Trường ĐH Thương mại mở mới 8 chương trình IPOP, mức học phí ra sao?

02/03/2024 06:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường ĐH Thương mại bắt đầu tuyển sinh cho 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (viết tắt là IPOP).

Chiều 1/3, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quang Trung (Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Thương mại) cho hay, đơn vị vừa ban hành Đề án tuyển sinh năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của nhà trường năm 2024 là 4.950 chỉ tiêu (năm 2023 là 4.850 chỉ tiêu).

Chia sẻ về điểm mới trong Đề án tuyển sinh năm 2024, thầy Trung cho hay, năm nay nhà trường bắt đầu tuyển sinh cho 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (viết tắt là IPOP).

Cụ thể gồm, chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh (IPOP) (Ngành Quản trị kinh doanh); chương trình đào tạo Marketing thương mại (IPOP) (Ngành Marketing); chương trình đào tạo Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB) (IPOP ) (Ngành Kế toán); chương trình đào tạo Logistics và xuất nhập khẩu (IPOP) (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng); chương trình đào tạo Thương mại quốc tế (IPOP) (Ngành Kinh doanh quốc tế); chương trình đào tạo Tài chính – Ngân hàng thương mại (IPOP) (Ngành Tài chính – Ngân hàng); chương trình đào tạo Quản trị nhân lực doanh nghiệp (IPOP) (Ngành Quản trị nhân lực) và chương trình đào tạo Quản trị khách sạn (IPOP) (Ngành Quản trị khách sạn).

chuong-trinh-dao-tao (1).JPG
chuong-trinh-dao-tao (2).JPG
Chỉ tiêu tuyển sinh của 38 chuyên ngành, chương trình đào tạo năm 2024 tại Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: cắt màn hình)

Trong chương trình này, các chuyên gia, nhà quản trị doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, trực tiếp đào tạo và hướng dẫn thực tế cho sinh viên.

Sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng liên ngành trong lĩnh vực kinh doanh – quản lý, kiến thức mới về cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh; được trang bị kiến thức chuyên sâu về ngành, chuyên ngành đào tạo, chú trọng vào thực nghiệp.

"Doanh nghiệp trong và ngoài nước có kí kết hợp tác với nhà trường sẽ tham gia vào quá trình đào tạo cho sinh viên năm 2.

Ví như những học phần gồm 5-10 tiết sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp, họ sẽ chia sẻ về việc đơn vị của họ cần những người có kiến thức, kỹ năng ra sao, sinh viên phải trang bị điều đó như nào.

Từ đó, sinh viên sẽ định hướng được nghề nghiệp tương lai của bản thân trong tương lai phù hợp với vị trí việc làm nào", thầy Trung chia sẻ.

gdvn_truong-dai-hoc-thuong-mai (5).jpg
Trường Đại học Thương mại. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Về mức học phí của chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế là 35 triệu đồng/năm học (chương trình đào tạo tiêu chuẩn của nhà trường từ 24-26 triệu đồng/năm học).

Trước câu hỏi của phóng viên về sự khác biệt của chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) với 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp (Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn và Quản trị Hệ thống thông tin), thầy Trung chia sẻ, 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp đã được nhà trường đào tạo từ lâu, sinh viên sẽ phải tự học tiếng Anh, còn đối với chương trình IOP sẽ đòi hỏi thí sinh phải đáp ứng chuẩn yêu cầu đầu vào là tiếng Anh.

dau-vao-iop.jpg
Chuẩn đầu vào tiếng Anh đối với sinh viên học chương trình đào tạo IOP.
Theo đó, sinh viên đã có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào chứng chỉ tiếng Anh bậc 2 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam); IELTS: 3.5; TOEFL IBT: 40; TOEIC 4 kỹ năng gồm nghe đọc: 300 và nói + viết: 120; Camrridge: 120; VSTEP: Bậc 2; APTIS ESOL: A2 hoặc điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 9 điểm trở lên sẽ không phải tham gia học chương trình tiếng Anh bổ sung.(Ảnh: NTCC)

"Đối với sinh viên học chương trình IOP, có những học phần các em sẽ học bằng tiếng Anh. Việc này giúp các em hội nhập quốc tế chuyên sâu hơn so với chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu.

Đơn vị sẽ kiểm tra đầu vào là tiếng Anh với sinh viên trúng tuyển chương trình IOP. Nếu sinh viên nào chưa vượt qua sẽ được nhà trường mở lớp đào tạo thêm kỹ năng về tiếng Anh, khi đủ điều kiện thì các em sẽ được học các học phần bằng tiếng Anh trong chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế", thầy Trung chia sẻ.

Chia sẻ thêm về điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm nay, thầy Trung cho biết, năm 2024, phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 40%, đồng nghĩa đã giảm 10% so với năm ngoái, 60% còn lại cho 4 phương thức xét tuyển còn lại gồm Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển theo kết quả học tập cấp trung học phổ thông đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duyXét tuyển kết hợp.

Về thời gian tuyển sinh, thầy Trung cho biết, với thí sinh đăng ký xét tuyển tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển sẽ nộp hồ sơ từ ngày 20/4.

Thí sinh xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, sẽ đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo lịch tuyển sinh chung của Bộ.

Mạnh Đoàn