Quyền riêng tư của trẻ em là một vấn đề quan trọng trong xã hội hiện đại ngày nay, nhất là khi công nghệ, thông tin và mạng xã hội ngày càng phát triển đã tạo ra những thách thức mới trong việc bảo vệ thông tin cá nhân và sự riêng tư của các em.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội gồm Nguyễn Kim Phương Trang – Chu Thị Sao Mai – Nguyễn Hùng Nam đã có bài viết chỉ ra những thách thức của vấn đề bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng. Thông qua đó, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề này.
Quyền riêng tư của trẻ em dưới góc độ khoa học pháp lý
Các giá trị của quyền con người, quyền nhân thân nói chung và quyền riêng tư nói riêng với việc bảo vệ quyền riêng tư có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quyền riêng tư liên quan chặt chẽ với những khái niệm về công bằng, tự do, bất khả xâm phạm của cá nhân nói chung và của trẻ em nói riêng.
Khi tiếp cận quyền riêng tư ở góc độ khoa học pháp lý, xuất phát từ bản chất tự nhiên và từ nhu cầu được bảo vệ, pháp luật ghi nhận sự riêng tư trong các văn bản được Nhà nước ban hành và trở thành quyền pháp định. Tuỳ thuộc vào tính chất kinh tế, chính trị của mỗi quốc gia, hệ thống pháp luật quốc gia sẽ có quy định các yếu tố riêng tư cần được bảo đảm cho cá nhân nói chung và trẻ em nói riêng.
Tùy thuộc vào mối quan hệ cần được xem xét, quyền riêng tư có thể là đối tượng của cả ngành luật công và ngành luật tư. Dưới góc độ luật tư, luật dân sự điều chỉnh quyền này bằng cách quy định những giá trị gắn liền với mỗi cá nhân được coi là quyền nhân thân, trong đó có quyền riêng tư với các quy định trình tự thực hiện quyền, quy định về giới hạn quyền riêng tư, cũng như các biện pháp thực hiện, bảo vệ quyền riêng tư.
Bằng một số biện pháp như buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện những hành vi nhất định…, có thể thấy, các biện pháp dân sự rất phù hợp để bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân nói chung và của trẻ em nói riêng.
Pháp luật bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng
Trong thời đại số, mạng xã hội có tác động lớn, làm thay đổi cuộc sống của con người. Trên không gian mạng, con người thực hiện các hành vi xã hội mà không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Mạng xã hội dần trở thành con dao hai lưỡi, vừa đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với con người, đặc biệt là với giới trẻ.
Trước những thách thức mà mạng xã hội tạo ra, pháp luật về quyền trẻ em nói chung, pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em nói riêng của nước ta đã có những quy định cụ thể để bảo vệ đối tượng này.
Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam quy định về các quyền của trẻ em [1], những quyền này bảo đảm cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần của trẻ em trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Điều 54 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng dưới mọi hình thức.
Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em có riêng một chương (chương IV) quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng [2].
Bảo vệ trẻ em là vấn đề mang tính liên ngành, do vậy, bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng không chỉ được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Luật Trẻ em 2016 mà còn được quy định tại Luật An ninh mạng 2018.
Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền riêng tư của trẻ em [3].
Có thể thấy, pháp luật Việt Nam hiện đã có khung pháp lý ở mức độ cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân; pháp luật cho phép các cá nhân có quyền tự bảo vệ quyền dân sự của mình. Vì vậy, trẻ em có thể được bảo đảm quyền riêng tư của mình trên không gian mạng bằng phương thức tự bảo vệ.
Thực hiện phương thức tự bảo vệ là hình thức thực hiện quyền đơn giản mà đem lại hiệu quả, bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân trước khi có hành vi xâm phạm, hạn chế một cách thấp nhất sự xâm phạm xảy ra. Tuy nhiên, biện pháp này cần được xem xét vì không phải trong trường hợp nào cũng hiệu quả, và khi đính chính các thông tin này còn cần phải cung cấp một số thông tin cá nhân, dễ dẫn tới nguy cơ tiếp tục xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định cụ thể về các biện pháp để trẻ em có thể tự bảo vệ, mà chỉ giới hạn việc bảo vệ phải phù hợp với tính chất, mức độ xâm phạm đến quyền dân sự và không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài phương thức tự bảo vệ, khoản 1, Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án”.
Việc thực hiện các quyền dân sự gắn liền với các điều kiện, trường hợp cụ thể hay sự kiện pháp lý trong đời sống dân sự. Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền dân sự này dẫn đến xuất hiện các hành vi xâm phạm đến quyền dân sự đó; hoặc xuất hiện tranh chấp với chủ thể khác, thì chủ thể đó có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp pháp lý để khôi phục hoặc bồi thường các lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm.
Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ thể có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp như: Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ; buộc bồi thường thiệt hại; yêu cầu khác theo quy định của luật.
Khi quyền riêng tư của trẻ em bị xâm phạm, đồng nghĩa với việc quyền dân sự của trẻ đã bị vi phạm. Các biện pháp này đã thừa nhận và tôn trọng quyền của cá nhân, bao gồm trẻ em trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Việc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp khác nhau giúp cho trẻ em bị xâm hại quyền riêng tư trên không gian mạng có nhiều lựa chọn để đối phó với hành vi vi phạm, có tác dụng răn đe đối với đối tượng có ý định xâm phạm quyền của người khác. Đây là biện pháp mang tính hiệu quả cao và có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Việc cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận, quyền truy cập thông tin và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là một bài toán nan giải và đầy thách thức. Các khó khăn mà mạng xã hội đặt ra đối với vấn đề bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em có thể chia làm hai nhóm: những thách thức trước mắt, tức là những thách thức đã xuất hiện trong đời sống xã hội hiện nay của Việt Nam mà trẻ em đang phải đối mặt và những thách thức trong tương lai mà dự đoán trẻ em sẽ gặp phải.
Trong bối cảnh môi trường mạng xã hội hiện nay, có thể thấy quyền riêng tư của cá nhân nói chung, quyền riêng tư của trẻ em nói riêng là nhóm quyền con người chịu tác động mạnh nhất.
Năm 2022, Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn dành cho báo chí với chủ đề “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”. Tại sự kiện này, một lãnh đạo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, theo khảo sát mới đây, trẻ em sử dụng mạng internet ngày càng nhiều. Kết quả khảo sát cho thấy trong 3 tháng có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội [4]. Từ đó nói lên thực trạng trẻ em tại Việt Nam được tiếp cận với Internet và các thiết bị điện tử từ rất sớm và dành nhiều thời gian cho không gian trực tuyến. Điều này khiến các em dễ trở thành mục tiêu tấn công của kẻ xấu, thông tin cá nhân bị thu thập, trẻ em dễ bị lôi kéo vào các hoạt động tiêu cực hoặc bị bắt nạt trực tuyến.
Tình trạng xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng gia tăng báo động. Hình ảnh của trẻ thường xuyên bị chia sẻ trên các mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người giám hộ; thậm chí còn bị sử dụng với mục đích thương mại, giải trí, hoặc bị lợi dụng để gây sự chú ý.
Đáng buồn hơn, với quan niệm "con mình thì mình có quyền", chính phụ huynh đôi khi lại là người vi phạm quyền riêng tư của con cái khi đăng tải các thông tin cá nhân của trẻ mà chưa nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề.
Các chương trình truyền hình cũng thường xuyên khai thác hình ảnh, đời sống cá nhân của trẻ để thu hút khán giả. Nhiều gameshow không chỉ tập trung vào khả năng của trẻ mà còn "mổ xẻ" các chi tiết riêng tư, thậm chí tạo ra những tình huống kịch tính để tăng tỷ lệ người xem. Điều này khiến cho cuộc sống của trẻ bị xâm phạm không cần thiết và có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ.
Dù pháp luật Việt Nam đã có những bước tiến trong việc bảo đảm quyền riêng tư của của trẻ, nhưng thực tế cho thấy, việc bảo đảm quyền riêng tư của trẻ trên môi trường mạng vẫn còn nhiều thách thức. Việc xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, đặc biệt là của trẻ em vẫn diễn ra hàng ngày, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trong bối chuyển đổi số ngày càng sâu rộng như hiện nay, bên cạnh nhiều lợi ích mà mạng xã hội mang đến là những rủi ro tiềm ẩn, đe dọa đến quyền riêng tư của trẻ nhỏ. Việc bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em trên không gian mạng không còn chỉ là trách nhiệm của gia đình, nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chỉ khi có sự chung tay của tất cả, chúng ta mới có thể xây dựng một không gian mạng an toàn, văn minh, tiến bộ - nơi trẻ em được tự do khám phá và phát triển toàn diện.
Tài liệu tham khảo:
[1] Xem từ Điều 12 đến Điều 36 Luật Trẻ em năm 2016.
[2] Xem từ Điều 33 đến Điều 37 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP
[3] Xem Khoản 1, Khoản 5 Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018.
[4] Thông tin. “Trẻ Em Dùng 5 - 7 Giờ Mỗi Ngày để Vào Mạng Xã Hội.” Mic.gov.vn, https://mic.gov.vn, 28 June 2023, mic.gov.vn/tre-em-dung-5-7-gio-moi-ngay-de-vao-mang-xa-hoi-1971592