Vừa qua, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Nghị định quy định về xếp hạng và phân tầng cơ sở giáo dục đại học. Trước nội dung dự thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng việc xếp hạng và phân tầng hãy cứ để cho xã hội tự đánh giá, phân loại. Tuy nhiên cũng có quan điểm chỉ nên phân loại chứ không nên phân tầng.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam) về chủ đề này.
Phân loại hay phân tầng?
Ở thời điểm này đại học Việt Nam có cần phân tầng và xếp hạng, thưa bà?
Bà Vũ Thị Phương Anh: Việc phân tầng và xếp hạng đã được đưa vào Luật giáo dục đại học từ năm 2012 (có hiệu lực từ năm 2013). Và câu trả lời của tôi là nhà nước không nên phân tầng hoặc xếp hạng. Điều này cũng đã có những nhà khoa học lên tiếng ngay từ khi Luật giáo dục đại học còn là dự thảo. Chỉ nên phân loại (classification) chứ không nên phân tầng (stratification).
TS. Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam). Ảnh Xuân Trung |
“Phân loại” là nhằm phục vụ công tác quy hoạch và đầu tư của nhà nước cho phù hợp với loại hình trường để cuối cùng nhắm đến mục tiêu phát triển đất nước. Đó là điều rất cần thiết và nên làm. Còn “phân tầng” trước hết mang hàm ý có tầng ở trên cao, có tầng ở dưới thấp, dẫn đến những thành kiến sai lệch, vì không thế nói những trường ở tầng trên (vd: trường đại học định hướng nghiên cứu) thì đương nhiên là tốt hơn hoặc cần thiết hơn những trường ở tầng dưới (trường đại học định hướng ứng dụng hoặc định hướng thực hành). Tất cả các loại trường đều có vai trò, vị trí trong hệ thống giáo dục của VN và đều cần thiết như nhau.
Tôi nghĩ, có lẽ nhà nước/Bộ Giáo dục khi nói phân tầng thực ra là nhắm đến việc phân loại, nhưng do trong tiếng Việt hệ thống khái niệm về quản lý giáo dục đại học chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng nên có chút nhầm lẫn như thế.
Thưa bà, liệu sau khi Đại học được phân tầng và xếp hạng, các trường có nẩy sinh nhiều vấn đề trong việc đua tranh giành thứ hạng cao bằng mọi giá?
Bà Vũ Thị Phương Anh: Nếu nhà nước quyết định bắt buộc phải thực hiện phân tầng và xếp hạng thì chắc chắn sẽ có việc chạy đua để giành vị trí cao hơn, đặc biệt trong khối trường công, nếu như vị trí xếp hạng và việc được xếp vào tầng nào có liên quan trực tiếp đến đầu tư của nhà nước.
Giáo dục Hàn Quốc, Malaysia đã làm gì để cạnh tranh toàn cầu?
(GDVN) - Hai đất nước có nền giáo dục phát triển ở Châu Á đã có những chia sẻ kinh nghiệm quý báu với những người làm giáo dục Việt Nam.
Có lẽ sẽ có nhiều trường muốn được xếp vào tầng trên cùng là đại học định hướng nghiên cứu, dù về thực chất nhà trường chưa chắc đã có năng lực nghiên cứu hoặc thực sự quan tâm đến nghiên cứu. Trường tư sẽ đỡ hơn, vì không nhận được đầu tư của nhà nước. Và nếu có chạy đua thì chắc chắn sẽ có những số liệu ảo, thậm chí có thể còn có những tiêu cực, để cố giành được vị trí cao trong mỗi tầng, và để lọt vào tầng cao nhất. Là một viễn cảnh không mấy tươi sáng mà nhà nước cần cân nhắc kỹ trước khi có quyết định về việc triển khai.
Có thể sau khi được phân tầng và xếp hạng, Giáo dục Đại học Việt Nam sẽ phân thành 3 tầng, 5 hạng. Nhưng cũng có nhiều quan điểm bày tỏ Đại học Việt Nam chỉ nên có hai loại hình là “Đại học theo nghiên cứu” và “Đại học theo ứng dụng”. Bà thấy quan điểm nào hợp lý, vì sao?
Bà Vũ Thị Phương Anh: Tôi ủng hộ việc phân làm hai loại: Đại học nghiên cứu và đại học ứng dụng.
Thứ hạng thế giới phải là đương nhiên ta có
Theo bà, Đại học cần được xếp hạng như thế nào?
Bà Vũ Thị Phương Anh: Ở các nước trên thế giới, xếp hạng là việc của các tổ chức nghiên cứu về giáo dục đại học, hoặc của giới truyền thông. Nếu việc xếp hạng do các tổ chức nghiên cứu thực hiện thì đối tượng phục vụ của việc xếp hạng chính là các nhà nghiên cứu.
Do vậy, số liệu thường chính xác hơn, sự diễn giải cũng thường thận trọng hơn, và kết quả xếp hạng thường đáng tin cậy hơn. Còn nếu đó là do các tổ chức truyền thông thực hiện thì có thể thiếu sự chính xác và thận trọng của các tổ chức nghiên cứu, do đối tượng phục vụ cũng chỉ là bạn đọc của các tờ báo phổ thông. Xếp hạng kiểu này chủ yếu là cung cấp thông tin nhanh cho bạn đọc có thêm thông tin khi chọn trường hoặc chương trình học mà thôi.
Việc xếp hạng các trường đại học có ảnh hưởng gì tới thứ hạng của các trường đại học Việt Nam so với thế giới?
Bà Vũ Thị Phương Anh: Tôi không ủng hộ việc lấy thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế làm mục tiêu phấn đấu và xây dựng kế hoạch hoạt động của một trường. Ngược lại, các trường cần lấy việc phục vụ mục tiêu phát triển đất nước và đào tạo nhân lực phục vụ xã hội làm mục tiêu phấn đấu, và cố gắng ngày càng làm tốt hơn những mục tiêu này.
Hiệu trưởng đại học trẻ nhất Việt Nam muốn đi thẳng lên tầm thế giới
(GDVN) - Cộng đồng kinh tế Asean chính thức hình thành vào năm 2015, Giáo dục Việt Nam cần có sự chuẩn bị để đối mặt với thách thức và tìm kiếm những cơ
Thứ hạng trên bản đồ đại học thế giới chỉ nên xem là cái chúng ta đương nhiên có được sau khi chúng ta làm thật tốt, chứ không nên xem là mục tiêu và cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo mục tiêu này cho bằng được. Nếu bây giờ chúng ta chưa có trong bảng xếp hạng nào thì điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta còn thua nhiều trường, nhiều nước khác, vậy cần phải phấn đấu hơn nữa, chứ không phải cần làm mọi cách để lọt vào các bảng xếp hạng đó.
Theo bà, việc xếp hạng có trở nên quan trọng hay không khi giáo dục Đại học Việt Nam cơ bản về chất vẫn chưa chuyển mình so với quốc tế?
Bà Vũ Thị Phương Anh: Tôi ủng hộ việc báo chí hoặc các tổ chức nghiên cứu độc lập với Bộ Giáo dục thực hiện xếp hạng để có thêm thông tin cho người tiêu dùng giáo dục, đồng thời có sự giám sát của thị trường đối với các trường. Nhà nước cũng có thể tham khảo thông tin về thứ hạng của các trường từ các tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên nhà nước không cần và không nên đứng ra xếp hạng, vì sẽ dễ gây ra sự méo mó về số liệu nếu các trường đối phó bằng cách đưa ra số liệu không đúng hoặc thậm chí có sự tiêu cực để có thứ hạng cao.
Trân trọng cảm ơn bà.