Tự chủ Đại học, không phải Hiệu trưởng muốn chi gì, chi bao nhiêu cũng được

28/11/2019 09:06
Phương Linh
(GDVN) - Theo Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng, không phải tự chủ tài chính là Hiệu trưởng muốn chi gì thì chi, chi bao nhiêu cũng được.

Ngày 15/11/2019, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cùng phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển phương Đông tổ chức hội thảo “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập” tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Vướng mắc của tự chủ là quyền xác định chỉ tiêu đào tạo

Trình bày quan điểm của mình về tự chủ đại học, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị giáo dục đại học công lập là phù hợp với chủ trương, đường lối mở cửa hội nhập của Đảng, Nhà nước ta.

Lúc đầu, chỉ có một vài trường đại học được giao tự chủ, qua vài năm thử nghiệm, nhiều trường thấy cần phải được tự chủ hơn, nên giờ đã có 26 đại học được tự chủ hoàn toàn. 

Giáo sư Trần Hồng Quân gửi 5 kiến nghị về tự chủ đại học

Việc triển khai thí điểm tự chủ đại học công lập ở Việt Nam đã có những kết quả ban đầu.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng, trao quyền tự chủ như thế nào, thực hiện ra sao, để đảm bảo mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả, chất lượng của giáo dục đại học, vẫn đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội như học phí, khả năng tiếp cận thị trường việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp thì vẫn cần phải thảo luận, bàn rõ.

Theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, vướng mắc của tự chủ hoàn toàn trước hết là quyền xác định chỉ tiêu đào tạo.

Một trong những chỉ tiêu dùng để tính toán chỉ tiêu khi tuyển sinh là đội ngũ giảng viên. Đội ngũ này không phải tính bằng tổng các giảng viên, mà bằng tổng các giảng viên đã tính hệ số: cử nhân hệ số 1, thạc sĩ hệ số 1,5, tiến sĩ hệ số 2,0; phó giáo sư 2,5 và giáo sư hệ số 3,0.

Ông Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh:Vietnamnet)
Ông Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh:Vietnamnet)

Chỉ tiêu tuyển sinh được tính cho cơ sở đào tạo, chứ không phải tính cho ngành đào tạo.

Do đó, kẽ hở tuyển sinh đã được hầu hết các cơ sở tận dụng, nên dù đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường ít có sự khác biệt giữa các khoa, nhưng số lượng sinh viên tuyển sinh thì có sự khác biệt cực lớn giữa các khoa.

Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng cho rằng, nếu quy định số lượng tuyển theo giảng viên các ngành, thì chắc chắn sẽ không còn tình trạng tuyển sinh quá mức nhiều lần ở một số ngành “nóng”.

Thu học phí của sinh viên hiện nay vẫn là nguồn thu chính hiện nay của các trường được giao quyền tự chủ, nên các trường đều muốn có đủ lượng sinh viên cần thiết để đảm bảo hoạt động.

Hiệu trưởng không phải muốn chi gì, chi bao nhiêu cũng được

Một trong những vấn đề mà đại học tự chủ quan tâm, là làm thế nào để đủ kinh phí cho các hoạt động của nhà trường công lập, khi hiện tại, phần lớn các chi phí của họ phụ thuộc vào nguồn thu học phí.

Luật Giáo dục đại học đã khẳng định, việc quyết định mức thu học phí là quyền của các trường. Tuy vậy, tăng học phí như thế nào để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời còn phải tính đến không làm giảm đi khả năng tiếp cận giáo dục đại học của người học.

Các trường phải có lộ trình tăng học phí, để bù vào việc họ không nhận được nguồn kinh phí Nhà nước cấp khi chưa tự chủ.

Hội thảo khoa học "Tự chủ đại học trong thời kỳ hội nhập" hôm 15/11/2019 (ảnh: T.T.)
Hội thảo khoa học "Tự chủ đại học trong thời kỳ hội nhập" hôm 15/11/2019 (ảnh: T.T.)

Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng chia sẻ: Tăng học phí không thể là vô hạn, phụ thuộc khá nhiều vào khả năng chi trả của người học, dựa trên thu nhập của gia đình. Vì vậy, chính sách tín dụng đại học là cần thiết, với không chỉ người học mà còn là cho các nhà trường trong khi xây dựng lộ trình học phí.

So với các trường tư thục, mức học phí ở các trường tự chủ thấp hơn, nhưng điều cần thay đổi là các trường tự chủ phải nhanh chóng thay đổi cơ cấu nguồn thu theo hướng giảm nhanh, giảm mạnh tỷ lệ nguồn thu từ học phí.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng, có thể trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ nguồn thu từ học phí ở các trường tự chủ vẫn nằm trong khoảng 80% tổng chi phí của nhà trường.

Phải làm rõ được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong lĩnh vực tài chính, thu và quản lý học phí như thế nào. Tự chủ phải gắn với chịu trách nhiệm, chịu sự giám sát của Hội đồng trường, học sinh, nhà tài trợ, của xã hội và của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tự chủ đại học là phải minh bạch, công khai, chịu sự quản lý, trong đó có cả tự chủ tài chính.

Trả lương theo vị trí việc làm là một hướng đi đúng trong tự chủ đại học. Không phải tự chủ tài chính là Hiệu trưởng muốn chi gì thì chi, chi bao nhiêu cũng được.

Phương Linh