Trưa ngày 7/12, ngay sau khi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Bữa ăn bán trú học sinh tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai bị tố lèo tèo”, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã dẫn đầu tổ kiểm tra đột xuất bữa ăn trưa của học sinh tại nhà trường.
Theo báo cáo của cô Đỗ Thị Mai – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, bữa ăn trưa của học sinh được nhà trường thu với giá 30.000 đồng, là bao gồm cả bữa ăn nhẹ vào xế chiều, và suất ăn trưa cùng với tráng miệng.
Thực đơn được nhà trường lên trong cả tháng, đảm bảo không có ngày nào bị trùng món trong tháng.
Hiệu trưởng cũng mới chuyển về Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai được hơn 2 tháng, nhưng vẫn luôn cố gắng đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày, dinh dưỡng theo tiêu chuẩn cho học sinh.
Bữa ăn bán trú trưa ngày 7/12 của học sinh tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp (ảnh: P.L) |
Cụ thể, trưa ngày 7/12, học sinh sẽ ăn chả trứng hấp, canh khoai mỡ và tráng miệng là chuối trị giá hơn 16.000 đồng. Số tiền còn lại được trường mua món ăn xế chiều cho học sinh (hơn 14.000 đồng).
Như vậy, bữa ăn trưa trong ngày hôm nay của gần 1.000 học sinh bán trú của trường là dư hơn 1.200 đồng/em.
Đặc biệt, trong buổi kiểm tra thực tế trưa hôm nay, vẫn còn tình trạng bảo mẫu của trường sử dụng tay không để chia đồ ăn cho học sinh (không sử dụng muỗng, thìa). Việc này xảy ra ở lớp 5/3.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Vĩnh Thanh đề nghị, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát các nhân viên bảo mẫu phục vụ bán trú cho học sinh, cụ thể nhất là để giáo viên tham gia giám sát, có quy chế và nội quy hẳn hoi.
Ngoài ra, nhà trường có thể tiến hành lắp camera tại nhà bếp, để tránh trường hợp cấp dưỡng và nhân viên phục vụ làm ẩu. Chi phí lắp đặt camera có thể áp dụng hình thức xã hội hóa, hay từ kinh phí của trường.
Song song đó, ông Thanh đề nghị trường cần khắc phục ngay việc nhân viên trường đi chợ có ngày tính ra giá tiền bữa ăn cho học sinh thì dư so với tiền quy định, có ngày thì thiếu tiền.
“Bữa ăn của học sinh phải chấp nhận được, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các em, nhưng cũng phải đảm bảo không vượt quá số tiền được phép chi cho 1 tuần đi chợ” – ông Trịnh Vĩnh Thanh khẳng định.
Cuối cùng, ông Trịnh Vĩnh Thanh đề nghị nhà trường cần lập một hộp thư học sinh, để các em có ý kiến gì về chất lượng bữa ăn bán trú, ý kiến về bảo mẫu, do đối tượng phục vụ chính của nhà trường cũng chính là học sinh.
Trước đó, theo phản ánh của giáo viên nhà trường, trường có tổ chức phục vụ ăn sáng cho học sinh theo nhu cầu của từng phụ huynh, với giá thỏa thuận là 12.000 đồng/em/ngày.
Còn bữa ăn bán trú trưa, đã bao gồm cả bữa xế chiều có giá là 30.000 đồng/em/ngày, nhưng dường như chất lượng bữa ăn của các em theo cô giáo này nói là chưa tốt.
Thông thường thì bữa trưa, học sinh sẽ ăn gồm có một món mặn, canh, còn đồ xào thì hôm có hôm không, hay nếu có thì số lượng cũng rất ít.
Nhà trường để các em học sinh lớp 1,2 ăn vào tô, trong có đủ cơm và đồ mặn, còn canh chan sau cùng.
Học sinh các khối lớp lớn hơn như 3,4,5 thì được ăn vào khay, nhưng chất lượng cũng rất nghèo nàn. Nhận thấy vấn đề như vậy xảy ra trong bữa ăn bán trú của học sinh, giáo viên có phản ánh lên lãnh đạo nhà trường, nhưng vấn đề không được thay đổi.