Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông công lập năm học 2024 – 2025.
Theo đó, có 77.355 học sinh đã đậu vào các trường này, trong khi đó có đến 98.681 học sinh lớp 9 của thành phố đăng ký tham gia vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Như vậy, hơn 21.000 học sinh rớt lớp 10 công lập buộc phải chọn loại hình giáo dục khác để tiếp tục theo học.
Vất vả tìm chỗ học cho con
Lúc này, sự lựa chọn mà các phụ huynh thường hướng tới đó là trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên hay các trường nghề.
Ngay sau khi biết điểm thi và điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Thu (nhà ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) đã cùng chia nhau đi tìm các trường tư thục, trường nghề gần nhà.
Chị Minh Thu chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị tìm đến một trường phổ thông tư thục cách nhà 3km, trường thì khang trang, giáo viên thì nhiệt tình, con của chị có thể đạp xe đi học được.
Tuy nhiên, mức học phí tại trường này lên đến hơn 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí phát sinh khác. Trong khi đó, tổng thu nhập hai vợ chồng chị mỗi tháng chỉ gần 20 triệu đồng, nuôi 2 con đang tuổi ăn học, nên chị Thu dù rất muốn nhưng không thể cho con theo học ở đây. Gia đình phải chọn phương án học khác cho con trong năm học sắp đến.
Tìm đến một trường nghề cách xa nhà gần 10km, mức học phí vừa phải, con có thể tự đi xe đạp tới trường, nhưng chị cũng chưa biết chọn nghề gì thích hợp để cho con học.
Chị Minh Thu tâm sự: “Thay vì học đầy đủ các môn văn hóa như bạn bè đồng trang lứa, những trường nghề chỉ dạy có 4 môn văn hóa song song với học nghề. Điều này có thể gây bất lợi cho con sau khi học hết lớp 12, khi phụ huynh luôn muốn con tập trung học các môn văn hóa để dành tấm vé xét tuyển vào các trường đại học”.
Theo chị Minh Thu, năm nào đi học, con chị cũng có giấy khen, tuy nhiên giấy báo trúng tuyển vào lớp 10 công lập thì con chị lại không có được.
“Đưa con đến trường rút học bạ lớp 9 mà lòng tôi đau quặn lại, nước mắt chảy dài. Không biết rằng con đường học tập của con mình trong tương lai của mình sẽ ra sao” – chị Minh Thu nói.
Không đậu vào lớp 10 công lập trong đợt đầu tiên, những ngày này, anh Hồ Ngọc Hải (nhà ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) đang mong chờ đến cuối tháng, để có thông tin tuyển bổ sung lớp 10 công lập của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Hải chia sẻ, sức học con diện khá, tuy nhiên, do những sai lầm trong việc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển vào lớp 10 công lập, nên trong đợt đầu tiên, con của anh Hải đã không đậu vào trường nào.
“Từ khi Sở công bố điểm chuẩn, con của tôi khóc suốt, không chịu ăn, không nói chuyện với cả nhà mấy ngày, khiến cho vợ chồng tôi lo lắng, bồn chồn hết mấy ngày. Nếu có trường công lập nào tuyển bổ sung ở Bình Chánh, Hóc Môn thì tôi cũng sẽ đăng ký cho con học. Phương án cuối cùng cũng là chọn một trường ngoài công lập cho con” – anh Hồ Ngọc Hải khẳng định.
Trường nghề, trường tư vẫn hút học sinh
Nhộn nhịp là không khí tuyển sinh những ngày này tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5). Phụ huynh đến đăng ký học lớp 10 cho con phải ngồi chờ đến lượt. Không phải hồ sơ nào, trường hợp nào Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An cũng nhận vào học.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng – Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, kể từ khi thành phố công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, trung bình một ngày, trung tâm tiếp khoảng hơn 60 phụ huynh đến tìm hiểu, nộp hồ sơ nhập học lớp 10.
Năm học sắp đến, trung tâm tuyển sinh 450 học sinh lớp 10. Học sinh phải có học bạ học lực từ trung bình, hạnh kiểm phải khá trở lên mới đủ điều kiện vào học tại trường.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An trong năm học tới sẽ thiết kế 2 nhóm môn học lựa chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với 7 trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề miễn phí cho học viên, với 9 ngành nghề theo nhu cầu của xã hội: Dược sĩ, Nghiệp vụ nhà hàng và khách sạn, Công nghệ thông tin, Chăm sóc sắc đẹp và tạo mẫu, Tiếng Trung Quốc, Điều dưỡng, Kế toán, Thiết kế nội thất và Hướng dẫn du lịch.
Cho tới nay, dù chỉ mới bắt đầu nhận hồ sơ nhập học vài ngày, nhưng trung tâm cũng đã tuyển được hơn 60% chỉ tiêu đặt ra cho năm học mới.
Còn tại Trường trung học cơ sở - trung học phổ thông Trần Cao Vân, Thạc sĩ Huỳnh Kim Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không khí tuyển sinh những ngày này tại trường rất nhộn nhịp.
Thông tin do thầy Huỳnh Kim Tuấn cung cấp cho biết, năm nay, 5 cơ sở của nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giao là 2.400 học sinh lớp 10, nhưng đến hôm nay, trường đã tuyển được hơn 1.400 học sinh.
Cũng giống như các trường nghề và nhiều trường tư thục khác, Trường Trần Cao Vân cũng yêu cầu học sinh phải ít nhất có hạnh kiểm từ khá trở lên, thì mới được trường xem xét nhận vào học.
Cũng theo thầy Huỳnh Kim Tuấn, điều phụ huynh quan tâm đầu tiên khi đến trường lựa chọn chỗ học cho con mình vào lớp 10, chính là trường có tổ hợp mà học sinh mong muốn hay không.
“Đây chính là điều mà theo các bậc phụ huynh là rất quan trọng, do nó sẽ ảnh hưởng đến việc sau này các em lựa chọn ngành nghề khi xét tuyển vào đại học” – Thạc sĩ Huỳnh Kim Tuấn chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Yến Trang (nhà ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: “Với tổng chi phí dành cho học sinh bán trú lớp 10 là 4,4 triệu đồng, cơ sở vật chất khang trang gia đình chúng tôi có thể cho con theo học”.