yên nói riêng chưa có sự thay đổi đáng kể.

“Qua đó thấy rằng, thực trạng thừa, thiếu giáo viên toàn bộ và cục bộ đã có tác động không nhỏ đến việc triển khai thực hiện Nghị định này”, Tiến sĩ Trần Lăng nói.

Ngoài ra, một số điều khoản trong Nghị định chưa rõ. Cụ thể, sinh viên hưởng chính sách theo Nghị định 116, sau khi ra trường phải cam kết phục vụ trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Lăng, sinh viên có được phục vụ trong ngành giáo dục hay không còn phụ thuộc vào kết quả thi tuyển/xét tuyển theo Nghị định 115 và Thông tư 06.

Nếu không trúng tuyển sẽ không được phục vụ và phải hoàn trả kinh phí được hỗ trợ. Việc hoàn trả kinh phí cũng chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Mâu thuẫn về các chính sách như vậy cũng là một khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo các ngành thuộc khối ngành I (đào tạo giáo viên) đối với các trường sư phạm, trường có khoa sư phạm.

Bên cạnh đó, bàn về vấn đề tuyển sinh của các trường đại học địa phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên cho rằng, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh còn liên quan đến nhiều cơ quan quản lý giáo dục, do vậy tính thống nhất chưa cao. Trên thực tế, nhiều ngành (Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non) rất cần giáo viên nhưng các trường đào tạo không được giao chỉ tiêu, vấn đề này cần phải được giải quyết sớm.

Chưa kể, nhiệm vụ của giáo viên vất vả song tiền lương thấp dẫn tới tình trạng nhiều giáo viên nghỉ việc tạo ra hiệu ứng không tốt, ảnh hưởng đến tuyển sinh khối ngành đào tạo giáo viên. Điều này đòi hỏi chính sách tiền lương đối với nhà giáo phải có sự thay đổi phù hợp, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Cũng đang chờ đợi địa phương chi trả tiền tiền học phí và sinh hoạt phí, Tiến sĩ Đoàn Hoài Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết, hiện nay 400 sinh viên năm 2 thuộc diện Nghị định 116 của nhà trường chưa được chi trả tiền sinh hoạt phí.

Trường Đại học Hà Tĩnh đã có văn bản báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở, Bộ có liên quan để đề xuất phê duyệt danh sách sinh viên đã cam kết; phê duyệt kinh phí đào tạo và cấp chi phí sinh hoạt để chi trả cho sinh viên theo quy định. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể.

Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, đến nay, gần 40 địa phương chưa triển khai "đặt hàng".

Anh Trang