Thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Làm sao được điểm tuyệt đối phần đọc hiểu?

03/06/2023 06:36
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Phan Thế Hoài lưu ý thí sinh cách làm bài đạt điểm điểm tuyệt đối phần đọc hiểu môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Đề thi tham khảo năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, đề có cấu trúc ổn định so với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.

Theo đó, ngữ liệu đọc hiểu là văn bản nghệ thuật (thơ) nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Nội dung văn bản giàu giá trị thẩm mĩ, tư tưởng, gần gũi và phù hợp với khả năng của học sinh trung học phổ thông. Độ khó của ngữ liệu thơ tương đương các văn bản trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 12 hiện hành.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023.

Đề thi tham khảo môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023.

Phần đọc hiểu chiếm 3.0 điểm trên tổng điểm (10 điểm) bài thi môn Ngữ văn. Phần này gồm 4 câu hỏi nhỏ được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Thang điểm theo đáp án kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: Câu 1 (0,75 điểm), câu 2 (0,75 điểm), câu 3 (1,0 điểm), câu 4 (0,5 điểm).

Cụ thể, câu 1 hỏi về thể thơ, nghĩa là nhận biết về yếu tố hình thức. Dạng câu hỏi này rất quen thuộc, đã từng xuất hiện trong các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm 2018, 2019, 2022. Thí sinh dễ dàng trả lời câu hỏi này, chỉ cần dựa vào số lượng tiếng (chữ) trong các dòng thơ để xác định.

Tuy vậy, thực tiễn chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông các năm qua cho thấy, còn nhiều trường hợp thí sinh trả lời sai đáp án vì đoán mò thể thơ.

Chẳng hạn, đề thi năm 2022 cho thể thơ tự do nhưng thí sinh vẫn trả lời thể thơ lục bát, Đường luật. Thậm chí có thí sinh nhầm lẫn thể thơ với phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ hay thao tác lập luận.

Theo sách giáo khoa Ngữ văn 12, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các thể thơ có thể phân chia thành 3 nhóm chính: 1) Các thể thơ dân tộc gồm: lục bát, song thất lục bát và hát nói; 2) Các thể thơ Đường luật gồm: ngũ ngôn và thất ngôn (tứ tuyệt và bát cú); 3) Các thể thơ hiện đại gồm: năm tiếng (chữ), bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ-văn xuôi,…

Câu 2, nhận biết một yếu tố về hình thức: chỉ ra từ ngữ đề cập đến một nội dung nào đó của khổ thơ, đoạn thơ.

Ví dụ, đề thi năm 2022 yêu cầu thí sinh chỉ ra những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ: "Tuổi trẻ của tôi/ mười tám, hai mươi/ trong và tinh khiết như nước suối đá, khỏe và mơn mởn như mầm đá". (Trích Con đường và những vì sao, Nguyễn Trọng tạo).

Đa số thí sinh chỉ ra được những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ trong đoạn thơ đã cho nhưng vẫn còn nhiều trường hợp bị 0 điểm vì trả lời sai câu hỏi. Lẽ ra, thí sinh cần trả lời những tính từ miêu tả vẻ đẹp của tuổi trẻ, đó là: “trong”, “tinh khiết”, “trẻ”, “mơn mởn”, thì nhiều em lại chép nguyên cả câu thơ, đoạn thơ vào bài làm.

Câu 3, thông hiểu, đề thường hỏi về tu từ hoặc nội dung của câu thơ, đoạn thơ. Ví dụ, đề thi năm 2022 yêu cầu thí sinh nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong đoạn thơ: "Tuổi trẻ như sao trời mát mắt/ khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên/ và cháy bùng như lửa thiêng liêng/ khi giặc giã đụng vào bờ cõi".

Thí sinh thường mắc một số lỗi ở câu này dẫn đến bị trừ điểm như: nêu tác dụng của biện pháp tu từ một cách chung chung (làm cho đoạn thơ gợi hình gợi cảm, mang sắc thái văn chương), chỉ được 0,25/1.0 điểm. Có thí sinh không trả lời tác dụng của biện pháp tu từ so sánh mà nói sang biện pháp tu từ khác (ẩn dụ, nhân hóa…) thì sẽ bị 0 điểm.

Thí sinh cần căn cứ vào nội dung của câu thơ (đoạn thơ) và nắm vững tác dụng của một số biện pháp tu từ quen thuộc thì mới có thể đạt điểm trọn vẹn ở câu hỏi này.

Cách dễ nhất là nhớ theo từ khóa, chẳng hạn: tác dụng của biện pháp tu từ so sánh là làm nổi bật…, phép điệp là nhấn mạnh…, liệt kê là diễn tả những khía cạnh khác nhau (của thực tế, của tư tưởng, của tình cảm)…

Nếu đề hỏi nội dung của những câu thơ (đoạn thơ) thì thí sinh cần chú ý các từ ngữ, hình ảnh để trả lời. Ví dụ, đề thi tham khảo năm 2023 hỏi: Nêu nội dung của hai dòng thơ: "tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ/ dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn" (trích Những người đi tới biển, Thanh Thảo).

Thí sinh căn cứ vào nội dung của hai dòng thơ đặt trong nội dung, cảm xúc của cả đoạn trích để trả lời câu hỏi này.

Gợi ý: Nội dung hai dòng thơ "tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ/ dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn" là suy nghĩ của người con về giá trị của những di sản văn hoá tinh thần, truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc, là điểm tựa để nuôi dưỡng con từng bước khôn lớn trưởng thành. Hai dòng thơ còn là lời nhắc nhở thế hệ sau phải biết trân trọng, giữ gìn, biết ơn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc.

Câu 4, vận dụng, có điểm cần lưu ý: ở đề thi năm 2022 yêu cầu thí sinh nhận xét về một khía cạnh nội dung của đoạn trích (suy ngẫm của tác giả về sự hi sinh của tuổi trẻ). Còn đề thi tham khảo năm 2023 yêu cầu thí sinh nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích. Câu hỏi trong đề thi chính thức và đề tham khảo tương đồng mức độ và dạng thức.

Thí sinh phải đọc kĩ văn bản, hiểu rõ nội dung để lấy trọn vẹn điểm phần này. Định hướng làm bài (câu 4) đề thi tham khảo năm 2023:

Hình ảnh dân tộc Việt Nam được hiện lên qua chân dung người mẹ mạnh mẽ vươn lên từ những khó khăn, gian khổ, ngời sáng phẩm chất tốt đẹp, bền bỉ sức sống qua thời gian. Hình ảnh dân tộc vừa thân thuộc, gần gũi, vừa thiêng liêng, giàu tính khái quát. Nó xuất phát từ tình yêu, sự thấu hiểu của nhà thơ về đất nước, con người Việt Nam từ ngàn đời.

Lưu ý, thí sinh thường bị mất điểm ở câu 3, câu 4 là do viết quá ngắn (1 câu) nên không đủ ý. Hoặc thí sinh viết câu quá dài dẫn đến diễn đạt lủng củng, lan man, không đúng nội dung. Thí sinh cần trả lời câu hỏi gọn gàng, trọng tâm, khoảng 4 đến 5 dòng là phù hợp. Cùng với đó, cần viết câu đầy đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ.

Cá biệt, nhiều trường hợp thí sinh viết bi quan, chán nản, buông xuôi, quy chụp… thường chỉ đạt 0,25 điểm hoặc bị 0.0 điểm. Ví dụ, đề thi năm 2021 yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống từ ngữ liệu “Bí mật của nước” (Masaru Emoto).

Có trường hợp thí sinh “vơ đũa cả nắm” viết: hầu hết thanh niên ngày nay đều nhiễm những thói hư tật xấu như nghiện game (trò chơi), đua xe, hút chích… mà không hề nghĩ về lẽ sống của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài