Những năm gần đây số lượng học sinh ở các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên số lượng giáo viên, cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng được chương trình dạy và học.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), thầy Hoàng Nam Hiến cho biết, năm học trước có 917 học sinh, năm học 2023-2024, dự kiến số lượng cũng sẽ vào khoảng hơn 900 học sinh.
Trung tâm hiện đang có tổng 27 biên chế, trong đó có 3 lãnh đạo, 9 giáo viên dạy nghề và 15 giáo viên dạy văn hóa.
Với giáo viên dạy nghề, về cơ bản trường có đủ nhân lực để giảng dạy trong đó có 8 giáo viên đứng lớp, 1 giáo viên phụ trách công việc chung. Theo đó, với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn có 2-3 giáo viên, còn lại là các thầy cô dạy các nghề như nấu ăn, điện,..
Tất cả giáo viên đều là nhân lực từ Trung tâm kỹ thuật - tổng hợp và hướng nghiệp (thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo), Trung tâm dạy nghề (thuộc Uỷ ban Nhân dân huyện Phú Bình) trước khi sáp nhập thành trung tâm như hiện nay.
Tuy nhiên, số lượng giáo viên dạy văn hóa hiện tại chưa đáp ứng được sĩ số học sinh. Vậy nên hàng năm, trường vẫn phải tuyển dụng liên tục giáo viên hợp đồng thỉnh giảng để bổ sung đội ngũ. Ngoài ra, các thầy cô đều phải dạy hơn 17 tiết/tuần cũng như phải kiêm nhiệm công việc khác. Với ban lãnh đạo trung tâm, giám đốc giảng dạy 2 tiết/tuần và phó giám đốc giảng dạy 4 tiết/tuần.
Các thầy cô dạy văn hóa, dạy nghề cũng phụ trách các nhiệm vụ khác. Theo đó, số giờ làm việc của các thầy cô được tính là thời gian dạy thực tế và số tiết kiêm nhiệm công việc khác. Trong trường hợp thừa giờ, trung tâm tính thêm tiền thừa giờ cho giáo viên nhưng đều không vượt quá quy định của Nhà nước.
Theo thầy Hiến, việc thiếu giáo viên chủ yếu là do vấn đề biên chế eo hẹp. Trung tâm được quy định 28 biên chế, năm nay trung tâm vừa bổ sung thêm 1 giáo viên văn hóa mới đủ chỉ tiêu được giao.
Giờ học địa lý của học sinh trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh Website nhà trường. |
Chia sẻ thêm về khó khăn trong tuyển sinh, thầy Hiến cho biết những năm gần đây trung tâm bị quá tải chỉ tiêu. Năm học 2021 - 2022 trung tâm có 5 lớp 10 nhưng năm học 2022 - 2023 vừa qua có đến 11 lớp 10. Điều đó dẫn đến việc trung tâm không có đủ phòng học, thiếu giáo viên, khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng.
Vì thế, trung tâm có báo cáo ban lãnh đạo huyện Phú Bình để huyện làm việc với 3 trường trung học phổ thông trên địa bàn nhằm tăng số lớp của các trường. Từ đó đảm bảo cân đối sĩ số giữa các trường trung học phổ thông và trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Năm học 2023 - 2024 sắp tới trung tâm dự kiến có 6 lớp 10, giảm 5 lớp so với năm ngoái.
Lý giải về việc vượt chỉ tiêu, thầy cho biết xu hướng hiện nay của phụ huynh và học sinh đều muốn học nghề, sau đó học lên cao đẳng hoặc có thể đi làm kinh tế sớm. Do đó nhiều em vừa kết thúc chương trình trung học cơ sở đã nộp hồ sơ thẳng vào trung tâm. Một số khác do không đỗ các trường trung học phổ thông nên theo học tại đây.
Về cơ sở hạ tầng, hiện nay các lớp học xuống cấp, trung tâm đã báo cáo và được huyện phê duyệt, dự kiến sang tháng (tháng 9/2023 - PV) khởi công xây dựng phòng học 3 tầng, khi đó học sinh sẽ phân chia ca sáng, chiều thay phiên học tập.
Với cương vị lãnh đạo trung tâm, thầy Hiến cho biết trước mắt trường mong muốn cải thiện về cơ sở vật chất, đặc biệt với trang thiết bị học nghề đều được cấp từ lâu, đến nay đều đã lạc hậu, không sử dụng được. Còn về phía giáo viên, nếu được cần tăng cường bồi dưỡng về chuyên môn ngành nghề, để phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng bàn về thực trạng hiện nay của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, Giám đốc trung tâm Giáo dục thường xuyên Sông Mã (tỉnh Sơn La), thầy Nguyễn Văn Hoan cho biết:
Trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 01/2021 tại cơ sở của Trung tâm dạy nghề cũ. Năm học 2021-2022, trung tâm có 16 lớp với 663 học sinh. Năm học 2022-2023, trung tâm tăng thêm 1 lớp, tổng là 17 lớp với 698 em, năm học 2023-2024 đã tuyển sinh 18 lớp với 955 em.
Hiện tại so với số học sinh, trung tâm hiện đang thiếu giáo viên ở các môn học gồm: môn Toán, Địa lý, Ngữ văn, Công nghệ. Thầy Hoan cho biết việc này diễn ra từ khi thành lập, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu biên chế, do đó phía trung tâm phải làm hợp đồng thỉnh giảng để đảm bảo giáo viên đứng lớp.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cũng có những phương án như biệt phái và phân công giáo viên các trường ở gần đến hỗ trợ cho trung tâm trong các năm học vừa qua.
Về cơ sở vật chất hiện tại trung tâm có 12 phòng học, trong đó có 8 phòng học kiên cố và 4 phòng học lắp ghép. Tòa nhà làm việc có 1 dãy nhà 2 tầng với 8 phòng. Với sĩ số chung và số lượng phòng học trên, trung tâm phải bố trí học 2 ca/ngày. Các thiết bị dạy học những năm trước cũng chưa đáp ứng được hết chương trình học tập của học viên.
Phía trung tâm đã báo cáo, xin ý kiến của các ban ngành và được tỉnh giao kinh phí sửa sang lớp học, trang bị các thiết bị học tập. Hiện tại trung tâm đang nhận bàn giao thiết bị, đáp ứng được việc dạy và học cho năm học 2023 – 2024 và các năm học tiếp theo.
Theo thầy Hoan, việc thiếu giáo viên, cơ sở vật chất cũng ảnh ít nhiều đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Do đó, thầy Hoan mong muốn Ủy ban Nhân dân tỉnh giao thêm biên chế cho giáo viên, nhân viên hành chính, bố trí xây dựng thêm phòng lớp học, phòng thực hành bộ môn, nhà bán trú. Đồng thời bổ sung thêm kinh phí để trung tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa trong các năm học tiếp theo.