Cần bao nhiêu tiền để được thành lập trường đại học tư thục là phù hợp?

25/06/2022 07:00
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược: “Số tiền đầu tư cho việc thành lập trường đại học tư nên căn cứ vào quy mô đào tạo và ngành đào tạo”.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP.

Nhiều ý kiến băn khoăn về nội dung: “Một trong các điều kiện để thành lập trường đại học tư thục là phải có vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng (không gồm giá trị đất xây dựng trường)”.

Để có thêm cách nhìn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược (Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược - Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. (Ảnh: Ngô Hiển)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược - Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. (Ảnh: Ngô Hiển)

Phóng viên: Trong dự thảo thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 135/2018/NĐ-CP có quy định, một trong những điều kiện để thành lập trường đại học tư thục phải có vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm đất xây dựng trường). Ông nhận định như thế nào số vốn 1.000 tỷ đồng trong dự thảo quy chế?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược: Con số 1.000 tỷ đồng, không bao gồm đất xây trường vẫn là một con số lớn ở thời điểm này. Nếu quy đổi số tiền đó ra đô la Mỹ (USD) sẽ tương đương khoảng 43 triệu USD.

Hồi đầu năm 1990, tôi sang tại Nhật Bản làm việc với nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế Nhật Bản. Trong đó, Giáo sư Trần Văn Thọ là cầu nối để tôi gặp Giáo sư Saburo Okita, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Trong buổi gặp, đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) ngỏ ý muốn tài trợ kinh phí để thành lập một trường đại học tư thục ở Việt Nam với số tiền là 1 triệu USD. Nhưng khi đó Việt Nam đang trên con đường đổi mới, cuối cùng Giáo sư Trần Văn Thọ cùng với Giáo sư Trần Hồng Quân và tôi đã bàn bạc và thống nhất kế hoạch xúc tiến thành lập một Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Mục tiêu hướng tới là thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa chính sách kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, nhà kinh doanh của Việt Nam tiếp cận, giao lưu, nghiên cứu những đặc điểm và kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của các nước châu Á - Thái Bình Dương, góp phần đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các nhà kinh tế về khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Đến nay, Trung tâm hoạt động ngày càng mạnh mẽ và có hiệu quả.

Có thể nói, mọi thứ so sánh đều khập khiễng, nhất là đầu tư cho giáo dục. Nhưng số tiền cần là bao nhiêu để các trường tư có thể thành lập thì cần một số tiêu chí nhất định.

Phóng viên: Theo ông, có thể dựa vào tiêu chí nào để làm căn cứ cho số tiền đầu tư thành lập trường đại học tư thục?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược: Dự thảo đã có những quy định khá cụ thể cho việc thành lập trường đại học tư thục. Nhưng theo tôi, cần dựa vào tiêu chí quy mô đăng ký tuyển sinh của trường là bao nhiêu và số lượng ngành đào tạo mà trường hướng tới.

Thứ nhất là về quy mô tuyển sinh, một trường đại học tuyển sinh 1.000 sinh viên khác với số lượng 500 sinh viên. Bởi lẽ sẽ liên quan tới kinh phí đầu tư cho cơ sở giảng dạy (giảng đường, trang thiết bị…), trả lương cho cán bộ giảng dạy, ký túc xá cho sinh viên…

Thứ hai là hướng ngành đào tạo mà trường đó hướng tới. Thử làm một phép tính đơn giản về trường chỉ đào tạo các ngành khoa học xã hội với ngành khoa học kỹ thuật.

Nếu trường đào tạo về các ngành thuộc về khoa học xã hội có số lượng 1.000 sinh viên thì đầu tư 1.000 tỷ đồng cho cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy có thể phù hợp.

Nhưng các trường kỹ thuật thì hoàn toàn khác, dù số lượng tuyển sinh là 500 sinh viên nhưng vẫn đòi hỏi phải đầu tư về trang thiết bị máy móc, phòng để làm thí nghiệm học tập. Số tiền đầu tư cho các trang thiết bị thí nghiệm không hề rẻ, nhất là các ngành công nghệ cao, cơ khí thì tiền đầu tư cho một thiết bị đã rất lớn. Do đó, cần cụ thể hoá hơn các yêu cầu cho việc thành lập trường đại học tư.

Phóng viên: Từng đến tham quan, nghiên cứu nhiều cơ sở giáo dục đại học ở trên thế giới, ông đánh giá giáo dục tư thục của các nước như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược: Tôi đi nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Mỹ… các trường đại học bên đó chủ yếu là tư thục, rất ít trường công nhưng nền giáo dục rất phát triển.

Trường Đại học Michigan ở thành phố Ann Arbor của bang Michigan, Mỹ là trường đại học công được thành lập năm 1817.

Khoảng năm 2005, tôi có dịp đến thăm ngôi trường này và được biết trường công ở Mỹ được xây dựng bằng nhiều nguồn khác nhau. Nguồn kinh phí sẽ do ngân sách nhà nước cấp một phần, mạnh thường quân ủng hộ và đóng góp từ sinh viên.

Ở nhiều nước, trường đại học tư thục hướng tới xây dựng danh tiếng, thương hiệu cho trường và vươn xa không chỉ trong khu vực mà cả quốc tế.

Đối với Việt Nam, vấn đề đầu tư kinh phí cho giáo dục là rất quan trọng. Các trường đại học tư hiện nay đang chú trọng đầu tư cơ sở vật chất tuy nhiên tôi cho rằng cần đầu tư hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng cho sinh viên cũng như chú trọng vấn đề đầu ra cho sinh viên.

Để khi sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Hạn chế tối đa nhất việc đào tạo sinh viên ra không có việc làm, hoặc cầm tấm bằng tốt nghiệp mà không có định hướng tiếp theo cho tương lai của bản thân.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Võ Đại Lược.

Ngô Hiển