Vĩnh Phúc đề xuất sáp nhập 3 trường cao đẳng, lãnh đạo các nhà trường nói gì?

05/03/2023 06:40
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Đề án 16, dự kiến 3 trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được sáp nhập lại chỉ còn 1 đầu mối đào tạo nghề công lập.

Mới đây, Ban Thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 16-ĐA/TU về sắp xếp tổ chức bộ máy một số đầu mối cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022-2025. Trong đó, đề án có đề xuất sắp xếp lại các đơn vị công lập thuộc khối chính quyền.

Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, dự kiến sẽ sáp nhập các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo hướng chỉ còn 1 đầu mối đào tạo nghề công lập như tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương.

Từng có đề xuất sáp nhập các trường cao đẳng từ năm 2017

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Ngọc Anh - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc cho biết, hiện đề xuất sáp nhập mới chỉ nằm trong đề án, do vậy trường trường vẫn đang chờ kế hoạch cụ thể mới có các phương án triển khai cụ thể.

Sinh viên khoa cơ khí Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đi thực tập tại nhà máy. Ảnh: Fanpage nhà trường

Sinh viên khoa cơ khí Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc đi thực tập tại nhà máy. Ảnh: Fanpage nhà trường

Tương tự, thầy Nguyễn Văn Đồng – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc cũng cho biết hiện đơn vị đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho các chỉ đạo sáp nhập nếu có.

“Chúng tôi cũng đã xem qua đề án sáp nhập của Ban Thường vụ tỉnh ủy, tuy nhiên hiện trường chưa nhận được văn bản về việc sáp nhập nào cả. Do vậy, mọi hoạt động của nhà trường vẫn diễn ra bình thường.

Từ đầu năm 2017, trường cũng đã có đề án sáp nhập (kế hoạch của Đề án 01) tuy nhiên chưa thực hiện được. Đề án 16 thay thế Đề án 01, do vậy nếu sáp nhập thì nhà trường cũng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng thực hiện”, phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trước đó, Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong xây dựng và ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh giai đoạn 2016-2021.

Theo đó, thông qua sắp xếp, toàn tỉnh đã giảm được 02 đầu mối trực thuộc tỉnh, giảm 208 phòng, ban và tương đương cấp tỉnh, huyện; giảm 461 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 142 thôn, tổ dân phố; giảm trên 11% tổng biên chế…

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Đề án 16 ra đời đã đề xuất mô hình, giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại của một số tổ chức cấp tỉnh, huyện trong hệ thống chính trị hiện nay để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức, tạo điều kiện để tiếp tục cải cách nền hành chính trên địa bàn theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, giảm chi ngân sách cho hoạt động bộ máy, nhất là chi lương và chi thường xuyên.

Lý do sáp nhập các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh

Cụ thể, hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 39 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 10 cơ sở của Trung ương đóng trên địa bàn, 29 cơ sở thuộc tỉnh; trong đó có 09 trường cao đẳng: 06 trường thuộc Bộ, 03 trường thuộc tỉnh: Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc.

Trong số 03 trường cao đẳng thuộc tỉnh, có 02 trường nằm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, gồm: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc; Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc. Hai trường có khoảng cách gần nhau (5km), với cùng chức năng, nhiệm vụ đào tạo các ngành nghề thuộc khối khoa học kỹ thuật công nghệ và kinh tế theo 03 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên.

Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy được tiến hành theo tinh thần những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau đề xuất sáp nhập, hợp nhất; đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, đề xuất giải thể, chuyển giao nhiệm vụ cho đơn vị khác thực hiện hiệu quả cao hơn. Hạn chế chia nhỏ, phân tán chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức…

Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy được tiến hành theo tinh thần những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ giống nhau đề xuất sáp nhập, hợp nhất; đơn vị sự nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, đề xuất giải thể, chuyển giao nhiệm vụ cho đơn vị khác thực hiện hiệu quả cao hơn. Hạn chế chia nhỏ, phân tán chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức…

Các trường cao đẳng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực để phù hợp với nhu cầu người học, nhưng có nhiều chuyên ngành do hai trường cùng đào tạo như: Kế toán, Cơ khí, Tin học... dẫn đến tình trạng khó khăn trong xác định quy mô phát triển của mỗi trường, đồng thời cũng làm gia tăng khó khăn trong công tác tuyển sinh hàng năm ở các ngành nghề này.

Chưa kể, công tác đào tạo nghề cho người lao động được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (hệ đào tạo nghề) và Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, dẫn đến hiện tượng chia nhỏ nhiệm vụ này cho từng trường; điều này làm giảm quy mô hoạt động của mỗi trường trong công tác đào tạo nghề theo định hướng của tỉnh cũng như nhu cầu đào tạo nghề của xã hội.

Ngoài ra, công tác tuyển sinh của hai trường, của một số ngành nghề không đảm bảo chỉ tiêu đã được cơ quan có thẩm quyền giao; mất cân đối giữa các ngành học, một số ngành, hệ đào tạo không tuyển sinh được.

Tổ chức bộ máy của các trường cũng chưa thực sự tinh gọn, còn nhiều phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Các trường đều có phòng (Đào tạo; Hành chính tổ chức; phòng Công tác học sinh sinh viên; phòng Kế hoạch tài chính; Khảo thí; Thanh tra). Các trường đều có các khoa (Công nghệ thông tin, Kinh tế, Điện - Điện tử, Khoa học cơ bản, Chính trị hoặc Lý luận chính trị).

Hầu hết các trường có đội ngũ giáo viên các bộ môn chung chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số giáo viên của mỗi trường để đảm đương nhiệm vụ dạy văn hóa, gây lãng phí về biên chế, nhất là trong lĩnh vực đào tạo trình độ sơ cấp nghề; số lượng nhân viên được bố trí ở các phòng, ban (không trực tiếp đứng lớp) còn nhiều.

Do vậy, việc sáp nhập Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc với Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc được đánh giá là phù hợp với chủ trương của Trung ương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó nêu rõ: Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp “Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập…”, của tỉnh về sắp xếp, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp; phù hợp với định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; hướng tới xây dựng trường cao đẳng chất lượng cao.

Đồng thời thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được tinh gọn, giảm số lãnh đạo quản lý, nhân viên hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường xây dựng phương án tự chủ hoàn toàn, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường.

Mới đây, ngày 10/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 73/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu của quy hoạch đến năm 2025 là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%; hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

Bắc Sơn