Sáng chế chiếc máy nhổ sắn cầm tay của cậu học trò lớp 9

22/08/2017 07:07
Bài, ảnh: Minh Văn Phái
(GDVN) - Em Võ Hoàng Khanh, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Đăng Hữu Phổ (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đã sáng chế ra chiếc máy nhổ sắn giúp nông dân đỡ tốn sức..

Em Võ Hoàng Khanh, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Đăng Hữu Phổ huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tìm tòi sáng chế ra chiếc máy nhổ sắn giúp nông dân đỡ tốn công sức, nâng cao năng suất lao động.

Xã Quảng Phú có những cánh đồng sắn lớn nhất nhì huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vào vụ thu hoạch, bà con phải dùng cuốc bới từng gốc sắn, vất vả, mất nhiều thời gian.

Cảm nhận điều ấy, Khanh trăn trở suy nghĩ để chế ra máy nhổ sắn giúp bố mẹ và bà con đang trồng sắn bớt vất vả.

Từ ý tưởng trên, Khanh phác thảo thiết kế chiếc máy nhổ sắn với hệ thống cần đẩy và bộ phận “càng cua” rồi trao đổi với thầy Phan Thanh Đông, giáo viên dạy môn Vật lý của em.

Thầy Phan Thanh Đông đang thử nghiệm nhổ sắn.
Thầy Phan Thanh Đông đang thử nghiệm nhổ sắn.

Nhận thấy đây là ý tưởng hay, thiết thực, thầy Đông động viên và nhận lời giúp Khanh thực hiện ý tưởng.

Vào đầu dịp hè năm nay, Khanh và thầy Đông mất hơn một tuần lễ thảo luận và nghiên cứu địa hình những cánh đồng sắn ở địa phương, sau đó tìm đến các cơ sở thu mua phế liệu để chế “đòn bẩy đa năng”. 

Thầy Đông cho biết, sản phẩm này được chế theo nguyên tắc của lực đòn bẩy như Archimedes từng nói: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất lên".

Sáng chế chiếc máy nhổ sắn cầm tay của cậu học trò lớp 9 ảnh 2

Nam sinh chế tạo “Cánh tay robot cho người khuyết tật” nhận học bổng toàn phần

Cấu tạo sản phẩm gồm một cánh tay đòn được làm từ ống típ sắt dài khoảng 1,5m, có gắn tay cầm vuông góc với điểm đầu. 

Phía dưới nối trung điểm, vuông góc với một trục cơ dài khoảng 0,5m và tạo với mặt đất một góc nhọn khoảng 50 độ. 

Hai đầu trục cơ có gắn hai lốp xe đặc, mặt lốp rộng 0,1m.

Bề mặt của lốp rộng là để di chuyển thuận lợi trên mọi địa hình, nhất là vùng đất pha cát, không bị sụt lún. 

Giữa trục cơ có một bàn đế, gắn với hệ thống "càng cua" là hai thanh sắt chữ V, ghép làm mỏ với chức năng tạo gọng kìm ôm trọn phần gốc cây sắn.

 Tay điều khiển càng đẩy thì "càng cua" (mỏ) càng siết chặt cây sắn nhổ bật khỏi đất một cách nhanh chóng.

Sau khi sản phẩm “nhổ sắn cầm tay” cơ bản hoàn chỉnh, thầy Đông và Khanh đưa vào thử nghiệm nhổ sắn ở xã Quảng Phú.

Ông Lê Công Kính, một người dân địa phương dùng thử, nhận xét: "Quy trình sử dụng máy rất đơn giản, không sợ đứt củ như dùng cuốc, xẻng để nhổ cây.

Chỉ cần dùng lực nhẹ tác động vào tay cầm đưa “càng cua” phía dưới là gốc cây sắn được ôm trọn, đưa lên nhẹ nhàng.

Dùng sản phẩm này một giờ có thể nhổ hơn 100 gốc sắn, trong khi theo lối thủ công dùng cuốc 5 răng bằng sắt xới đất và dùng lực tay nhổ một giờ chỉ đạt chừng 30-40 gốc”.

Em Võ Hoàng Khang đang vận chuyển máy nhổ sắn.
Em Võ Hoàng Khang đang vận chuyển máy nhổ sắn.

Võ Hoàng Khanh cho biết, ưu điểm của sản phẩm này là chi phí đầu tư thấp, chỉ bằng mua một đôi cuốc sắt.

Khi dùng, sẽ giúp giải phóng sức lao động đáng kể cho nông dân; nhất là với người mắc chứng đau xương khớp, đau lưng...

Ngoài ra, sản phẩm này khi tháo hệ thống “càng cua” là có thể sử dụng làm xe đẩy di chuyển các vật nặng trọng lượng từ 2-3 tạ và chỉ cần một người điều khiển.

Thầy giáo Đông chia sẻ, sản phẩm nhổ sắn của em Võ Hoàng Khanh chưa “trình làng” vì thầy trò đang thiết kế thêm một tính năng mới, trở thành sản phẩm nhổ sắn “3 trong 1”.

Thầy Đông bật mí, tính năng mới này là bổ sung lắp ráp thêm vòm mái, ghế ngồi và hệ thống đèn, còi với pin sử dụng năng lượng mặt trời để trở thành xe chở trẻ em từ 1-5 tuổi dạo chơi.

Sản phẩm "nhổ sắn cầm tay" được Ban giám hiệu nhà trường và Phòng Công thương Quảng Điền đánh giá cao.

Trong năm tới, sản phẩm này sẽ tham dự hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thầy Đông cho biết thêm.

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và các vấn đề tiêu cực đầu năm học của các trường về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng!

Bài, ảnh: Minh Văn Phái