Bất chấp dịch bệnh Covid tổ chức thao giảng chuyên đề để làm gì?

19/03/2022 07:13
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc các nhà trường, tổ chuyên môn được giao tổ chức thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh khiến nhiều giáo viên ngán ngại nhưng vẫn phải miễn cưỡng thực hiện.

Những tuần học vừa qua, tình trạng giáo viên và học sinh trở thành F0 ở các nhà trường phổ thông trên cả nước ngày một nhiều hơn. Trường ít thì hàng chục, trường lớn lên đến con số hàng trăm. Nhiều trường học mỗi ngày có đến hàng chục ca F0 nên khó khăn đang bủa vây từ nhiều phía.

Vậy nên, Ban giám hiệu nhà trường phải liên tục thay đổi các kế hoạch dạy và học cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Chính vì thế, các hình thức dạy và học cũng được thực hiện linh hoạt vừa dạy và học trực tiếp và kết hợp với dạy và học trực tuyến cùng một thời điểm.

Tuy nhiên, nhiều kế hoạch, phong trào, hội thi của cấp trên đưa về bắt buộc các nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên phải thực hiện đầy đủ, đúng theo kế hoạch.

Trong đó, các nhà trường, tổ chuyên môn được giao tổ chức thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh khiến nhiều giáo viên ngán ngại nhưng vẫn phải miễn cưỡng thực hiện.

Việc tổ chức thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh trong lúc này tiềm ẩn nhiều nỗi lo (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại).

Việc tổ chức thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh trong lúc này tiềm ẩn nhiều nỗi lo

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại).

Trường học đối diện với tình trạng F0 tăng nhưng vẫn phải chuẩn bị và tổ chức tiết thao giảng chuyên đề

Trước tình trạng giáo viên ở các nhà trường bị nhiễm Covid-19 ngày một nhiều hơn, bắt buộc các tổ chuyên môn phải phân công giáo viên còn khỏe mạnh dạy thay đồng nghiệp của mình để tránh tình trạng bỏ tiết, bỏ lớp.

Nhiều giáo viên đang phải gồng mình lên dạy vượt định mức quy định hàng chục tiết mỗi tuần vì trong tổ có một số đồng nghiệp là F0. Chính vì thế, áp lực công việc là rất lớn và tất nhiên sức khỏe người thầy cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Song, có những địa phương hiện nay vẫn thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề.

Nếu như những tháng trước đây dạy và học trực tuyến thì tổ chức thao giảng trực tuyến. Nhưng bây giờ, khi trở lại dạy và học trực tiếp thì việc thao giảng chuyên đề cũng được thực hiện trực tiếp ở các nhà trường.

Trong điều kiện bình thường, những tiết thao giảng chuyên đề Hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh đã khiến cho những đơn vị thực hiện vất vả chuẩn bị thì trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay những khó khăn còn tăng lên gấp nhiều lần.

Khổ nhất là giáo viên đước phân công thực hiện tiết thao giảng và tổ trưởng chuyên môn vì họ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng ý tưởng, lên kịch bản, soạn giảng…

Thậm chí, có giáo viên còn phải “mớm bài” trước để học sinh “cái gì cũng biết” nhằm hướng tới tiết thao giảng hoàn hảo và là tiết giảng mẫu cho cả Hội đồng bộ môn…học hỏi, rút kinh nghiệm.

Chính vì thế, để có một tiết thao giảng chuyên đề thì một số thầy cô chủ lực trong việc xây dựng và đứng ra thao giảng mất cả tuần trời chuẩn bị, tập dượt chu đáo, công phu đến từng chi tiết. Tuy nhiên, trong điều kiện các trường có số ca F0 tăng lên từng ngày như hiện nay thì việc chuẩn bị cũng không dễ dàng chút nào.

Điều đáng nói nhất là ngày diễn ra dạy tiết thao giảng thì giáo viên từ các trường bạn về dự rất đông trong không gian một lớp học.

Sau khi dự giờ xong, những giáo viên trong Hội đồng bộ môn cấp huyện hoặc cấp tỉnh tiếp tục cùng ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm và tìm ra những ưu điểm, hạn chế của tiết dạy.

Trong khi đó, số học sinh của một lớp và hàng mấy chục giáo viên dự giờ chăm chú theo dõi từng động tác, cử chỉ lời nói của thầy - trò trong tiết thao giảng thì không biết có ai là F0 hay không.

Nếu có, chắc chắn nó sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không chỉ trong phạm vi một lớp, một trường mà nó có thể lây nhiễm chéo sang giáo viên nhiều trường, nhiều huyện khác nhau.

Giáo viên học hỏi được gì từ những tiết thao giảng chuyên đề?

Khi thao giảng Hội đồng bộ môn cấp huyện thì lãnh đạo Phòng sẽ điều giáo viên ở các trường trong huyện, nếu thao giảng cấp tỉnh thì lãnh đạo Sở sẽ điều những thành viên cốt cán của bộ môn từ các huyện trong cụm, trong tỉnh về dự.

Chính vì thế, khi gặp nhau thì nhiều giáo viên có thói quen xúm lại để trò chuyện, hỏi han xã giao với nhau. Trong khi, theo quy định của các trường học hiện nay thì chỉ khi giáo viên test nhanh thấy mình bị nhiễm Covid-19 mới được nghỉ dạy, nghỉ công tác.

Vì thế, trong số những giáo viên từ nhiều nơi tập trung về một đơn vị để dự giờ tiết thao giảng chuyên đề rất dễ lây nhiễm Covid-19 chéo với nhau. Bởi, nhiều người bị nhiễm không có triệu chứng thì ai biết được những người đang khỏe mạnh, nói cười vui vẻ ở đơn vị bạn nhưng đến khi về nhà sẽ là F0….

Trong khi, việc thao giảng chuyên đề Hội đồng bộ môn ở các địa phương trong thời gian qua vẫn đang được phản ánh là rất hình thức, vô bổ. Mang tính “diễn” là nhiều chứ nó không phản ánh cho cái chung của các tiết dạy ở các nhà trường.

Tiết dạy thao giảng bao giờ cũng được chuẩn bị công phu, chu đáo vì đó là sản phẩm của tập thể nên được lên ý tưởng, chuẩn bị, tập dượt rất công phu nên khi thực hiện rất ít khi có những sai sót, hạn chế.

Mà cho là có sai sót thì sau khi dự giờ xong, các giáo viên từ các đơn vị khác về dự giờ cũng không bao giờ dám nói thật vì họ sợ mất lòng nhau.

Góp ý vẫn khen là chính - cho dù có hạn chế thì người ta vẫn lờ đi để tìm những cái hay, cái mới để khen ngợi giáo viên đứng lớp và đơn đứng ra tổ chức tiết thao giảng.

Sau đó, giáo viên các đơn vị bạn ra về mà có thể ai cũng biết tiết thao giảng mà mình vừa dự chẳng mang lại nhiều ý nghĩa cho người dự. Nhưng rồi, những việc hình thức như thế này vẫn cứ diễn ra từ năm này sang năm khác - kể cả những lúc dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay.

Không biết lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương nghĩ gì khi vẫn yêu cầu các Hội đồng bộ môn phải tổ chức thao giảng trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như thế này?

Người đứng ra xây dựng, thực hiện tiết thao giảng chắc cũng chẳng thiết tha gì bởi họ quá mệt mỏi, áp lực để có một tiết dạy trơn tru, hoàn hảo. Người đến dự giờ cũng chẳng có thiết tha gì khi bỏ ra cả buổi, chạy xe mấy chục cây số để “xem” một “vở diễn” nhàm chán…

Giáo viên đang có quá nhiều áp lực trong giảng dạy theo định mức, giảng dạy thay cho giáo viên đang là F0, rồi dạy trực tiếp, dạy trực tuyến đan xen và cả chuyện đang phải tập huấn trực tuyến chương trình mới, cùng vô vàn những công việc không tên khác.

Vậy thì lãnh đạo ngành còn tổ chức thao giảng chuyên đề Hội đồng bộ môn, hoặc tổ chức kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh để làm gì trong lúc này?

Không biết lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục có cập nhật số ca F0 hàng ngày mà các trường đã báo về hay không? Nếu có, chẳng lẽ lãnh đạo ngành lại không biết số ca F0 đang tăng nhanh, đang ám ảnh cả thầy và trò mỗi khi bước vào lớp học!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG