Nhân lực ngành sư phạm nhìn từ những con số

13/08/2017 07:07
Thanh An
(GDVN) - Điều chúng ta cần làm lúc này là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo ở các địa phương nhất là trong giai đoạn này.

LTS: Phản ánh những bức xúc, lo lắng của xã hội trước thực trạng chất lượng tuyển sinh đầu vào các trường sư phạm hiện nay đang giảm mạnh, là một người thầy đang ngày ngày tham gia vào công tác giảng dạy – tác giả Thanh An đã đặt ra câu hỏi: "việc nhiều trường chỉ tuyển ở mức điểm sàn thì làm sao đào tạo thành những sinh viên sư phạm giỏi đây?".

Đồng thời cũng theo tác giả, không nên để tình trạng này kéo dài thêm nữa, Bộ giáo dục và các địa phương cần thể hiện trách nhiệm, cầu thị để có thể tuyển sinh, tuyển dụng khách quan, minh bạch nhằm nâng chất lượng nhân lực cho ngành sư phạm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Không phải đến bây giờ, mà bức tranh nhân lực ngành sư phạm đã trở nên ảm đạm từ nhiều năm trước. Nhưng năm nay, sau khi các trường sư phạm công bố điểm chuẩn đầu vào thì dư luận xã hội đã “dậy sóng” hơn bao giờ hết. 

Những sinh viên sư phạm rồi sẽ đi về đâu? Chất lượng giáo dục của những năm sau này sẽ như thế nào khi mà điểm đầu vào của các thầy cô tương lai ở một số trường chỉ ở mức điểm sàn? Và, vì sao các trường sư phạm vẫn đang tuyển một số lượng lớn thí sinh để đào tạo?

Chât lượng đào tạo sự phạm sẽ ra sao khi điểm đầu vào một số trường chỉ ở mức điểm sàn (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)
Chât lượng đào tạo sự phạm sẽ ra sao khi điểm đầu vào một số trường chỉ ở mức điểm sàn (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Hiện nay, nước ta có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường đại học, 33 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp sư phạm. 

Qua số liệu tổng kết của Bộ Giáo dục ngày 11/8/2017 cho thấy khối lượng trường sư phạm, các ngành đào tạo sư phạm trong các trường phải nói là rất nhiều (49 trường sư phạm và 106 khoa sư phạm trong các trường đại học và cao đẳng khác).

Thế nhưng, trong Quyết định số 732/QĐ-TTg (29/4/2016) của Thủ tướng Chính phủ (Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”), chỉ đạo đào tạo thay thế số giáo viên nghỉ hưu (khoảng 130.000 người) và đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm (khoảng 60.000 người). 

Song, thực tế thì các trường sư phạm và các cơ sở đào tạo sư phạm đã đào tạo cao hơn rất nhiều đề án của Chính Phủ. Năm học 2016 - 2017 là 65.300 chỉ tiêu sư phạm, năm 2017 - 2018 này là 52.000 chỉ tiêu. Như vậy, chỉ 2 năm thực hiện đề án thì số lượng đã lên đến 117.300 chỉ tiêu.

Với số lượng lớn sinh viên sư phạm như vậy nên ngân sách hàng năm phải chi cho đào tạo là tương đối lớn. Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2011, chi bù học phí cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo theo khung học phí quy định tại Nghị định 49 là gần 250 tỷ đồng. 

Đến năm 2012 đã nâng lên con số hơn 354 tỷ đồng, năm 2013 lên hơn 440 tỷ đồng và năm 2014 lại tăng lên hơn 484 tỷ đồng (VOV.VN, ngày 20/5/2016). 

Nên nhớ, đây chỉ là số tiền chi cho những trường trực thuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí. Các trường địa phương do các Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lí thì số trường, cũng như số lượng sinh viên sư phạm còn cao hơn rất nhiều so với các trường mà Bộ Giáo dục quản lí. 

Đó là chưa kể chi phí đào tạo, xây dựng, sắm sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chi tiền lương cho đội ngũ giảng viên, nhân viên ở các trường sư phạm.

Theo dự báo, đến năm 2020 cả nước thừa 70.000 cử nhân Sư phạm, đây là một sự lãng phí rất lớn cho toàn xã hội. Việc 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp mới là dự báo, còn thực tế chưa hẳn đã dừng lại ở con số này.

Vậy, tại sao đã dự báo như vậy mà vẫn đào tạo với số lượng rất lớn. Trong khi, phần lớn các trường phổ thông những năm gần đây vẫn giữ nguyên số lượng, thậm chí là giảm bớt số lượng học trò. Chỉ có một số trường ở các thành phố và các khu công nghiệp mới có số lượng tăng lên. 

Nhân lực ngành sư phạm nhìn từ những con số ảnh 2

Chuyên gia lên tiếng trước thông tin Quy hoạch mạng lưới các trường Sư phạm

Vì thế, nhu cầu về tuyển dụng nhân sự của ngành những năm gần đây rất ít. Thậm chí có nhiều địa phương ở miền Trung mấy năm liền không tuyển giáo viên nào. Bởi, thực tế nhiều địa phương hiện nay đang thừa rất nhiều giáo viên ở một số cấp học, môn học.

Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở nhiều như: Thái Bình 1.224 giáo viên, Phú Thọ 1.191 giáo viên, Thanh Hóa 2.188 giáo viên, Nghệ An 1.742 giáo viên, Quảng Nam 1.096 giáo viên…(Báo Nhân dân, ngày 18/1/2017).

Với số lượng giáo viên dôi dư nhiều như vậy chắc chắn sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách địa phương. Mỗi giáo viên chỉ cần nhận mức lương bậc 1 là 2,34 cộng với phụ cấp thì mỗi tháng sẽ khoảng 3,5 triệu đồng. Vậy, hàng ngàn giáo viên dư thừa đã tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

Quyết định số 732/QĐ-TTg (29/4/2016) của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ yêu cầu đào tạo sư phạm là: “Chọn lọc và đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề để bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”. 

Thế nhưng, nhiều trường từ nhiều năm nay chỉ tuyển ở mức điểm sàn thì làm sao đào tạo thành những sinh viên sư phạm giỏi đây?

Để nâng cao mặt bằng chung về chất lượng cho các trường sư phạm, thiết nghĩ, điều chúng ta cần làm lúc này là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, hạn chế đào tạo giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là các trường sư phạm ở các địa phương trong giai đoạn này là cần thiết.

Theo quy định, các trường có ngành sư phạm phải cắt giảm tối thiểu 10 - 20% chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước nhưng với hàng trăm trường và cơ sở đào tạo sư phạm thì con số hàng năm vẫn còn cao là điều tất yếu.

Nếu chỉ vì sợ đội ngũ giảng viên “thất nghiệp”, cơ sở hạ tầng các trường sư phạm bị lãng phí và nhất là được bao cấp trong việc đào tạo mà các trường, các địa phương vẫn tuyển sinh sư phạm với số lượng lớn, cho dù sinh viên sư phạm đang thất nghiệp nhiều, cho dù giáo viên trong các trường đang thừa thì thực sự lãng phí. 

Không nên để tình trạng này kéo dài thêm nữa, Bộ giáo dục và các địa phương cần thể hiện trách nhiệm, cầu thị để có thể tuyển sinh, tuyển dụng khách quan, minh bạch nhằm nâng chất lượng nhân lực cho ngành sư phạm.

Thanh An