Bộ GDĐT: Hầu hết các trường không bố trí tổ hợp, chuyên đề có Âm nhạc, Mỹ thuật

25/07/2023 06:41
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Do chưa có giáo viên nên hầu hết các trường không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mĩ thuật.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số trường học năm học 2022 - 2023 cấp trung học cơ sở là 11.356 trường, trong đó trường công lập có 11033 trường, tư thục có 323 trường; tổng số trường cấp trung học phổ thông là 2.970 trường, trong đó công lập có 2.465 trường, tư thục có 505 trường (so với năm học 2021-2022 số trường trung học cơ sở là 11.353 trường; số trường trung học phổ thông là 2.943 trường).

Trong năm học 2022 – 2023, tổng số đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý và nhân viên các cấp trung học cơ sở là 368.515 người (trong đó, cán bộ quản lý: 22.481 người; giáo viên: 301.954 người; nhân viên: 44.080 người); Còn cấp trung học phổ thông là: 188.755 người (trong đó, cán bộ quản lý: 8.318 người; giáo viên: 156.772 người; nhân viên: 23.665 người).

Theo đánh giá, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn, năng lực, có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm; tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao; có ý thức tự giác nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Qua đó nhanh chóng tiếp cận được các nội dung, chương trình đổi mới, phát triển giáo dục và phát huy được sở trường trong công tác, sự sáng tạo trong hoạt động giảng dạy...

(Ảnh minh hoạ: Trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội)

(Ảnh minh hoạ: Trường Trung học cơ sở Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội)

Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu nhất là đối với giáo viên dạy các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn Khoa học Tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, …. Cấp trung học phổ thông có ít giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật; tỷ lệ giáo viên trên lớp chưa đủ theo quy định (Năm học 2022-2023 tỉ lệ giáo viên trên lớp là 2,19 giáo viên/lớp đối với cấp trung học phổ thông, 1,87 giáo viên/lớp đối với cấp trung học cơ sở); địa bàn rộng, địa hình phức tạp, khó khăn trong việc điều động đi bồi dưỡng trực tiếp, trong khi phải đảm bảo hoạt động giảng dạy bình thường tại các nhà trường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là do Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên trung học cơ sở nên nguồn tuyển dụng còn khó khăn. Sự phối hợp giữa ngành Giáo dục với các ngành liên quan và chính quyền một số địa phương trong rà soát, đề xuất tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ còn chưa hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng trên cần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt; Chú trọng nâng chất lượng đội ngũ giáo viên cốt cán để tận dụng nguồn lực cho bồi dưỡng; kết hợp với các trường sư phạm trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục phổ thông

Qua theo dõi và báo cáo của các tỉnh, 100% các trường đã xây dựng được kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ và của Sở. Các tổ chuyên môn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục, trong đó xây dựng Phân phối chương trình, nhất là với chương trình mới, bài học trong sách giáo khoa linh hoạt về thời lượng, phù hợp thực tế đội ngũ, cơ sở vật chất nên việc chủ động bố trí thời gian từng bài đã trở thành công việc bình thường...

Khi tổ chức thực hiện, việc xếp thời khóa biểu bắt đầu đã linh hoạt hơn so với năm học trước, phù hợp chuyên môn của giáo viên, bảo đảm định mức giờ dạy/tuần. Đối với giáo viên được phân công dạy cả 2 Chương trình, các trường chủ động điều chỉnh thời khóa biểu để bố trí cho phù hợp.

Việc thực hiện chương trình đảm bảo tiến độ, bảo đảm nội dung theo quy định; việc tổ chức dạy học tạo điều kiện phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, qua báo cáo của các tỉnh và kết quả kiểm tra một số địa phương như Hà Giang, Cao Bằng, An Giang, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Quảng Bình cho thấy còn một số tồn tại như:

Việc phân công giáo viên dạy các môn học mới như môn Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương chưa bảo đảm thực hiện nguyên tắc phân công giáo viên phù hợp với năng lực chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn tới khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng đồng thời làm tăng áp lực của giáo viên.

Khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường (việc xếp thời khóa biểu) còn chưa bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, phân công giáo viên đảm nhận các môn học mới, trong khi những giáo viên đó vẫn phải đảm nhiệm môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 dẫn đến ở một số thời điểm giáo viên phải dạy ở lớp 6, 7 vượt quá nhiều so với định mức/tuần, ảnh hưởng nhiều đến việc dạy các môn học.

Xây dựng các tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn cho học sinh lớp 10

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn cho học sinh lớp 10 được các trường thực hiện đúng theo quy định. Tất cả các trường trung học phổ thông căn cứ vào thực tế giáo viên hiện có, phòng học của nhà trường, thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm và nguyện vọng của học sinh tổ chức họp lãnh đạo, xây dựng kế hoạch bố trí học sinh lớp 10 theo các nhóm môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn.

Các trường trung học phổ thông đã công khai các phương án lựa chọn, tổ chức tư vấn cho phụ huynh, học sinh lựa chọn môn học và các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Hầu hết các trường trung học phổ thông thông báo tiêu chí và cho học sinh đăng kí theo từng tổ hợp.

Trong quá trình triển khai, hầu hết các trường trung học phổ thông đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh tương tự như những năm học trước nhưng phải điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 cho phù hợp với Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT.

Theo yêu cầu xây dựng các tổ hợp môn học phải phù hợp với điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất nên nhiều học sinh chưa được đáp ứng đầy đủ theo nguyện vọng học một số môn học theo nhu cầu. Ví dụ, tại Đồng Tháp do điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ nên nhiều trường trung học phổ thông không thể cho học sinh chọn lựa từng môn theo sở thích cá nhân. Thay vào đó, các trường đặt ra các tổ hợp môn (từ 3 - 4 môn/tổ hợp) cho học sinh lựa chọn dẫn đến tình trạng: học sinh bắt buộc phải học môn mà mình không thích.

Do chưa có giáo viên nên hầu hết các trường không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mĩ thuật. Cụ thể, tổ hợp có môn Âm nhạc: Bình Dương 1 trường – 2 lớp – 74 học sinh, Tây Ninh 1 trường – 1 lớp – 37 học sinh; Long An 1 trường – 2 lớp =69 học sinh; môn Mĩ thuật: Bình Dương 1 trường – 2 lớp -53 học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, việc chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường khó khăn hơn so với học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Linh An