Chế tài về sai phạm trong dạy thêm, học thêm chưa đưa vào Luật giáo dục

11/05/2019 06:15
AN NGUYÊN
(GDVN) - Việc dạy thêm, học thêm phải được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, thương mại hóa trong giáo dục.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (viết tắt là Thường trực Ủy ban) vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Trong đó, có đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, được gửi đến các Đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Chưa đưa dạy thêm, học thêm vào Luật

Có ý kiến đề nghị quy định về việc dạy thêm, học thêm và có chế tài cụ thể để quản lý dạy thêm, học thêm; Trách nhiệm của nhà giáo trong quản lý học sinh học thêm.

Các thầy cô tại Đà Nẵng kiến nghị về những quy định trong dự thảo luật giáo dục. Ảnh: AN
Các thầy cô tại Đà Nẵng kiến nghị về những quy định trong dự thảo luật giáo dục. Ảnh: AN

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, dạy thêm, học thêm là nhu cầu của một bộ phận người dạy, người học và phụ huynh học sinh nhằm nâng chất lượng học tập.

Tuy nhiên hoạt động này cần được nhìn nhận đúng đắn, phải được quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, thương mại hoá trong giáo dục, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đây là một nội dung chưa được tổng kết, Thường trực Ủy ban ban đề nghị chưa đưa vào Luật việc quản lý dạy thêm, học thêm và chế tài cụ thể đối với hoạt động này,  nên quy định tại các văn bản dưới luật.

Thưa các thầy cô, hay là ta đấu tranh để công nhận dạy thêm là một nghề?

Một số ý kiến đại biểu đề nghị xem lại quy định về việc phong Giáo sư, Phó Giáo sư. Đồng thời, bổ sung phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự.

Về vấn đề này Thường trực Ủy ban nhận thấy, ngày 31/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư;

Thủ tục tục xét, hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.

Đối với việc phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự hiện nay được thực hiện theo quy định tại điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, xin đề nghị giữ như quy định tại dự thảo Luật.

Nên gọi cấp 1 thay vì Tiểu học?

Có ý kiến đề nghị tên gọi các cấp học phổ thông là cấp 1, cấp 2, cấp 3; Bổ sung quy định về ngày khai giảng và bế giảng năm học.

Thường trực Ủy ban cho rằng, quy định về tên gọi các bậc học: Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã được thực hiện ổn định theo quy định của Luật Giáo dục năm 1998.

Ép học thêm sẽ bị phạt 10 triệu đồng, tuyển sinh sai sẽ bị phạt 60 triệu đồng

Tên gọi các bậc học phổ thông cần phải được chính xác, khoa học, phù hợp với lứa tuổi, tâm, sinh lý của người học (nhi đồng, thiếu niên, thanh niên) và phù hợp với tên gọi các trình độ đào tạo cao hơn.

Thực tế trong các giai đoạn phát triển của giáo dục nước ta, tên gọi của các cấp học phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân đã có sự thay đổi về tên gọi, dẫn đến thay đổi về tổ chức nhà trường và xây dựng lại trường sở (biển tên, con dấu,...) và những thay đổi của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì đã tương đối ổn định, cơ bản phù hợp với hệ thống phân loại giáo dục quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Về bổ sung quy định về ngày khai giảng và bế giảng năm học, Thường trực Ủy ban cho rằng, Luật Giáo dục là luật chung về giáo dục, áp dụng cho các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học việc khai giảng, bế giảng và tuyển sinh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị không quy định cụ thể ngày khai giảng, bế giảng cho giáo dục phổ thông, mầm non trong Luật này.

AN NGUYÊN