Kết luận 14 của Bộ Chính trị là cứu cánh, bảo vệ cho những người dám đổi mới

30/09/2021 06:49
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thường trực Hiệp hội một lần nữa đề nghị cần có một tổng kết nghiêm túc, khách quan về việc thí điểm tự chủ đại học, bàn một cách thẳng thắn, không tránh né.

LTS: Vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đáng chú ý, trong kết luận, Bộ Chính trị nhấn mạnh việc khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Kết luận này của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng ở mọi mặt của xã hội. Để hiểu hơn ý nghĩa của Kết luận này trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, thưa ông điều này có ý nghĩa như thế nào trong công việc nói chung và trong công tác kiểm tra, giám sát nói riêng?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ, trong quá trình đổi mới không thể tránh khỏi có những vấn đề mà cơ chế, chính sách, pháp luật chưa có quy định đủ để điều chỉnh, hoặc chưa bổ sung kịp thời.

Do đó, kết luận của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với công việc nói chung và trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật nói riêng. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, nếu chỉ có nguyên tắc cứng nhắc, máy móc, không đủ thoáng mở thì nhiều khi hỏng việc hoặc không ai dám làm vì sợ trách nhiệm hành chính, cũng chẳng ai dám sáng tạo năng động khi xét thấy thiếu an toàn. Khi không có năng động sáng tạo thì nhiều việc sẽ trì trệ, đình đốn, nhất là khi các cơ chế quản lý còn nhiều lủng củng, bất cập. Còn những công việc do các nhóm lợi ích thúc đẩy thì lợi bất cập hại.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Kết luận của Bộ Chính trị để khuyến khích động viên những cán bộ có tâm, có đức, có tài, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, đạt được hiệu quả cao, chứ không phải chỉ biết "ngoan ngoãn" chấp hành một cách máy móc để giữ an toàn cho bản thân mình.

Đối với những công việc cho làm thí điểm, trong kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.

Với kết luận này của Bộ Chính trị, nếu được tổ chức thực hiện tốt, sẽ tạo môi trường và điều kiện để cho những cán bộ có tài năng xuất hiện, phát huy và trưởng thành, bổ sung nguồn cho nguyên khí quốc gia.

Thực tế cho thấy, từng có nhiều lãnh đạo đơn vị muốn vượt qua khó khăn, trói buộc đã tìm cách xé rào để có hướng đi mới, đổi mới hoạt động nhằm mang lại sức sống và hiệu quả hoạt động cho đơn vị. Nhiều người thành công nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại đem luật lệ hiện hành ra bắt bẻ, kiểm điểm, người “xé rào” bị quy đủ thứ trách nhiệm. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Lịch sử đã chứng kiến nhiều tấm gương mẫu mực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Ông Kim Ngọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với quyết sách “khoán hộ” năm 1966, là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương ban hành Chỉ thị số 100/CT-TW năm 1981 và Nghị quyết số 10/NQ-TW năm 1988, từ đó làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp nước ta.

Nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) với kỳ tích “cởi trói” cho hạt gạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long năm 1977-1978, góp phần vào việc bỏ chế độ bao cấp gạo và thực hiện thành công việc bán gạo một giá theo thị trường trên toàn quốc…

Bà Trần Ngọc Sương- người đã cùng cha của mình là Trần Ngọc Hoằng góp công lớn trong việc đưa Nông trường Sông Hậu trở thành một trong những đơn vị kinh tế Nhà nước nổi bật ở thời kỳ đổi mới và đã được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đáng lưu ý, năm 2000 bà Sương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời đổi mới. Nhưng sau đó ít tháng, Công an thành phố Cần Thơ khởi tố vụ án “lập quỹ trái phép”, khởi tố bị can đối với bà Trần Ngọc Sương. Tháng 8/2009, tòa án Nhân dân huyện Cờ Đỏ xử phạt bà Sương 8 năm tù vì tội “lập quỹ trái phép”, buộc bồi thường thiệt hại cho nông trường hơn 4,3 tỷ đồng và phạt các đồng phạm khác từ 1 năm 6 tháng tù đến 6 năm tù.

Tháng 11/2009, tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên y án 8 năm tù với bà Sương, đến tháng 5/2010, tòa án Nhân dân tối cao ra quyết định hủy bản án đã tuyên với bà Sương, yêu cầu điều tra lại. Ngày 19/1/2012 Viện kiểm sát Nhân dân Cần Thơ công bố quyết định đình chỉ vụ án “lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu. Bà Sương được tự do và ngày 9/2/2012 được khôi phục sinh hoạt Đảng.

Nói vậy để thấy, đổi mới, sáng tạo là một quá trình và công việc gian khổ, phức tạp, nhạy cảm và mạo hiểm. Hơn nữa, nhiều vấn đề đổi mới, sáng tạo thường rất khó, phải vượt lên tư duy của số đông.

Những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhiều khi đưa ra các quyết định có thể chưa phù hợp với quy định hiện hành, chưa phù hợp với nhận thức của tập thể. Trong đó, nói cách khác, là có những trường hợp quy định hiện hành và nhận thức chung chưa theo kịp, chưa tạo điều kiện để triển khai công việc.

Do vậy trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu thấy việc làm đó động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì phải bảo vệ họ. Chứ nếu máy móc, thấy làm khác là kỷ luật, xử phạt thì sẽ làm thui chột những sáng kiến, những đổi mới, đột phá.

Kiểm tra, giám sát cần thấy được những tích cực trong đổi mới, sáng tạo, từ đó góp ý cho chính người người thực hiện, cũng như góp ý cho các cơ quan, tổ chức để sửa đổi cơ chế, chính sách và nhân rộng mô hình đó ra.

Có thể nói, việc đưa nguyên tắc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ giúp vừa bảo đảm được tính nghiêm minh, thấu tình đạt lý trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật vừa bảo vệ được cán bộ tốt và hiệu quả.

Trước đây chúng ta đã từng thầy đồng chí Kim Ngọc bị kỷ luật, sau đó được công nhận là người "dám nghĩ, dám làm, đột phá mang lại hiệu quả xã hội rõ ràng". Gần đây có trường hợp ông Lê Vinh Danh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng) bị kỷ luật – nhiều người nói là một “Kim Ngọc trong giáo dục”. Ông nghĩ sao về trường hợp này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tự chủ đại học là một chủ trương đã có, rất quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong giáo dục đại học, tất nhiên là sự tự chủ ấy nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Muốn vậy, hệ thống pháp luật phải đồng bộ, luật này luật kia không mâu thuẫn nhau, thành một chỉnh thể thống nhất, rõ ràng, tạo niềm tin và điều kiện pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ.

Nếu kéo dài tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn nhau về cơ chế như hiện tại thì rất trở ngại cho việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học khiến đại học Việt Nam không thể cất cánh, sẽ tiếp tục lúng túng không đủ lối ra.

Hiện nay trên thực tế dù đã có chủ trương thực hiện cơ chế tự chủ nhưng đồng thời cơ chế chủ quản vẫn đang chi phối mạnh, chồng chéo và lấn ép cơ chế tự chủ, trong khi hai loại cơ chế này là rất khác nhau. Khi hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, rất cần có cơ chế bảo vệ “Kim Ngọc”, bảo vệ những con người dũng cảm, dám đi trước trong vận dụng quyền tự chủ vào việc nâng cao chất lượng đại học.

Tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước cần khẩn trương đi sâu để tổng kết đánh giá kết quả làm thí điểm vừa qua nhất là mô hình tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng bởi đây là mô hình mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá thành công của cơ chế tự chủ đại học; đưa ra kiến nghị rõ ràng các giải pháp cần bổ sung và sự chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thành công chủ trương tự chủ đại học.

Qua tổng kết, phát hiện đúng các nhân tố mới hợp lý, hiệu quả cao nhưng chưa hợp luật từ đó có những chính sách phù hợp và khả thi, trên cơ sở bắt nguồn từ thực tiễn, đẩy nhanh tiến trình tự chủ đại học; tránh tình trạng lấy lỗi sửa lỗi, dùng chắp vá này để sửa chắp vá khác. Tổng kết nói ở đây là để đi tiếp một cách mạnh mẽ và vững vàng, chứ không phải để kết luận làm hay không, tiến hay lùi, đi tiếp hay quay lại.

Vấn đề tự chủ đại học đang liên quan đến nhiều bộ ngành, nhiều cơ quan và cấp quản lý, nên khi thực hiện sẽ có đụng chạm về quyền lực và quyền lợi. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung của Thường trực Chính phủ và Thường trực Ban bí thư.

Tới đây Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam sẽ có động thái gì đối với trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và ông Lê Vinh Danh - một trường hợp thí điểm tự chủ đại học rất thành công mà người đứng đầu lại bị kỷ luật, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Vào tháng 8/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung về việc thí điểm tự chủ đại học.

Chưa kể, Hiệp hội cũng từng có văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị trình Hội đồng Thi đua khen thưởng nhà nước xem xét phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Trường Đại học Tôn Đức Thắng vì Hiệp hội muốn kiến nghị nhân rộng mô hình tự chủ đại học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, khẳng định lại việc cần tôn vinh thành tích của tập thể nhà trường.

Thực tế cho thấy, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một điển hình nổi trội về thí điểm tự chủ đại học. Đương nhiên trường không phải đã hoàn mỹ, trường cũng có nhiều vấn đề riêng. Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội vẫn đánh giá trường xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động bởi vì suốt hơn 10 năm qua không đòi hỏi nhà nước đồng tiền nào cho chi phí thường xuyên và chi phí đầu tư, trường tự thu, tự chi hết và có hiệu quả cao, vẫn là trường đại học đi tiên phong để được xếp hạng thứ tự cao trong các đại học hàng đầu của thế giới, bứt phá nhanh, vượt xa các đại học được chi ngân sách nhiều chục, nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm.

Những mâu thuẫn và sự khác nhau trong đánh giá Trường Đại học Tôn Đức Thắng xảy ra trong thời gian vừa qua là điển hình cho việc xung đột về cơ chế quyền lực và lợi ích trong việc thực hiện tự chủ đại học và những mâu thuẫn này đến nay chưa được giải quyết.

Thường trực Hiệp hội một lần nữa đề nghị cần có một tổng kết nghiêm túc, khách quan về việc thí điểm tự chủ đại học, bàn một cách thẳng thắn, không tránh né mọi vấn đề. Từ đó rút ra, cái nào trường đã làm được và được làm, cái nào trường không làm được và không được làm, điều chỉnh và bổ sung cơ chế, chính sách.

Theo nhận thức của chúng tôi, những công việc mà ông Lê Vinh Danh thực hiện đều đã được cho thí điểm trong Quyết định 158, Nghị quyết 77 của Chính phủ dành cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông ấy đã làm xuất sắc và động cơ vì lợi ích chung, vậy làm sao lại bị kỉ luật? Chúng tôi hi vọng với Kết luận 14 của Bộ Chính trị lần này những cơ quan đã đồng ý cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói chung và Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nói riêng được phép triển khai tự chủ sẽ có tiếng nói bảo vệ.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh