Ai sẽ đổi mới giáo dục?

21/08/2015 07:38
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu
(GDVN) - Chỉ có cải cách giáo dục, giải phóng tư duy thì mới có cơ hội rút ngắn được khoảng cách với các nước.

LTS: Đổi mới giáo dục là vấn đề rất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng. Trong phạm vi bài viết này, Tiến sỹ Toán học Nguyễn Ngọc Chu từng công tác tại Hội Toán Học Việt Nam mạnh dạn đề cập đến một số khía cạnh của đổi mới giáo dục. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Chúng tôi giới hạn bởi 4 vấn đề sau: 

1. Ai sẽ đổi mới giáo dục
2. Đổi mới giáo dục phải đi trước một bước
3. Cổ phần hóa và phi lợi nhuận hóa giáo dục
4. Công bằng giáo dục


Chúng tôi xin trình bày ngắn gọn và sẽ không đưa ra những kiến giải lý luận chi tiết.

1. Ai sẽ đổi mới giáo dục

Vấn đề viết lại sách giáo khoa và gói 34.000 tỷ đã gây ra nhiều bàn luận trong thời gian qua. 

Cuối cùng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rút lại đề xuất gói 34.000 tỷ, đồng thời xem xét lại vấn đề sách giáo khoa và các vấn đề khác của đổi mới giáo dục. 

Tại sao một vấn đề quan trọng đến thế lại có những sai sót sơ đẳng như vậy? Và liệu rồi đề xuất mới có tránh được sai lầm nữa hay không?

Câu trả lời rất rõ, nếu cứ tiếp tục cách làm như hiện nay thì dứt khoát không tránh được sai lầm. Muốn tránh không lặp lại các sai lầm đã mắc, thì trước khi tiến hành đổi mới giáo dục phải trả lờì câu hỏi: Ai sẽ đổi mới giáo dục? 

Phải khẳng định dứt khoát rằng đổi mới (hay cải cách, hay cách mạng) giáo dục là vấn đề của Quốc gia chứ không phải là vấn đề riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế Quốc gia phải là người chủ đứng ra đổi mới giáo dục. 

Trong phân cấp chức năng của nước ta hiện nay, thì ngay đến Chính phủ cũng không phải là người chủ chính thức hoàn chỉnh của cải cách giáo dục vì còn Ban Khoa giáo Trung ương của Trung ương Đảng và Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội. 

Bản thân Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là một đối tượng của đổi mới giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo là một thành phần rất quan trọng, nhưng vẫn chỉ là một tập con trong hệ thống giáo dục quốc gia. 

Ai sẽ đổi mới giáo dục? ảnh 1
Ai sẽ đổi mới giáo dục? (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tiến hành nhiều cải cách trong phạm vi của Bộ nhưng không phải là tất cả của hệ thống giáo dục quốc gia; Vị trí chỗ đứng của Bộ sẽ giới hạn tầm và phạm vi của đổi mới giáo dục .                

Bởi vậy cần thành lập một cơ quan độc lập để cải cách giáo dục, chẳng hạn là Ủy Ban quốc gia về cải cách giáo dục. Như đã lưu ý ở trên, Ủy Ban quốc gia về cải cách giáo dục cũng có thể không hoàn toàn trực thuộc Chính phủ.

Nếu cứ tiếp tục cách làm hiện nay thì con đường giáo dục của nước ta còn quanh co và còn gặp nhiều sai lầm nghiêm trọng. 

Bài học của gói 34.000 tỷ cho thấy Bộ Giáo Dục và Đào tạo chỉ dựa vào Ban tham mưu của Bộ, chưa huy động được trí tuệ ngay từ các trường là thành viên của Bộ, không nói đến các cơ quan ngoài Bộ như Viện Hàn lâm Khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, hay trí thức người Việt đang ở nước ngoài. 

Giáo dục là vấn đề rất hệ trọng của quốc gia. Vấn đề cải cách giáo dục cần phải được nghiên cứu một cách rất cẩn trọng bởi tinh hoa trí tuệ của dân tộc, không chỉ riêng trong ngành giáo dục. 

2. Đổi mới giáo dục phải đi trước một bước


Từ sau Đại hội VI nước ta đã bắt đầu khởi động cho một tiến trình đổi mới. Nền kinh tế đã và đang chuyển dần sang hướng thị trường. Gần đây Chính phủ kêu gọi tiến hành mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa. 

Thậm chí đến mức ai cản trở cổ phần hóa thì phải gạt sang một bên. Cổ phần hóa là một tiến trình cần thiết giúp nền kinh tế đi lên. Nhưng cổ phần hóa vội vã bằng mọi cách để đạt tiến độ theo kế hoạch thời gian thì sẽ gây tác hại khôn lường. Tác hại nghiêm trọng đầu tiên là tạo ra sự bất bình đẳng to lớn trong sở hữu.

Chúng ta đã quốc hữu hóa tất cả, kể cả đất đai. Biến tất cả thành sở hữu toàn dân, với một mong muốn là đưa lại công bằng cho tất cả. Nay chúng ta đang từng bước cổ phần hóa, tức là đi ngược lại tiến trình mà trước đây chúng ta từng làm. 

Nếu không sáng suốt, lại hấp tấp, chúng ta sẽ tạo ra một sự bất công lớn, lấy của toàn dân để chia cho một số ít, đi ngược lại điều chúng ta mong muốn. Tách rồi nhập, hợp rồi tan đều là những hiện tượng thông thường. 

Điều quan trọng là phải thuận theo lẽ tự nhiên. Mọi sự gò bó ép buộc cuối cùng đều bị phá vỡ.

Nói đến cổ phần hóa trong tiến trình đổi mới kinh tế để đề cập đến vấn đề đổi mới trong giáo dục và ngược lại. Nếu nhìn sâu hơn, thì đổi mới giáo dục phải đi trước một bước. 

Kết quả của đổi mới giáo dục có tác động quan trọng không chỉ đối với nền kinh tế quốc dân mà còn đối với toàn thể xã hội. Đổi mới giáo dục tác động trực tiếp đến đổi mới kiến thức và nhận thức của con người – nhân tố quan trọng nhất của mọi sự đổi mới.

Bởi vậy, cần phải đẩy mạnh đổi mới giáo dục, không chỉ để bắt kịp, mà phải tiến trước hơn so với các lĩnh vực khác

Nói một cách chính xác, đổi mới giáo dục phải đi trước một bước.
Từ khi chúng ta bắt đầu chính sách đổi mới sau Đại hội VI, chúng ta chưa bao giờ đề cập đến vấn đề rất then chốt này.

Nếu đã xác định đổi mới giáo dục phải đi trước một bước như một định hướng chiến lược, thì cấp có thẩm quyền cao nhất phải có những quyết sách thích hợp, mạnh mẽ và khẩn trương.

3. Cổ phần hóa và phi lợi nhuận hóa giáo dục

Các trường dân lập và tư thục xuất hiện trong suốt hơn 20 năm qua đã hình thành nên hệ thống trường ngoài công lập - một cấu thành “tư nhân ”của nền giáo dục nước nhà. 

Việc hình thành những thành tố ‘tư nhân” trong ngành giáo dục là hệ quả hiển nhiên của chính sách đổi mới. Thế nhưng trong suốt thời gian đổi mới vừa qua, chúng ta chưa đề cập đến một khuynh hướng cần thiết khác. Đó là cổ phần hóa một phần các trường đại học công lập.

Chúng ta hiện sẽ chưa đề cập đến vấn đề cổ phần hóa trường đại học nào, cổ phần hóa bao nhiêu trường, và cổ phần hóa như thế nào. Nhưng rõ ràng cổ phần hóa các trường đại học công lập sẽ mang lại nhiều lợi ích. Xin nêu vài điểm chính: 

1. Lợi ích đầu tiên có được nhờ cổ phần hóa chính là hiệu quả quản lý và cải thiện chất lượng giáo dục. 

Bởi vì khi cổ phần hóa, các trói buộc phi lý trước đó về quản lý nhà trường sẽ được phá bỏ, các trường có được nhiều quyền tự chủ hơn, chính quyền tự chủ sẽ giúp cho các trường quản lý hiệu quả hơn về mọi mặt, trong đó quan trọng nhất là cải thiện chất lượng đào tạo. 

Chất lượng đào tạo là tiêu chí số một mà tất cả các trường đại học phải quan tâm nếu muốn tồn tại lâu dài, và hơn nữa. muốn trở thành một trường đại học danh tiếng.

2. Lợi ích tiếp theo của cổ phần hóa giáo dục là góp phần dỡ bỏ gánh nặng về tài chính cho ngân sách. Khi cổ phần hóa thì việc tìm kiếm nguồn tài chính đảm bảo sự hoạt động sẽ thuộc về nhiệm vụ của nhà trường.

3. Cổ phần hóa sẽ trực tiếp góp phần xóa bỏ sự không công bằng trong giáo dục. Tỷ trọng các nguồn tài chính bao cấp từ ngân sách sẽ giảm đi, tạo nên sự sòng phẳng đua tranh  cho các thành phần giáo dục.

Ai sẽ đổi mới giáo dục? ảnh 2

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Trồng người" thì không có chỗ để làm lại

(GDVN) - Trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam tối qua (27/2), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có đôi lời chia sẻ với khán giả cả nước.

Như đã lưy ý ở trên, chúng ta chưa bàn đến vấn đề cổ phần hóa như thế nào. Nhưng để tránh hiểu lầm, phải định hướng ngay một số tiêu chí  xuyên suốt cho quá trình cổ phần hóa các trường đại học công lập.

1. Khác với cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh tế, phi lợi nhuận là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cổ phần hóa  các trường đại học công lập.

2. Cổ phần hóa các trường đại học công lập không nhất thiết phải đi theo con đường phân chia sở hữu tài sản, mà bằng cách cắt giảm nguồn kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước, để các trường tự chủ tạo nguồn kinh phí hoạt động và quản lý nguồn kinh phí tự có theo nguyên tắc phi lợi nhuận.

Từ các điểm nêu trên, có thể thấy rằng, vấn đề cổ phần hóa theo hướng phi lợi nhuận một bộ phận các trường đại học công lập phải là đối tượng của đổi mới giáo dục. 

4. Công bằng giáo dục 

Ở nước ta hiện nay, mặc dù chúng ta nói đến bình đẳng của các thành phần kinh tế, nhưng trên thực tế vẫn có sự đối xử không công bằng giữa thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân, bất chấp kinh tế tư nhân là một cấu thành của nền kinh tế quốc dân và có đóng góp rất đáng kể cho tăng trưởng kinh tế nước nhà. 

Sự đối xử phân biệt đến nỗi tác động lên cả thái độ của chúng ta trong hợp tác kinh tế quốc tế. Dẫn đến điều nghịch lý là chúng ta coi trọng (nhiều khi quá mức) các công ty nước ngoài,  mà các công ty này đều là các công ty tư nhân, nhưng chúng ta lại không coi trọng các công ty tư nhân trong nước. Tự mình “không coi trọng mình” thì không thể trách ai được.

Trong giáo dục, cũng không tránh khỏi được số phận chung, là có sự đối xử phân biệt giữa các thành phần giáo dục, cụ thể là giữa các trường công lập và trường tư thục. 

Bởi vậy, vấn đề công bằng giáo dục phải là một trong những mục tiêu quan trọng của tiến trình cải cách giáo dục. Việc cải thiện sự công bằng cho tất cả các thành phần giáo dục sẽ nâng cao hiệu quả cạnh tranh, và như vậy sẽ góp phần giúp cho đổi mới giáo dục đạt được hiệu quả. 

Thời gian vừa qua chúng ta đã nói nhiều đến các khó khăn của các trường đại học tư. Nhất là về chất lượng đào tạo và vấn đề tuyển sinh. Tất cả là do các bất lợi của các trường đại học tư  trước các trường đại học công. 

Có thể nêu ra mấy thất thế chính sau đây của các trường tư so với các trường công: 1. Địa điểm; 2. Cơ sở vật chất ; 3. Học phí; 4. Thương hiệu. Các bất lợi của các trường tư trước các trường công phản ánh sự không bình đẳng trong giáo dục.

Chúng ta đã quen với việc Chính phủ bơm tiền để cứu trợ hay để thúc đẩy sự phát triển của một lĩnh vực nào đó trong nền kinh tế quốc dân. 

Chẳng hạn như gói giải cứu bất động sản 30.000 tỷ hay dự kiến gói mua nợ xấu 100.000 tỷ. Câu hỏi hiển nhiên là tại sao Chính phủ lại không có gói “Hỗ trợ công bằng giáo dục” để xóa bỏ phần nào sự bất lợi của các trường tư trước các trường công, hậu quả của sự không công bằng trong giáo dục.

Và như trên đã đề cập, xóa bỏ bất bình đẳng các thành phần giáo dục là một mục tiêu quan trọng của đổi mới giáo dục.

Đối với nhiều doanh nghiệp, vị trí “đắc địa” là nhân tố rất quan trọng ảnh hưởng to lớn đến hiệu quả kinh doanh. Riêng các trường đại học mới ra đời, vấn đề địa điểm hầu như là bắt buộc, phải xây dựng ở xa trung tâm thành phố. Do đó, trong số các thất thế còn lại của các trường tư so với các trường công, thì thất thế về cơ sở vật chất là bất lợi lớn nhất mang tính bản lề.

Bởi vậy, chìa khóa số 1 cho việc giúp đỡ các trường tư nâng cao chất lượng giáo dục và có nguồn sinh viên đạt chất lượng yêu cầu, chính là giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất. 

Nếu Nhà nước có gói tài chính không quá lớn, chẳng hạn bước đầu là 10 000 tỷ đồng để cho các trường tư vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian dài cho mục đích xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, thì sẽ giải quyết cơ bản bất lợi lớn nhất của các trường tư. Kéo theo đó sẽ giảm bớt các bất lợi khác.

Có người sẽ hỏi rằng tại sao lại phải cho các trường tư vay ưu đãi? Trước hết phải nói rằng, vay còn tốt hơn cho không. Vì Nhà nước vẫn phải cấp kinh phí không cho các trường công và không phải chỉ 10.000 tỷ đồng. 

Thứ đến, tư hay công đều là “con” của Nhà nước, đều có trách nhiệm giáo dục con em nhân dân, đều góp phần nâng cao dân trí, giúp cho đất nước văn minh hùng mạnh. 

Phát triển các trường ngoài công lập là một mục tiêu quan trọng của đổi mới giáo dục. Nâng cao chất lượng đào tạo các trường tư cũng chính là nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc cho các trường tư vay chỉ là một bước trên con đường công bằng hóa giáo dục. Các trường tư quản lý vốn tốt hơn  và hiệu quả của nó sẽ là một cấp số nhân.

Một câu hỏi hiển nhiên nữa là, Nhà nước rất khó khăn, khắp mọi nơi đều thiếu tiền lấy đâu ra 10 000 tỷ? Thì có thể nói rằng không có vấn đề nào dễ cả. 
Nhưng trong khó khăn vẫn có cách để tạo nên khoản tiền đó từ các nguồn: 1. Ngân sách; 2. ODA;  3. Từ nguồn cấp cho các trường công.

Cần thiết phải lưu ý rằng khi vấn đề  đổi mới giáo dục là cấp thiết thì  phải huy động được những khoản tài chính như vậy. 

Nhất là khi những khoản đầu tư đó nhất định sẽ mang lại hiệu quả. Quyết định phụ thuộc hoàn toàn vào tầm nhìn và bản lĩnh của người thuyển trưởng.
Trong cuộc đua tranh giữa các trường đại học trong nước cũng như trên thế giới, chất lượng đào tạo là mấu chốt số một. Cải cách giáo dục cũng là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. 

Các trường đại học công của Việt Nam với cơ chế hiện nay sẽ rất khó bước vào top 200 các trường đại học hàng đầu thế giới, dẫu có được Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền. Chỉ có cải cách giáo dục, giải phóng tư duy thì mới có cơ hội rút ngắn được khoảng cách với các nước.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu