Cần có bộ quy tắc ứng xử, thể chế hóa Bí thư kiêm Chủ tịch HĐT đại học

14/01/2022 06:29
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để đẩy nhanh tự chủ đại học cần tách bạch quyền hạn, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, Hội đồng trường đối với Hiệu trưởng và tập thể Ban giám hiệu.

Tự chủ đại học ở nước ta đã được khởi động từ nhiều năm nay nhưng tiến triển rất chậm, còn nhiều vướng mắc. Trong cả giới quản lý lẫn học thuật vẫn còn nhầm lẫn giữa trao quyền tự chủ cho trường đại học với việc nhà nước phân quyền cho cơ sở. Do đó có rất nhiều vấn đề cần làm rõ, bắt đầu từ quan niệm chủ sở hữu của trường đại học.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng để tự chủ đại học đi vào thực tiễn trước hết cần tháo gỡ những vướng mắc về mặt quản lý, thể chế.

Quyền tự chủ phải trao cho tập thể Hội đồng trường và tổ chức này phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học tự chủ. Mặt khác vẫn cần phải tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Do đó, cần có một bộ quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu - Cơ quan quản lý nhà nước.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử mẫu

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng bộ quy tắc ứng xử mẫu và trình lên Thường trực Ban Bí thư, xin ý kiến của Bộ Nội vụ, các bộ khác có liên quan.

Sau khi nhận được sự đồng thuận từ các bộ, ngành đối với bộ quy tắc này, các trường đại học sẽ dựa vào mẫu chung, vận dụng theo tình hình thực tế của từng trường để xây dựng bộ quy tắc riêng về ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Cho tới nay, nhiều trường vẫn còn lúng túng khi xây dựng bộ quy tắc này với lý do chờ quy chế mẫu. Cũng có một số trường đã ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động nhưng nội dung làm chưa chi tiết, không có hướng dẫn rõ ràng. Chính vì vậy, áp dụng vào thực tế quản lý, không tránh khỏi “mỗi người một phách”.

Hiện tại, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là số ít những trường đã xây dựng bộ quy tắc hoạt động và công khai khá đầy đủ từ nhân sự, tài chính, khen thưởng, kỷ luật… các trường có thể tham khảo.

Phải tách bạch quyền hạn và chức năng giữa các chủ thể quản lý

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu là khó xử lý nhất.

Quá trình thực hiện tự chủ đại học thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng. Sau khi tự chủ, quyền lực thuộc về Hội đồng trường.

Mặc dù Đảng đã có chủ trương rõ ràng và pháp luật quy định cụ thể, Hội đồng trường đã được thành lập, nhưng một số trường đại học hiện nay vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện mô hình quản trị này, cụ thể là Hội đồng trường vẫn chưa được trao quyền, chưa có thực quyền và Hiệu trưởng vẫn kiêm Bí thư Đảng ủy.

Để giải quyết các xung đột này giải pháp tốt nhất là phải tách bạch quyền hạn, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, Hội đồng trường đối với Hiệu trưởng và tập thể Ban giám hiệu. Về vấn đề trên nên vận dụng các nguyên tắc đã được áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ giữa Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ cũng như theo định hướng tại Nghị quyết 19-NQ/TW.

Bên cạnh đó, việc ở một số trường đại học bố trí Bí thư Đảng ủy trường kiêm Chủ tịch Hội đồng trường cũng là một kinh nghiệm hay, điều này được triển khai theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW.

"Để đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như phù hợp với tình hình thực tế, nên định hướng rõ Hiệu trưởng không kiêm Bí thư Đảng ủy mà Chủ tịch Hội đồng trường sẽ kiêm Bí thư Đảng ủy để gắn kết hai cơ quan đứng đầu này trong việc đưa ra những quyết sách, định hướng phát triển trường đại học. Qua đó cũng sẽ hạn chế được những xung đột có thể xảy ra trong trường.

Chính vì vậy, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong quản lý điều hành cơ sở giáo dục đại học tự chủ giữa Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu - Cơ quan quản lý nhà nước trong đó nêu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Nếu không “thể chế hóa” chức năng, các mối quan hệ và có bước đi thích hợp thì khó lòng mà thực hiện tự chủ đại học”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh.

Ngọc Ánh