Bất thường trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại Bình Thuận?

12/12/2018 06:50
Thuận Phương
(GDVN) - Điều bất ngờ, dù tiết dạy thành công từ thực tế của cô giáo lại không được Hội đồng chấm sáng kiến tại Bình Thuận đánh giá đạt dù ở mức điểm thấp nhất.

LTS: Cho rằng, có điều gì không ổn trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại “Hội thi giáo viên dạy giỏi” cấp tỉnh tại Bình Thuận, tác giả Thuận Phương đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có lẽ đây là lần đầu tiên và cô cũng là người duy nhất làm đơn phúc khảo kết quả chấm sáng kiến kinh nghiệm “Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh” tại Bình Thuận năm học 2018-2019.

Đó là cô giáo Phan Thị Tuyết giáo viên Trường tiểu học Tân An 1, thị xã La Gi cho sáng kiến “Tạo hứng thú cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa trong tiết kể chuyện lớp 2”.

Được biết, nhận kết quả chấm không đạt, cô Tuyết khá bức xúc bởi “sáng kiến được trình bày bằng kinh nghiệm giảng dạy từ thực tế và đang áp dụng giảng dạy hàng tuần khá hiệu quả nhưng không được công nhận”.

Bất thường trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại Bình Thuận? ảnh 1Vòng quay kì diệu của một Sáng kiến kinh nghiệm ở ngành giáo dục

Trước đó, những tiết kể chuyện của học sinh lớp 2 theo yêu cầu giảng dạy của chương trình hiện hành cũng như VNEN học sinh học không hiệu quả.

Cả lớp chỉ có vài em có thể kể chuyện nhưng phần lớn là đọc thuộc lòng như kiểu trả bài.

Những học sinh khác không thuộc truyện, cũng không biết cách kể dù giáo viên đã có nhiều câu hỏi gợi mở. Tiết học kể chuyện vì thế khá buồn tẻ và áp lực cho cả thầy và trò.

Từ thực tế đó, chính cô giáo đã thay đổi hình thức dạy học được trình bày trong sách VNEN bằng hình thức dạy học mới hấp dẫn với nhu cầu và thị hiếu của học sinh.

Đó là việc cho các em hóa trang (ở mức đơn giản nhất) thành nhân vật trong câu chuyện kể. Dựa vào khả năng của từng học sinh trong nhóm để hướng dẫn cách phân vai cho phù hợp.

Với cách dạy này, giáo viên đã huy động hết tất cả học sinh của lớp ngay cả những em yếu, nhút nhát cũng tham gia diễn một cách hào hứng.

Thế là mỗi tuần học sinh của lớp luôn hứng khởi, chờ đợi đến tiết kể chuyện để được học. Và như thế, tiết dạy đã thành công.

Điều bất ngờ, dù tiết dạy thành công từ thực tế của cô giáo lại không được Hội đồng chấm sáng kiến đánh giá đạt dù ở mức điểm thấp nhất.

Lý do họ không công nhận được nêu ra trong văn bản trả lời số: 2593/SGD&ĐT-MN&TH v/v thông báo kết quả đánh giá sáng kiến kinh nghiệm dự thi giáo viên dạy giỏi sau phúc khảo do bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận kí:

“Tác giả nêu được những ưu điểm của đề tài và xem đây là nội dung mới để thực hiện trong quá trình dạy ở lớp mình.

Tuy nhiên, các giải pháp trình bày còn đơn điệu, chưa sâu, kĩ. Các nội dung áp dụng thực tế tại lớp chưa thật phù hợp với thực tế học sinh.

Bất thường trong việc chấm sáng kiến kinh nghiệm tại Bình Thuận? ảnh 2Thông tư còn đó, địa phương nào dám bỏ viết sáng kiến kinh nghiệm?

Giáo viên, học sinh mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị các tiết bài mới (phục trang, đạo cụ hóa trang, tình huống...) nên khó áp dụng.

Trước biểu diễn, giáo viên dành 10-15 phút cho các nhóm chuẩn bị, tất cả các nhóm cùng diễn phần chuẩn bị và tập luyện là chưa hợp lý, chưa mang tính khả thi cao”.

Nhận được văn bản trả lời, cô Tuyết cho biết: “tôi ngờ rằng người chấm đề tài của tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong dạy kể chuyện.

Trước giờ biểu diễn học sinh có 10-15 phút chuẩn bị khớp lời mà các em đã chuẩn bị ở nhà chính là việc các em đang hợp tác nhóm.

Điều này là bình thường có gì là chưa hợp lý? Chưa mang tính khả thi cao?

Việc giám khảo nhận xét: “Các nội dung áp dụng thực tế tại lớp chưa thật phù hợp với thực tế học sinh. Giáo viên, học sinh mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị các tiết bài mới (phục trang, đạo cụ hóa trang, tình huống...) nên khó áp dụng”.

Việc này tự giáo viên chuẩn bị trước ở nhà và mang lên cho các em thay vào có gì là khó áp dụng? Và thực tế, giáo viên vẫn đang áp dụng thành công trong các tiết dạy của mình.

Vậy căn cứ vào đâu để Ban giám khảo khẳng định rằng “chưa thật phù hợp với thực tế học sinh? Rằng khó áp dụng, không khả thi?”.

Muốn khẳng định điều này không thể phỏng đoán mà phải trải nghiệm bằng việc dự giờ thực tế trên lớp mới có được.

Rất tự tin, cô Tuyết cho rằng: “mình cần đối chất với Ban giám khảo và dự giờ ngay tiết kể chuyện (không báo trước) xem có khác xa với tiết dạy được đề xuất trong sách hướng dẫn học tập VNEN hay không rồi hãy kết luận cũng chưa muộn. 

Nếu người chấm sáng kiến kinh nghiệm là người đang trực tiếp giảng dạy ở trường thì chắc chắn sẽ chẳng có những nhận xét mơ hồ như thế.

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh tại tỉnh Bình Thuận năm học 2018-2019 có 468 sáng kiến kinh nghiệm được nộp dự thi. Kết quả chấm đã có 391/468 sáng kiến đạt (rớt 77 sáng kiến).

Điểm số và tên của một số sáng kiến kinh nghiệm dự thi (Ảnh: tác giả cung cấp).
Điểm số và tên của một số sáng kiến kinh nghiệm dự thi (Ảnh: tác giả cung cấp).

Số điểm được thống kê như sau: 12 sáng kiến đạt điểm 9; 187 sáng kiến đạt điểm 8; 13 sáng kiến đạt điểm 7 và 179 sáng kiến đạt điểm 6.

Nhìn vào bảng cho điểm chỉ có 25 sáng kiến điểm 9 và điểm 7 còn tới 366 sáng kiến đạt điểm 8 và điểm 6, đặc biệt không có sáng kiến nào có điểm lẻ. Số điểm bằng như nhau chẳng khác nào một vết cắt đều tăm tắp.

Cứ 4 năm tỉnh Bình Thuận lại tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh một lần và như thế có đến vài ngàn sáng kiến kinh nghiệm đạt nhưng gần như rất hiếm hoi sáng kiến kinh nghiệm đạt giải được công bố rộng rãi để giáo viên học hỏi, áp dụng vào giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Khi sáng kiến “Tạo hứng thú cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa trong tiết kể chuyện lớp 2” bị rớt, tác giả nói rằng mình bị rớt vì can tội dám sửa cách dạy trong sách giáo khoa VNEN.

Nếu cứ cắt dán, copy trên mạng như cách mà nhiều giáo viên hiện nay vẫn làm cho việc viết sáng kiến có lẽ sáng kiến kinh nghiệm ấy đã đậu rồi.

Thuận Phương