Chủ tịch HĐGS liên ngành kiến nghị tăng chất lượng công bố khoa học

01/11/2023 06:30
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Phương tiêu chuẩn bài báo quốc tế, nhất là đối với lĩnh vực khoa học sự sống, kỹ thuật công nghệ,… phải điều chỉnh theo hướng nâng cao.

Ngày 18/10, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Trong danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023, liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản có 25 ứng viên. Trong đó có 5 giáo sư, 20 phó giáo sư.

Các ứng viên đều đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, chi cục chăn nuôi - thú y như: Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh; Chi cục Chăn nuôi - Thú y Thành phố Cần Thơ; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang; Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế; Viện Chăn nuôi; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II; Viện Khoa học Sự sống - Đại học Thái Nguyên;...

Tại 26/28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành được công khai, có 606 ứng viên vượt qua vòng xét duyệt, 89 ứng viên không đủ tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư, phó giáo sư hoặc có đơn xin rút.

Trong đó, liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản là 1 trong 7 ngành, liên ngành có 100% ứng viên đều vượt qua vòng xét duyệt sau khi Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị.

Kỳ họp Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thuỷ sản tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. (Ảnh: website Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế)

Kỳ họp Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thuỷ sản tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. (Ảnh: website Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế)

Chất lượng ứng viên ngày càng cao

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản cho biết: Việc các ứng viên đều vượt qua vòng Hội đồng Giáo sư liên ngành có 3 lý do sau:

Thứ nhất, các ứng viên đã chuẩn bị rất kỹ hồ sơ, bám sát tiêu chuẩn theo quy định trong Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg.

Thứ hai, Hội đồng Giáo sư cơ sở đã thẩm định kỹ các hồ sơ của ứng viên trước khi gửi danh sách lên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.

Thứ ba, các trường/viện nghiên cứu luôn quan tâm đến vấn đề xét công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư của đơn vị mình nên có hỗ trợ tốt.

“Nhiều ứng viên đã vượt khá xa tiêu chuẩn về số bài báo theo quy định. Quan điểm xuyên suốt của Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản trong nhiều năm qua là bám sát theo quy định của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg, không đòi hỏi các điều kiện thêm, minh bạch danh mục tạp chí chi tiết và có cập nhật hàng năm cũng như định nghĩa thế nào là tác giả chính ngay trong quyết định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước khi công bố danh mục tạp chí nên ứng viên rất dễ chuẩn bị.

Tôi cho rằng, chất lượng ứng viên giáo sư và phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản trong các năm qua đều đạt tốt các tiêu chuẩn của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉ lệ ứng viên có các công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (đặc biệt là các công trình có chỉ số impact factor cao hay trong nhóm Q1 và Q2 theo phân loại của Scimago) tăng dần qua các năm. Đặc biệt, các bạn ứng viên trẻ có chất lượng tốt, giỏi về công bố khoa học quốc tế và ngoại ngữ, nhiều đề tài/ dự án, kể cả dự án hợp tác quốc tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Thầy Phương cũng cho biết thêm, kết quả xét công nhận của hội đồng từ năm 2019 - 2022 có 41 ứng viên, trong đó có 10 ứng viên giáo sư và 31 ứng viên phó giáo sư. Sau khi được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận có 10 ứng viên giáo sư và 27 ứng viên phó giáo sư.

Riêng năm 2023 liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản có 5 ứng viên giáo sư và 20 ứng viên phó giáo sư (nếu tất cả được công nhận). Như vậy, tỉ lệ ứng viên giáo sư so với phó giáo sư cũng khá cao, cao nhất 44% (năm 2020) và thấp nhất là 13,5% (2021), và 16,7% (năm 2023).

“Xin nói thêm, đây là tổng số ứng viên của 3 ngành: Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản; 3 lĩnh vực này rất lớn, rộng và là thế mạnh của Việt Nam mà số lượng như vậy là còn quá ít. Lấy ví dụ, ngành thú y hiện nay cả nước chỉ có 2-3 giáo sư (chỉ có 1 giáo sư còn trong tuổi công tác, các giáo sư khác đã nghỉ hưu), ngành thuỷ sản cũng tương tự, cả nước chỉ có 9 giáo sư.

Việc trở thành ứng viên giáo sư theo tôi là cần có sự chuẩn bị tích cực từ nhiều năm trước, thậm chí khi được công nhận là phó giáo sư thì phải nghĩ ngay đến chuẩn bị cho bước tiếp theo là giáo sư thì mới có kết quả tốt. Năm 2023 có 5 ứng viên giáo sư trong số này ứng viên có thời gian giữa giáo sư và phó giáo sư ngắn nhất là 10 năm. Điều này cho thấy thời gian chuẩn bị khá dài mới đủ điều kiện”, thầy Phương thông tin.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản, để trở thành giáo sư có nhiều tiêu chuẩn khá khó đạt như: hướng dẫn nghiên cứu sinh, chủ trì/tham gia phát triển chương trình đào tạo.

“2 tiêu chí này nhiều ứng viên khó đạt được do lệ thuộc vào cơ hội để có nghiên cứu sinh và thời gian nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo và tham gia xây dựng chương trình đào tạo… Mặc dù công bố khoa học quốc tế (WoS hay Scopus) tuy yêu cầu cao nhưng nếu chuẩn bị tích cực để có 5 bài thì cũng không khó bằng hướng dẫn thành công 1 nghiên cứu sinh”, thầy Phương nhấn mạnh.

Cần tăng chất lượng công bố khoa học hơn là số lượng

Để đạt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư các ứng viên cần đạt yêu cầu về công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Tiêu chuẩn này cũng khiến nhiều ứng viên gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo thầy Phương ở góc độ của Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản là lĩnh vực khoa học sự sống, việc công bố khoa học quốc tế 3 bài đối với phó giáo sư và 5 bài đối với giáo sư không khó, thậm chí họ có thể có được nhiều bài hơn.

“Cá nhân tôi cho rằng, tới đây tiêu chuẩn bài báo quốc tế, nhất là đối với lĩnh vực khoa học sự sống, kỹ thuật công nghệ,… phải điều chỉnh theo hướng nâng cao thì mới phù hợp, vì tiêu chuẩn hiện tại thấp và không còn phù hợp với xu thế.

Tôi ủng hộ theo hướng là tăng chất lượng công bố hơn là số lượng công bố, ví dụ có thể ứng viên giáo sư và phó giáo sư phải có bài từ Q2 trở lên trong tổng số các bài quy định về điều kiện cứng (ví dụ: ít nhất 30% số bài quy định phải là Q2 trở lên) hay là dựa vào chỉ số index, giáo sư phải có sách chuyên khảo,… tức là theo hướng chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học”, thầy Phương nêu quan điểm.

Thống kê tình hình xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư qua các năm của liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản. (Bảng: Nhật Lệ)

Thống kê tình hình xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư qua các năm của liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản. (Bảng: Nhật Lệ)

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản, ngoại ngữ là phương tiện trong hoạt động khoa học công nghệ, các ứng viên trẻ hiện nay đều giỏi ngoại ngữ vì được học từ nhỏ hoặc đa phần học ở nước ngoài, hoặc học trong nước thì chuẩn đầu vào ngoại ngữ cũng đã khá cao. Yêu cầu ngoại ngữ ở mức độ giao tiếp ứng viên hoàn toàn có thể đạt được.

“Hiện nay việc công bố được bài báo trong Tạp chí quốc tế không có nghĩa là người đó phải giỏi ngoại ngữ. Vì khi viết bài thì việc thuê dịch vụ chuyên nghiệp (kể cả của tạp chí đăng bài) để biên tập ngoại ngữ trở nên phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Việc này rất thuận lợi cho cả người đăng bài và của khâu biên tập của tạp chí”, thầy Phương bày tỏ.

Hiện, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương cũng là Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ. Tại trường, tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư hiện tại so với số giảng viên của trường là 16% (tỉ lệ tiến sĩ là 54%) thuộc nhóm cao hàng đầu của của cả nước (có đơn vị của trường là hơn 40% giảng viên là giáo sư và phó giáo sư).

Theo thầy Phương để có được con số này trường đã có hẳn chủ trương của Đảng uỷ và kế hoạch của trường mỗi năm phải có ít nhất 12 giáo sư và phó giáo sư (năm nào cũng đạt ít nhất 15). Từ đó tạo điều kiện cho các cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ phấn đấu.

Nhà trường cũng khuyến khích mỗi tiến sĩ phải định hình kế hoạch phấn đấu thành phó giáo sư và phó giáo sư thành giáo sư. Đồng thời, đơn vị/trường luôn ủng hộ giảng viên thông qua tạo điều kiện thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, phân công giảng dạy, khuyến khích thưởng trong công bố khoa học trong nước và quốc tế…

Nhật Lệ