LTS: Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, kết quả với rất nhiều điểm 10 đã khiến không ít người đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục thực tế.
Nhóm tác giả Việt Cường gửi đến bạn đọc bày tỏ quan điểm về việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học.
Ngoài ra, nhóm tác giả cũng cho rằng trong điều kiện xã hội đổi mới, chúng ta không nên để chế độ cộng điểm ưu tiên quá nhiều để phù hợp hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong bài báo "Có nên vui mừng với kết quả kỳ thi năm nay?" của Xuân Dương đăng trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam số ra ngày 10/7/2017, tác giả đã chỉ ra những lo ngại rất đáng suy ngẫm về chất lượng giáo dục phổ thông, đặc biệt là chất lượng kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2017.
Thứ nhất, có một đột biến thần kỳ về chất lượng giáo dục phổ thông từ năm 2007 đến năm 2017.
Năm 2007, khi ông Nguyễn Thiện Nhân đang làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện kỳ thi “hai không”, đặc biệt là “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục” thì kết quả thi tốt nghiệp đã làm cho cả nước choáng váng.
Nhiều dân biểu và các cơ quan quản lý Nhà nước phải đau đầu vì có tới 12/63 tỉnh thành tỷ lệ tốt nghiệp đạt dưới 50%, trong đó các tỉnh miền núi có tỷ lệ thấp nhất: Cao Bằng là 27,89%, Yên Bái là 27,11%, Bắc Kạn là 20,6%, thấp tận đáy là Tuyên Quang 14,1%.
Sang năm 2008, bằng rất nhiều biện pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ tốt nghiệp đã được cải thiện đáng kể, chỉ còn 2/63 địa phương đạt dưới 50% là Bắc Kạn và Cao Bằng.
Những năm tiếp theo: 2009, 2010, 2011… đến nay, tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông cả nước dần trở lại ổn định, ở mức 90%.
Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2017 cao chót vót khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục. (Ảnh minh hoạ: Thuỳ Linh) |
Tất nhiên, sự ổn định tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông này xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân trong và ngoài ngành giáo dục, đặc biệt là sức ép khủng khiếp từ dư luận xã hội về quyền được tốt nghiệp của học sinh đã học hết trung học phổ thông.
Điều đó dẫn đến những tranh luận gay gắt, rộng rãi và triền miên trong dư luận về việc nên bỏ kỳ thi này hay tiếp tục? Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như thế nào?
Sức ép đó khiến cho Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung toàn lực vào đổi mới thi cử, năm nào cũng có những chỉ đạo thay đổi, chỉnh sửa, năm sau khác năm trước, dần dần dẫn tới kỳ thi “hai trong một” như hiện nay với hệ thống các môn học đều thi trắc nghiệm (trừ môn Văn).
Xét ở cấp độ giáo dục phổ thông, quá trình đổi mới này khá phù hợp và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu xã hội, chứng tỏ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành công.
Tuy nhiên, nhìn vào số lượng thí sinh tốt nghiệp loại giỏi của hai kỳ thi 2007 và 2017, tất cả những ai quan tâm tới giáo dục đều phải giật mình vì sự chênh lệch khủng khiếp ở cực thấp và cực cao của hai kỳ thi này.
Năm 2017 có tới 4.250 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối các môn thi, tăng gấp 10 lần so với năm 2015 và gấp hơn 60 lần so với năm 2016.
Rơi lệ vì 29 – 30 điểm vẫn trượt đại học |
Nếu tính cả điểm 10 đã được làm tròn thì còn thêm một vài nghìn em nữa.
So sánh với số lượng điểm 10 và số học sinh giỏi năm 2007 thì năm 2017 cao gấp cả trăm lần.
Xét về sự phát triển bình thường của chất lượng giáo dục, sự tăng trưởng từ 2007 đến 2017 quả là một đột biến thần kỳ, có người bảo là nằm ngoài quy luật khách quan.
Thậm chí, còn cực đoan cho rằng đó là sự đột biến duy ý chí, thiếu cơ sở khoa học, xuất phát từ những nguyên nhân ngoài giáo dục.
Trong khi từ 2007 đến giờ, sách giáo khoa phổ thông vẫn chưa thay đổi, các thầy cô vẫn giảng dạy theo phương pháp cũ, các hình thức tổ chức giáo dục cơ bản vẫn thế…
Sự đột biến này liệu có làm cho những người hoạch định chiến lược phát triển giáo dục quốc gia phải suy ngẫm, băn khoăn và trăn trở gì không?
Thứ hai, nhìn vào bảng điểm chuẩn đã công bố công khai của các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học tốp đầu năm nay, chúng tôi không khỏi lo lắng và day dứt.
Các trường Công an, Quân đội và một số các trường khác như: Đại học Y, Đại học Ngoại thương… đều có điểm chuẩn cao nhất trong lịch sử.
Điều này dễ hiểu vì các trường Công an và Quân đội được Nhà nước ưu tiên đào tạo, quá trình học tập được bao cấp hoàn toàn, ra trường được bố trí công tác ngay, gia đình gần như không phải lo lắng điều gì thêm…
Có nên cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học? |
Tốt nghiệp các trường này, nhận quân hàm thiếu uý, hệ số lương là 4,20, cộng thêm các phụ cấp, tổng thu nhập khoảng 6 đến 7 triệu đồng, hoàn toàn đủ sống theo mức sống trung bình của người dân hôm nay.
Trong khi đó, tốt nghiệp Đại học Sư phạm loại giỏi, ra trường được tuyển dụng làm viên chức giáo dục ngay, hệ số lương chỉ là 2,34, cộng thêm các phụ cấp, thu nhập khoảng 3 đến 3,5 triệu đồng mỗi tháng, vẫn sống một cách chật vật.
Do đó, những học sinh học giỏi hoặc nhà nghèo luôn mơ ước được vào các trường này để bớt gánh nặng cho gia đình và sớm ổn định nghề nghiệp cũng như cuộc sống.
Còn các trường khác như Đại học Y khoa, Đại học Ngoại thương thì lại đang đáp ứng tốt nhất thị trường lao động của xã hội. Ra trường, rất dễ kiếm việc làm mà thường là những nghề nghiệp dễ kiếm tiền, lương bổng khá cao.
Bởi thế, số lượng học sinh điểm cao đăng ký vào nhóm trường này là nhiều nhất. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh có hạn, dẫn tới điểm chuẩn cao ngất ngưởng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, một thực tại đau lòng là: số lượng học sinh Khu vực 3 được vào các trường này rất thấp. Khu vực 3 không được cộng điểm ưu tiên, nhiều em đạt 30 điểm mà vẫn trượt.
Trong bài báo “29.25 điểm vẫn trượt, vì sao?” đăng trên báo Dân trí số ra ngày 1/8/2017, một lãnh đạo Đại học Y Hà Nội thừa nhận:
“Hàng năm, phần lớn những thí sinh trúng tuyển vào trường nhất là ngành Y Đa khoa đều là những học sinh được cộng điểm ưu tiên. Số thí sinh thuộc Khu vực 3 rất ít. Nhưng trường không thể làm khác vì đó là quy chế từ xưa đến nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Điều này đã tạo ra một sự bất công, bất bình đẳng trong giáo dục ở các địa phương.
Thử nghĩ, cứ như thế này thì vài năm tới, cán bộ công an, quân đội, bác sỹ… đều là người ở các địa phương có điểm ưu tiên; còn con em ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố lớn ở đồng bằng - những nơi có tiếng là đất học, chất lượng giáo dục cao nhất, hầu hết đều phải đi học ngành khác, làm nghề khác để mưu sinh… liệu có đáng để chúng ta trăn trở và suy ngẫm?
Bên cạnh sự bất công, bất bình đẳng này, ngành giáo dục đại học ở Việt Nam còn mất đi một lượng lớn tài năng trẻ có thực học, thực tài, có khát vọng nghề nghiệp chân chính từ các học sinh Khu vực 3, khu vực thành thị và các vùng có trình độ phát triển cao.
Có nên vui mừng với kết quả kỳ thi năm nay? |
Rất nhiều em xứng đáng là sỹ quan công an, quân đội; là bác sỹ đa khoa, chuyên khoa giỏi, có thể có những cống hiến xuất sắc cho ngành nghề mình mơ ước, nhưng xét tuyển kiểu này thì đành chỉ biết ngậm ngùi vô vọng mà thôi!
Bạn tôi là bác sỹ - phó giáo sư ở Đại học Y Hà Nội, bố anh là bác sỹ giỏi từ thời Pháp, ông nội và cụ nội là những thầy thuốc nổi tiếng vùng Kinh Bắc ngày xưa, vợ anh cũng là bác sỹ chuyên khoa cấp II.
Con gái anh từ nhỏ đã yêu nghề y, thường xuyên giúp đỡ ông nội và bố mẹ khám chữa bệnh tại nhà.
Cháu học hành nghiêm túc và chăm chỉ, từ nhỏ đã ước mơ được nối nghiệp cha ông, khi cháu thi được 28,5 điểm, anh báo tin vui cho tôi. Cả gia đình tôi đều phấn khởi, chúc mừng anh chị.
Nhưng đến khi Đại học Y Hà Nội thông báo điểm chuẩn, tất cả sững sờ… Bạn tôi bảo: “Thi cử thế này thì chết!”.
Thứ ba, từ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay, từ điểm chuẩn cao ngất ngưởng của các trường đại học học tốp đầu năm nay, cần phải nghiêm túc và nhanh chóng xem xét lại chất lượng giáo dục phổ thông, cách thức thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.
Tác giả Xuân Dương đã có ý kiến vô cùng xác đáng rằng: “Nếu các chuyên gia đều thống nhất nhận định kết quả thi 2007 phản ánh đúng thực chất thì những người lạc quan nhất cũng không dám khẳng định con số 4.250 thí sinh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi 2017 là đúng thực trạng” (tài liệu đã dẫn).
Chắc chắn, việc quyết định thi trắc nghiệm tất cả các môn, cùng với việc xây dựng hệ thống câu hỏi cho các bộ đề thi cần phải xem xét, chỉnh sửa, cải tiến lại, hạn chế thấp nhất tình trạng “ăn may” của học sinh.
Nhìn lại 2 kỳ thi lớn của ngành giáo dục trong năm qua |
Hệ thống câu hỏi phân loại trình độ cần phải rõ ràng và chặt chẽ hơn để đánh giá đúng và phân loại chính xác học sinh giỏi - khá - trung bình - yếu.
Đặc biệt, cần tổng kết, đánh giá, rà soát toàn diện việc coi thi và chấm thi ở các địa phương.
Đã có dư luận về việc coi thi không nghiêm túc ở nơi này nơi khác. Cũng đã có dư luận về việc giám thị chỉ cho học sinh đáp án, mà chuyện chỉ đáp án trong khi thi trắc nghiệm còn dễ hơn ăn kẹo.
Khâu chấm thi cũng cần tổ chức thật chặt chẽ, nghiêm minh, cần phải có những phương tiện giám sát hiện đại để tránh những vụ việc tiêu cực trong khi chấm.
Không biết trong đợt chấm thi vừa qua có bao nhiêu tỉnh thành trên 63 tỉnh có camera theo dõi và giám sát việc chấm thi?
Việc giao cho các địa phương chấm, rải đều ở 63 tỉnh thành trong một thời gian ngắn là một việc rất khó kiểm soát.
Có địa phương làm cực kỳ nghiêm túc, nhưng cũng có địa phương dễ dãi, để cho những việc tiêu cực xảy ra ngay trong khi tổ chức chấm.
Ấy là còn chưa kể đến việc những người trong hội đồng chấm thi phải chịu sức ép từ nhiều phía như: lãnh đạo địa phương, gia đình, thân hữu, thậm chí cả tiền bạc….
Điều đó khiến cho không ít bài thi trắc nghiệm đã được tích lại, tích thêm, trở thành hoàn hảo, điểm gần như tuyệt đối.
Cũng không ai dám chắc có hay không những chiêu trò ma quỷ mà người ta có thể thực hiện dễ dàng trong các phòng chấm thi trắc nghiệm.
Thầy Đỗ Tấn Ngọc: Điểm ưu tiên, điểm cộng, điểm khuyến khích là hợp lý |
Đã xuất hiện những trường hợp học vấn tầm thường, không thuộc loại giỏi, chăm chỉ trong lớp nhưng điểm thi vẫn cao nhất lớp, thậm chí thuộc tốp đầu của tỉnh.
Năm 2016, khi đưa các bài thi tốt nghiệp phổ thông về chấm ở các trường đại học, chúng tôi đã có bài viết cảnh báo về một số trường đại học địa phương lần đầu tiên được chấm thi đại học có kết quả thi cao hơn nhiều những trường đại học có bề dày truyền thống.
Điều này khiến cho một số tỉnh miền núi phía bắc, nơi vốn được coi là có chất lượng giáo dục thấp hơn các tỉnh đồng bằng, lại có số lượng học sinh giỏi vượt trội và trúng tuyển các trường Công an, Quân đội cao một cách bất ngờ, hơn nhiều lần các tỉnh miền xuôi.
Không hiểu các trường tốp đầu đã bao giờ thống kê số lượng và tỷ lệ sinh viên trúng tuyển vào trường mình ở các địa phương khác nhau chưa?
Nếu thống kê đầy đủ, so sánh tỷ lệ từng tỉnh từ 2017 với 2016, 2015, 2014… có lẽ thấy ngay cái được và cái mất của kỳ thi “hai trong một” này.
Chúng tôi cũng mong muốn các trường tốp đầu cần có cách thức, chương trình tuyển sinh của riêng mình thì mới mong muốn tuyển chọn được những nhân tài đích thực để nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của nhà trường.
Nếu chỉ căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp như năm nay để xây dựng điểm chuẩn thì chắc chắn các trường sẽ không tránh khỏi tình trạng tuyển nhầm, tuyển sai, bỏ sót nhân tài.
Hôm 1/8/2017, bà Vũ Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học trả lời báo Vietnamnet rằng: “Nếu ai đã từng hoặc gia đình nào có con em đi du học Mĩ, Anh … thì thấy rất rõ điểm thi chỉ là một trong nhiều tiêu chí để tuyển sinh” (bài: "Điểm chuẩn cao kỷ lục, Bộ Giáo dục nói gì?").
Đấy là việc ở Mĩ, ở Anh; còn ở Việt Nam đối với các trường đại học năm 2017, lấy đâu ra tiêu chí nào khác để xét tuyển ngoài tiêu chí điểm thi tốt nghiệp?
Cuối cùng, cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại điểm ưu tiên giữa các khu vực.
Hệ thống điểm ưu tiên này đã quá cũ, tồn tại đã quá lâu; học sinh Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chẳng được cộng điểm nào trong khi học sinh dân tộc thiểu số miền núi thì được cộng tới 3,5 điểm.
Miền núi cũng có nhiều loại, có miền núi như huyện Cao Lộc, Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn; Đồng Hỷ, Đại Từ tỉnh Thái Nguyên; Bắc Quang, Vị Xuyên tỉnh Hà Giang… có khi cơ sở kinh tế văn hoá xã hội còn hơn hẳn một số huyện ở đồng bằng Bắc Bộ.
Sự chênh lệch vùng miền trong khoảng 30 năm sau đổi mới đã rất khác, vậy mà điểm ưu tiên vẫn giữ nguyên.
Đây là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhưng giữ nguyên cách tính điểm ưu tiên này trong nhiều năm thì lại là một sự trì trệ của ngành giáo dục Việt Nam.