Tài nguyên, giáo dục mở sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững

03/09/2021 07:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trước mắt gợi ý hai từ khóa cần được đáp ứng càng sớm càng tốt: Cấp phép mở và Xây dựng các cộng đồng nguồn mở.

Để hiểu rõ về tài nguyên, giáo dục mở, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Nghĩa - thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Nhiều người đánh giá, ông chính là chuyên gia hàng đầu về “giáo dục mở” trong đó bao gồm khoa học mở, dữ liệu mở, truy cập mở, cấp phép mở…Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã giúp ông đến và gắn bó với “giáo dục mở”?

Ông Lê Trung Nghĩa: Tôi tiếp cận nhiều với phần mềm nguồn mở bắt đầu vào năm 2000 khi công ty làm gia công phần mềm cho nước ngoài, sau đó công ty chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm dựa vào phần mềm nguồn mở ở phía máy chủ cho các khách hàng ở Việt Nam. Thời gian này có nhiều điều liên quan tới phần mềm nguồn mở tôi còn chưa hiểu tại sao thế giới lại làm như vậy.

Bắt đầu từ 2008, khi về Bộ Khoa học Công nghệ, chuyên nghiên cứu về phần mềm nguồn mở nên hiểu rõ hơn về nó, đặc biệt là ở các khía cạnh phi công nghệ của nó, như triết lý, mô hình phát triển, mô hình cấp phép, mô hình kinh doanh, mô hình xây dựng và quản lý cộng đồng và các khía cạnh khác của thế giới nguồn mở.

Năm 2009, trong khi hàng ngày làm việc về phần mềm nguồn mở, tôi phát hiện thấy có mối liên quan giữa phần mềm, cả nguồn đóng và nguồn mở, với an ninh không gian mạng. Tôi bắt đầu dịch hàng loạt các tài liệu liên quan tới, cũng như trình bày tại các hội nghị hội thảo về, an ninh không gian mạng.

Ông Lê Trung Nghĩa (ảnh: NVCC)

Ông Lê Trung Nghĩa (ảnh: NVCC)

Năm 2010, lần đầu tiên tiếp cận tới khái niệm và mô hình cấp phép mở cho các tài liệu khi dịch cuốn sách “Giới thiệu phần mềm tự do” của Viện Công nghệ Tự do. Cuốn sách được nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông in năm 2010. Bản thân cuốn sách này mang 2 giấy phép mở, là Creative Commons Attribution Share-Alike (CC BY-SA 3.0), và General Free Document License (GFDL) 1.2. Có thể đây là cuốn sách đầu tiên mang 2 giấy phép mở cùng một lúc được in ở Việt Nam.

Sau một thời gian tìm tòi, khoảng giữa năm 2012, tôi dịch hàng loạt các tài liệu có liên quan tới cách thức cấp phép mở và sử dụng các giấy phép mở Creative Commons. Cùng với việc dịch tài liệu, là bắt đầu dịch tin bài về hệ thống giấy phép mở Creative Commons đưa lên blog, và tôi bắt đầu viết bài về chúng trên tạp chí Tin học và Đời sống.

Lúc này tôi cũng đã hiểu, sẽ rất có lợi cho giáo dục Việt Nam nếu khai thác kho vô tận các tài nguyên giáo dục mở và được cấp phép mở này. Mặt khác, khi dịch hàng ngàn bài về an ninh không gian mạng cũng nhận thấy chỉ có giáo dục mở và tài nguyên giáo dục mở mới có thể giúp cho Việt Nam có được các thế hệ tiếp sau có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về an ninh không gian mạng cho Việt Nam.

Vì “không làm chủ được công nghệ mà nói “đảm bảo an toàn an ninh mạng” chỉ là nói liều!” bởi “căn nhà của chúng ta được xây trên nền móng của người khác nhưng một số người cứ cho rằng chúng ta có các quyền sở hữu tài sản vĩnh cửu và tuyệt đối. Điều đáng lo ngại là những người có quan điểm này đang lừa dối các lãnh đạo, công chúng và ngay chính họ” (bài trình bày ở sự kiện Security Bootcamp 2018 ở Bình Định).

Một lý do nữa, qua học hỏi, tôi hiểu là tài nguyên giáo dục mở và giáo dục mở nằm trong một khái niệm còn lớn hơn, bao quát hơn, là Khoa học Mở, đặc biệt là trong kỷ nguyên số sau COVID-19. Và lý do quan trọng khác, theo tôi, nếu Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam không đưa được tài nguyên giáo dục mở vào các trường đại học cao đẳng, đặc biệt là các trường sư phạm, như một phần của chương trình giảng dạy bắt buộc và có chứng chỉ, thì có lẽ không có nơi nào khác có thể làm được.

Có lẽ những điều nêu trên tạo nên cơ duyên để tôi gắn với “Giáo dục Mở”, và nó được thể hiện qua kết quả những việc tôi làm, muốn làm và thích làm. Cho tới bây giờ, số lượng các bài được dịch trên blog được gắn thẻ tài nguyên giáo dục mở (OER) có lẽ là cả ngàn, chỉ riêng với các bài từ tháng 8/2019 cho tới nay đã là gần 800 bài; số lượng các tài liệu dịch liên quan OER chắc khoảng 100 trong tổng số hơn 400 tài liệu dịch về MỞ; số lượng các bài viết toàn văn cho các tạp chí và hội nghị hội thảo liên quan tới OER khoảng hàng chục; số lượng các buổi trình chiếu về OER tại các hội nghị hội thảo cũng khoảng hàng trăm; chỉ riêng các khóa huấn luyện huấn luyện viên về khai thác OER kể từ cuối năm 2017 cho tới nay (số liệu tới hết năm 2020 ở đây) đã gần 60 khóa với hơn 1.000 học viên là các cán bộ, giảng viên các trường đại học và cao đẳng, dù con số này chỉ như là muối bỏ bể, nếu biết là tất cả các giảng viên đều cần biết và khai thác tốt chúng, mà số lượng các giảng viên ở Việt Nam là khoảng 1,4 - 1,5 triệu người.

Để nói về những điều cơ bản của giáo dục mở, khoa học mở, dữ liệu mở, truy cập mở, cấp phép mở thì ông sẽ nhấn mạnh đến những gì?

Ông Lê Trung Nghĩa: Với giáo dục mở, nhấn mạnh đầu tiên ở thời điểm này, là xem xét kỹ khuyến nghị của UNESCO về Tài nguyên Giáo dục Mở đã được 193 quốc gia phê chuẩn vào ngày 25/11/2019, rồi sau đó điều chỉnh nó cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam để ban hành chính sách/khung chính sách về Tài nguyên Giáo dục Mở, trước hết ở mức quốc gia, rồi sau đó tới tất cả các cơ sở giáo dục ở tất cả các bậc học, cả chính quy, không chính quy, phi chính quy, giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời, cả công lập và tư thục.

Rất nhiều công việc cần phải làm để ứng dụng và phát triển tốt nguồn mở ở Việt Nam (ảnh: tư liệu)

Rất nhiều công việc cần phải làm để ứng dụng và phát triển tốt nguồn mở ở Việt Nam (ảnh: tư liệu)

Với khoa học mở, dữ liệu mở, truy cập mở, điều tôi muốn nhấn mạnh ở thời điểm này, là xem xét kỹ bản thảo Khuyến nghị về Khoa học Mở của UNESCO ngày 12/05/2021, dù đây chưa phải là bản cuối cùng sẽ được gần 200 quốc gia thành viên UNESCO phê chuẩn vào tháng 11 hoặc 12/2021, rồi sau đó có thể thảo luận về đường hướng sẽ phải làm, khi Khuyến nghị được chính thức thông qua vào cuối năm nay, rồi tiến hành các bước giống như với Khuyến nghị về Tài nguyên Giáo dục Mở như đã nêu.

Rất nhiều công việc cần phải làm để ứng dụng và phát triển tốt nguồn mở ở Việt Nam. Trước mắt gợi ý hai từ khóa cần được đáp ứng càng sớm càng tốt: Cấp phép mở và Xây dựng các cộng đồng nguồn mở. Trách nhiệm chính của việc đầu chắc chắn nằm ở các cơ quan nhà nước; còn việc sau cần phải là bổn phận của các cơ sở giáo dục và đào tạo, chứ không phải là của các công ty/tập đoàn, dù họ sẽ luôn là các tác nhân hỗ trợ tốt để các cộng đồng nguồn mở phát triển. - là các ưu tiên hàng đầu ở thời điểm này.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của “giáo dục mở” tại Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Lê Trung Nghĩa: Ngày 16/05/2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức lần đầu tiên hội thảo “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế”. Trong thông báo số 2 cho hội thảo này, có đoạn sau: “Tuy nhiên cho tới nay, mặc dù đã 4 năm trôi qua nhưng chúng ta vẫn chưa có bất kỳ định nghĩa chính thức nào về hệ thống giáo dục mở. Khái niệm này vẫn được hiểu khá cảm tính và do đó xuất hiện các quan niệm khác nhau khi giải thích về nó.”

Ngày 16/05/2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức lần đầu tiên hội thảo “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo tại hội thảo (ảnh tư liệu)

Ngày 16/05/2018, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức lần đầu tiên hội thảo “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo tại hội thảo (ảnh tư liệu)

Ngày 04/10/2019, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam cùng với các tổ chức đối tác đã tổ chức hội thảo “Xây dựng và khai thác Tài nguyên Giáo dục Mở”. Các bài trình bày ở hội thảo cho thấy, đại học duy nhất có triển khai tài nguyên giáo dục mở vào hơn 10 môn học là Trường Đại học RMIT Việt Nam.

Trong khi đó, còn có những rào cản về pháp lý có thể triệt tiêu hoàn toàn việc ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam, ví dụ như: Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP nêu: "Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số”.

Điều này là hoàn toàn trái ngược với các quyền được trao cho người sử dụng của các tài nguyên giáo dục mở theo định nghĩa của UNESCO đã được 193 quốc gia trên thế giới phê chuẩn ngày 25/22/2019, và cũng trái ngược với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo ngày 16/05/2018 được nêu ở trên khi ông đồng tình với các kiến nghị và cho rằng: “Tất cả những rào cản giáo dục mở thì phải dỡ bỏ một cách kiên quyết”.

Giá như làm được theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sau khi rà soát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện ứng dụng phát triển tài nguyên giáo dục mở thì quá tốt.

Cũng có những tín hiệu tích cực cho tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam, ví dụ như, hiện nay, Vụ Giáo dục Đại học và Vụ Giáo dục Thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 08/04/2020), hoặc như theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng có phần trú trọng tài nguyên giáo dục mở trong phát triển dữ liệu số ngành thư viện, và Tổng cục dạy nghề của Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội đang có dự kiến đưa ra các Đề án có liên quan tới tài nguyên giáo dục mở để trình chính phủ trong năm nay.

Hy vọng trong những năm tới, việc ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở sẽ tốt hơn ở Việt Nam. Ngoài ra, từ 2015 tới nay, nhiều khóa tập huấn nâng cao nhận thức về tài nguyên giáo dục mở, cũng như nhiều khóa thực hành khai thác tài nguyên giáo dục mở đã và đang được triển khai, như đã được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và bản thân tiến hành, như nêu ở phần trên.

Tóm lại, ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam cho tới hiện nay đang ở giai đoạn sơ khởi của nó, khi chưa có chính sách triển khai cụ thể nào được ban hành, và cũng chưa có chính sách cấp phép mở cần phải có cho tới nay.

Theo ông, nếu ứng dụng tốt những ưu việt của “giáo dục mở” sẽ giúp ích gì cho sự phát triển của giáo dục nước nhà nói riêng, phát triển đất nước nói chung.

Ông Lê Trung Nghĩa: Giáo dục mở, trước hết là nền tảng của nó, là tài nguyên giáo dục mở, nếu được ứng dụng và phát triển đúng và tốt, đã được chứng minh trong thực tế ở nước ngoài, có thể mang lại nhiều lợi ích, cả cho các nhà giáo dục, người học và cơ sở giáo dục.

Một ví dụ gần đây, tháng 7/2021, bang California ở Mỹ đã phê chuẩn đầu tư 115 triệu USD (2.604.750.000.000 VNĐ với tỷ giá 1USD = 22.650 VNĐ) cho việc xây dựng các sách giáo khoa chi phí bằng 0 (người học không phải trả tiền mua sách giáo khoa) và các tài nguyên giáo dục mở, và dự kiến sẽ tiết kiệm được cho người học hàng tỷ USD vì hoàn vốn đầu tư có thể đạt được tới 800%.

Có khả năng cùng phát triển các tài nguyên giáo dục mở với các cộng đồng quốc tế, tránh được nguy cơ bị lạc hậu về nội dung chương trình giảng dạy, khi ngày càng có nhiều trang tài nguyên giáo dục mở gốc nước ngoài nhưng đa ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Việt, cho các bậc giáo dục đại học, phổ thông như ở đây và ở đây, hay học tập thông qua các công cụ mô phỏng và trò chơi hóa kỹ thuật số như ở đây - tránh được việc dạy chay học chay như nhiều nơi ở Việt Nam.

Tài nguyên Giáo dục Mở cho phép bất kỳ ai cũng có thể khai thác hàng tỷ tài liệu sẵn có trên Internet để có được kiến thức được cập nhật của thế giới với số lượng người truy cập nhiều nhất có thể mà không mất chi phí và không vi phạm bản quyền của ai, không vi phạm luật bản quyền của bất kỳ quốc gia nào, miễn là người sử dụng tuân thủ các điều khoản và điều kiện của giấy phép mở gắn kèm.

Quan trọng hơn, vì tài nguyên giáo dục mở cho phép sửa đổi bản gốc, nên khi sử dụng chúng, các nhà giáo dục và người học có thể cùng nhau học và tùy chỉnh, ví dụ bản địa hóa sang tiếng Việt (người Kinh) và tiếng của 53 dân tộc ở Việt Nam, cho phù hợp với mục đích dạy và học của mình, nghĩa là không chỉ có khả năng có được kiến thức, mà còn có khả năng đào sâu kiến thức để từ đó tạo ra kiến thức mới.

Chỉ bằng cách này Việt Nam mới có khả năng tận dụng được 24 triệu học sinh sinh viên và khoảng 1,5 triệu giảng viên để biến họ thành những người có đủ kiến thức cần thiết để đổi mới sáng tạo cũng như phục vụ cho việc tiếp cận và hiện thực hóa ước mơ tiếp cận và tiến hành Cách mạng công nghiệp 4.0 thành công ở Việt Nam, bao gồm cả việc các thế hệ sau có thể có khả năng đảm bảo an toàn an ninh mạng cho Việt Nam, khi mà họ có thể có khả năng làm chủ được các công nghệ nhờ dựa vào các tài nguyên giáo dục mở.

Ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở, giáo dục mở và rộng hơn, khoa học mở sẽ giúp Việt Nam thực hiện được thành công mong ước chuyển đổi số bằng công nghệ mở như bài nói chuyện của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Công nghệ Mở Việt Nam, 18/11/2020) và chuyển đổi số trong ngành giáo dục dựa vào nền tảng mở trong bài nói chuyện của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, 19/12/2020).

Cuối cùng, ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở, giáo dục mở, và xa hơn, khoa học mở, sẽ giúp Việt Nam thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc tới năm 2030, đặc biệt là SGD4: Đảm bảo giáo dục chất lượng hòa nhập và bình đẳng và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh