Thí sinh đừng để mất điểm oan môn Toán ở các câu nhận biết và thông hiểu

02/06/2018 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - Theo thầy Lê Tuấn Anh, hầu như ở chủ đề nào của giải tích và hình học lớp 11 và 12 học trò đều có thể gặp sai lầm khi làm bài.

LTS: Trong đề thi Toán trung học phổ thông quốc gia, số lượng câu hỏi phần nhận biết và thông hiểu chiếm 60% tổng số câu hỏi, mặc dù đây là phần dễ lấy điểm nhất nhưng nhiều thí sinh vẫn quên mất hệ thống công thức và lí thuyết cơ bản nên không xử lí được.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - hiện là giảng viên khoa Khoa học cơ bản - trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, thầy đưa ra những lưu ý giúp học sinh lấy điểm tuyệt đối phần câu hỏi nhận biết và thông hiểu môn Toán kì thi quốc gia 2018.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi này. 

Phóng viên: Thưa thầy, nguyên nhân gì khiến học sinh thường khó “ăn điểm” tuyệt đối trong phần câu hỏi về nhận biết và thông hiểu, thầy có chia sẻ gì để tháo gỡ vấn đề trên cho học sinh?

Thầy Lê Anh Tuấn:
Với các em có mục tiêu rõ ràng là điểm số môn Toán phải cao để còn cạnh tranh được vào các trường đại học tốp trên thì cần tập trung ôn luyện thật kĩ phần các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. 

Tuy nhiên, một phần cực quan trọng mà các em hay chủ quan và nghĩ mình dễ dàng làm đúng đó chính là hệ thống các câu hỏi về phần nhận biết và thông hiểu. Việc này dẫn đến tình huống các em mất điểm oan ở những câu hỏi dễ.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, phần nhận biết và thông hiểu thì nếu thí sinh cần thực sự cẩn thận và quan tâm đúng mức thì sẽ không gặp phải những sai sót đáng tiếc. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, phần nhận biết và thông hiểu thì nếu thí sinh cần thực sự cẩn thận và quan tâm đúng mức thì sẽ không gặp phải những sai sót đáng tiếc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong đề thi, số lượng câu hỏi nhận biết và thông hiểu chiếm 60%, tức là khoảng 30 câu đầu tiên. 

Với những câu hỏi ở mức độ này, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức giáo khoa và thao tác tư duy nhanh là có thể xử lí được.

Riêng về mặt tư duy, các em cần luyện tập nhuần nhuyễn 2 thao tác: Về nhận biết phải thuộc lòng và hiểu lí thuyết cơ bản, về thông hiểu phải vận dụng từ lí thuyết cơ bản qua tính toán và tư duy để giải bài. 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà ai cũng có thể làm được tối đa 30/30 câu hỏi. Vì có những thí sinh làm nhanh ẩu dẫn đến sai sót, hoặc quên mất hệ thống công thức và lý thuyết cơ bản nên không xử lý được.

Có thí sinh phụ thuộc quá nhiều vào máy tính Casio dẫn đến việc không nắm chắc hết kiến thức cơ bản và dễ gặp sai lầm khi làm bài.

Nhìn chung riêng phần nhận biết và thông hiểu thì nếu thí sinh cần thực sự cẩn thận và quan tâm đúng mức thì sẽ không gặp phải những sai sót đáng tiếc.

Thầy có những lưu ý gì cho học sinh về những dạng bài nhận biết thông hiểu thường hay mang tính “gài bẫy”, để các em tránh mất “điểm oan”?

Thầy Lê Anh Tuấn:
Để không mất nhiều điểm ở các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu, thí sinh không cần phải là người có tư duy quá tốt, chỉ cần là người nắm vững kiến thức cơ bản và phân loại các dạng toán rõ ràng.

Khi làm bài cần phải bóc tách rõ vấn đề, động đến kiến thức cơ bản nào là phải thuộc hết lý thuyết của phần đó, thì chắc chắn các em sẽ làm được hầu hết câu hỏi thuộc phần này.

Thí sinh đừng để mất điểm oan môn Toán ở các câu nhận biết và thông hiểu ảnh 2Học cùng thủ khoa – Chìa khóa mở cánh cửa Đại học dành cho teen 12

Tuy nhiên học sinh cũng rất hay mất điểm đáng tiếc ở phần này do đề thi đôi lúc “gài bẫy” những câu hỏi rất cơ bản:

Ví dụ: Với bài toán kết luận khoảng đồng biến nghịch biến của hàm số: Bình thường ta hay kết luận hàm số đồng biến, nghịch biến chỉ trên khoảng (a;b), nhưng đề thi lại kết luận trên đoạn [a;b], vậy kết luận đó có đúng không?.

Với phần cực trị thì phân biệt rõ các ngôn từ về điểm cực trị của hàm số, cực trị của hàm số và điểm cực trị của đồ thị hàm số, nếu không phân biệt được sẽ sai lầm ngay.

Với tập xác định của hàm số lũy thừa, học sinh thường hay sử dụng máy tính casio để làm. Tuy nhiên, riêng với hàm lũy thừa thì học sinh hầu hết sẽ sai nếu dùng máy tính casio.

Hầu như ở chủ đề nào của giải tích và hình học lớp 11 và 12 ta đều có thể gặp sai lầm khi làm bài. 

Các câu hỏi nhận biết thông hiểu trải đều ở tất cả các chuyên đề ở lớp 12 và một vài chủ đề ở lớp 11.

Gần như phần nào cũng sẽ có kiến thức của phần này. Vì vậy các em không chỉ tập trung luyện ôn vào 1 vài chủ đề nhất định nào đó, mà phải học đều tất cả các chủ đề.
 
Trong đề thi quốc gia năm 2019, phần câu hỏi nhận biết thông hiểu này sẽ còn phân bổ ở nội dung chương trình lớp 10, 11, 12, thầy có chia sẻ gì đối với các em học sinh khóa 2001 sẽ dự thi năm sau?

Thầy Lê Anh Tuấn:
Trong đề thi Toán năm sau, thí sinh sẽ phải gánh rất nặng kiến thức của cả 3 lớp 10, 11 và 12.

Tuy nhiên, đa phần đề thi sẽ ra các câu hỏi nhận biết thông hiểu và kiến thức cơ bản nhất ở lớp 10, 11 và một số câu ở lớp 12. Nên các em khóa 2001 chỉ cần học các kiến thức cơ bản của lớp 10, 11 và mốt sô chuyên đề ở lớp 12  thật kĩ là có thể xử lí đề thi tốt.

Tuy nhiên, các em nên có kế hoạch và lộ trình ôn luyện thi quốc gia 2019 ngay từ bây giờ.

Thí sinh đừng để mất điểm oan môn Toán ở các câu nhận biết và thông hiểu ảnh 3Người sướng, kẻ khổ khi dạy ôn thi Quốc gia

Đối với môn Toán, các em có thể lên kế hoạch học tập theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 là giai đoạn tổng ôn lại kiến thức 3 lớp, nên bắt đầu sớm từ tháng 6/2018, ôn luyện toàn diện tất cả các đơn vị kiến thức làm bàn đạp cho các giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn thứ 2 bắt đầu từ tháng 9/2018 song song với ôn luyện toàn diện, tập trung vào luyện các dạng bài và luyện đề.

Giai đoạn 3, từ tháng 4/2019, tập trung vào tối ưu điểm số bằng việc ôn luyện chọn lọc và kết hợp cả tổng ôn lẫn luyện đề.

Vạch rõ cho mình lộ trình luyện ôn từng giai đoạn ngay bây giờ sẽ giúp các em chủ động thời gian học và tự tin để đạt kết quả cao hơn.

Cảm ơn Thầy về cuộc trò chuyện. 

Thùy Linh