Tại sao Luật Giáo dục sửa đổi không đề cập đến việc xét tốt nghiệp phổ thông?

04/06/2018 06:10
Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh
(GDVN) - Trong những năm gần đây đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông bằng việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

LTS: Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh, Hội Khoa học Giáo dục tỉnh Nghệ An kiến nghị ngành Giáo dục và Quốc hội nên xem xét việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét công nhận tốt nghiệp.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong những năm gần đây đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông bằng việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bản thân cá nhân tôi cũng đã có ý kiến đề xuất trong các hội thảo và trên báo chí về nội dung này.

Chúng tôi hy vọng trong kỳ họp Quốc hội lần này dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra có nội dung đó để Quốc hội xem xét quyết định.

Nhưng rất tiếc dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội lại không có nội dung quan trọng này.

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: TTXVN)
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

Theo ý kiến của chúng tôi đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề xuất Quốc hội sửa đổi bổ sung thêm điều luật về bỏ kỳ thi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, mà chỉ cần xét công nhận tốt nghiệp cho các em dựa trên kết quả học tập và tu dưỡng toàn khóa của các em.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đề nghị Quốc hội cho phép làm điều đó vì:

Chúng ta có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nghiêm túc đến mức nào thì tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông không thể thấp hơn 95%.

Hàng chục năm qua các trường Tiểu học, Trung học cơ sở của Việt Nam đã làm tốt việc xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp tiểu học và cuối cấp trung học cơ sở.

Tại sao Luật Giáo dục sửa đổi không đề cập đến việc xét tốt nghiệp phổ thông? ảnh 2Thi Quốc gia, các thầy cô giám thị hãy nghiêm khắc đến phút cuối cùng

Các Phòng Giáo dục và Đào tạo và các Sở Giáo dục và Đào tạo đã đầy đủ kinh nghiệm để quản lý, chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt việc xét tuyển thay cho việc thi tuyển tốt nghiệp các cấp học ở bậc phổ thông.

Nhà nước Việt Nam đang tích cực hướng đến trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục lẽ nào không hướng tới việc trao quyền tự chủ cho các trường Trung học phổ thông trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp học tại trường mình.

Điều đáng nói hơn nếu chúng ta không tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông mà chỉ cần xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh học xong chương trình phổ thông sẽ bảo đảm chính xác hơn về kết quả và chất lượng tốt nghiệp trung học phổ thông, xóa hẳn tình trạng đỗ tốt nghiệp phổ thông do may rủi trong thi cử.

Tạo ra sự thoải mái hơn về tinh thần cho người học sau khi kết thúc 10 năm học tập tu dưỡng ở trường phổ thông.

Mặt khác sẽ tránh được sự lãng phí rất lớn tiền của của nhân dân và ngân sách Nhà nước.

Sự lãng phí tài chính, nhân lực cho các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đến thời điểm này chắc ai cũng đã thấy rõ.

Tại sao Luật Giáo dục sửa đổi không đề cập đến việc xét tốt nghiệp phổ thông? ảnh 3Người sướng, kẻ khổ khi dạy ôn thi Quốc gia

Sẽ thiết thực hơn nếu Nhà nước dùng kinh phí tiết kiệm do không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp để hỗ trợ thêm cho để tăng lương cho giáo viên.

Giảm hẳn sự căng thẳng không đáng có của học sinh và phụ huynh do kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông mang lại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh vào đại học, cao đẳng cho các trường đại học, cao đẳng cần thông qua một kỳ thi để tuyển sinh.

Kỳ thi tuyển sinh vào đại học trong thời gian tới sẽ không còn căng thẳng và nhà nước phải mất nhiều tiền của, sức lực của các ngành để tổ chức, phục vụ và quản lý thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng như trước đây nũa vì lượng đăng ký dự thi vào đại học cao đẳng sẽ giảm đi rất nhiều so với trước đây.

Số học sinh đăng ký dự thi vào đại học cao đẳng sẽ ít đi rất nhiều so với những năm trước đây vì mấy lý do sau:

Một bộ phận lớn học sinh sau khi có kết quả xét công nhận tốt nghiệp phổ thông sẽ dùng kết quả học tập ghi trong học bạ và giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông để đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng và các trường đào tạo nghề...

Nhiều nhất thì có khoảng 40% học sinh đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông làm thủ tục đăng ký dự thi vào các trường đại học và số trường đại học cao đẳng có tổ chức thi tuyển sinh cũng sẽ giảm đáng kể so với những năm trước đây.

Tại sao Luật Giáo dục sửa đổi không đề cập đến việc xét tốt nghiệp phổ thông? ảnh 4Bốn ý kiến cho kỳ thi quốc gia của thầy Thiên Ấn

Bởi tâm lý người học và tâm lý phụ huynh đã thật sự thay đổi họ cần học cái gì ra làm việc sẽ có lương chứ khồng cần vì mục tiêu "vào đại học bằng mọi giá" như những năm trước đây nữa.

Có một bộ phận đáng kể học sinh sau khi được xét công nhận tốt nghiệp phổ thông sẽ đi xuất khẩu lao động hoặc đi du học ở nước ngoài.

Với những gì đã trao đổi ở trên nếu được ngành Giáo dục và Quốc hội xem xét để bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông Trung học thay bằng hình thức xét công nhận tốt nghiệp chúng tôi tin rằng:

Tấm bằng chứng nhận kết quả tốt nghiệp Trung học phổ thông ngày càng có giá trị và việc học hành, thi cử của ngành Giáo dục nước nhà ngày càng giảm căng thẳng và giảm bớt nhọc nhằn cho nhà giáo và cho người dân hơn.

Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh