LTS: Vừa qua, khi nói về quá trình tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và phụ trách xây dựng chương trình giáo dục môn Lịch sử, Giáo sư Phạm Hồng Tung có nhắc đến chuyện “lo sợ” và “thiếu chuyên nghiệp”.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) để dư luận hiểu rõ hơn những băn khoăn, trăn trở của thầy.
Phóng viên: Như chia sẻ thì trong suốt quá trình tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông từ khi bắt tay vào làm đến bây giờ thì tâm lý luôn thường trực của thầy là cảm giác lo sợ. Thầy có thể chia sẻ rõ hơn thầy đã lo sợ những điều gì?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Làm bất kỳ công việc gì, từ việc quét nhà, may áo cho đến tham gia phát triển chương trình giáo dục thì người có lương tâm, có trách nhiệm luôn thường trực tâm trạng lo sợ, như Khổng Tử nói “lo sợ như người đi trên lớp băng mỏng”.
Đó là tâm thế lo sợ có trách nhiệm để luôn dặn mình phải làm hết mình, luôn thận trọng, tránh làm ẩu, tránh phạm những sai lầm để lại hậu quả sau này. Lo sợ này là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm chứ không phải sợ hãi điều gì cả.
Khi tham gia phát triển chương trình, tôi lo sợ trước tiên vì đây là cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới cách tiếp cận chương trình, triết lý dạy học, nếu trước đây là cách tiếp cận nội dung thì giờ đây là tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất.
Giáo sư Phạm Hồng Tung (ảnh: Thùy Linh) |
Bởi lẽ khi nghe chuyên gia quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo mời về thì chúng tôi được biết, nước Anh họ đã làm bước chuyển này từ những năm 2001-2003 nhưng đã thất bại do chuyển nhanh, chuyển gấp, chuyển 180 độ từ nội dung sang năng lực phẩm chất. Nên giờ họ phải làm lại bằng cách kế thừa tiếp cận nội dung với dần dần chuyển sang giáo dục năng lực phẩm chất.
Thời điểm đó, vị chuyên gia ấy lấy một ví dụ mà tôi luôn khắc nhớ đó là “bạn muốn mời tôi uống một tách cafe thì mục đích là cafe phải đi vào người tôi, đó là phát triển năng lực, phẩm chất nhưng nếu không có cái tách thì tôi không uống được”, điều đó có nghĩa là năng lực, phẩm chất người học vẫn phải qua con đò chuyên chở nó đó là nội dung chứ không có một nền giáo dục trống rỗng mà lại phát triển được năng lực, phẩm chất. Do đó hai cách tiếp cận này là có tính kế thừa, tiếp nối liền mạch với nhau.
Tôi trực tiếp nghe chuyên gia quốc tế chia sẻ mà ban đầu còn khó tiếp thu nên tôi lo sợ rằng không biết bao giờ cán bộ quản lý, thầy cô ở cơ sở mới tiếp nhận và vận dụng được.
Thứ hai, tôi lo sợ vì khi đổi mới chương trình đồng thời đổi mới vai trò, chức năng, ý nghĩa của sách giáo khoa và các học liệu.
Trước đây, sách giáo khoa được coi như một tài liệu có tính chất pháp lệnh- có nghĩa là bắt buộc, nếu giáo viên hết tiết đó không dạy hết bài đó thì coi như cháy giáo án, tổ trưởng bộ môn có quyền yêu cầu chỉnh sửa nếu không sẽ bị phê bình và giáo viên không được dạy những điều ngoài sách giáo khoa. Bây giờ sách giáo khoa không còn vai trò đó nữa mà tính pháp lệnh thuộc về chương trình.
Về nguyên tắc, toàn bộ quá trình dạy-học của thầy và trò chỉ buộc phải tuân theo chương trình chứ không phải tuân theo sách giáo khoa, mà sách giáo khoa giờ chỉ là một học liệu trong số các học liệu cơ bản tối thiểu.
Thế nhưng mà thầy cô của chúng ta đã theo quán tính hàng chục năm nay là lệ thuộc vào sách giáo khoa, ra câu hỏi thi cũng dựa vào sách giáo khoa, thế mà bây giờ sách giáo khoa chỉ là trong các học liệu, thì tôi lo sợ đồng nghiệp của tôi – tức thầy cô ở các trường có nhận thức đúng không?
Thực tế, tôi tham gia tập huấn nhiều nơi thấy giáo viên đứng lớp rất ít khi quan tâm đến chương trình mà cứ chờ sách giáo khoa, họ vẫn chờ sách giáo khoa như trước đây.
Thậm chí, ngay cả khi giáo viên nhận thức được bước chuyển đó thì tôi lo sợ không biết thầy cô có biết cách đọc chương trình hay không, vì họ đều là những nhà chuyên môn nên điều họ chú ý và đọc đầu tiên là cột bên trái – đó là cột chuyên môn nhưng trong chương trình hiện nay cột đó khá sơ giản, chỉ là những gợi ý về nội dung, còn yêu cầu cần đạt – tức cột bên phải mới là quan trọng, thì lâu nay, theo quán tính giáo viên quên bẵng đi, không quan tâm và cứ chờ sách giáo khoa.
Thứ ba là, bất kỳ cuộc đổi mới nào cũng cần điều kiện để thực hiện thành công từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất… Ấy vậy mà giờ đây hết covid-19 lại đến bão lũ trôi hết sách vở, bàn ghế của thầy trò. Vậy lấy gì để đổi mới đây? Tôi đau xót lắm. Đáng ra giáo viên phải được tạo điều kiện để muốn tìm hiểu cái gì về đổi mới là có công cụ hỗ trợ cái đó thì giờ đây thầy cô ở nhiều tỉnh miền Trung còn đang phải đi cạo bùn, lau bàn ghế, phơi sách vở…
Thứ tư là, đi kèm với đổi mới cách tiếp cận, đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa thì tiếp theo phải là đổi mới cách đánh giá, trong đó có thi cử, tức là cách đánh giá của chúng ta phải thay đổi, ấy vậy mà đến nay chưa có ai cảnh báo về điều này một cách đầy đủ, nên tôi lo sợ rằng sắp tới thầy cô sẽ thực hiện thế nào?
Trước đây, dù học giỏi hay học kém thì mỗi khi đầu giờ học sinh đều run sợ khi thầy cô kiểm tra bài cũ, mỗi kỳ thi đều đầy áp lực vì cách đánh giá tiêu cực, tức là thầy cô luôn xoáy vào điểm mà họ giả định học trò chưa học, còn yếu, sai lầm để ra đề thi. Dù được điểm bao nhiêu cũng cảm giác như bị trừng phạt.
Giờ khi đổi mới thì phải đổi sang cách đánh giá tích cực phù hợp tiếp cận năng lực, phẩm chất để làm sao mỗi lần được đánh giá thì học trò, từ học sinh tiểu học đến nghiên cứu sinh tiến sĩ đều cảm thấy tự tin hơn vì được khuyến khích, được đánh giá công bằng. Nhưng khi giáo viên không được phê bình học trò trước lớp, giáo viên tiểu học không được cho điểm…. đó là cách đánh giá tích cực, nhưng thầy cô không được dạy để đổi mới kỹ thuật đó và cha mẹ có hiểu được điều đó không?
Thậm chí giáo viên còn loay hoay không biết khi không cho điểm thì làm sao đánh giá được học sinh, không phê bình thì làm sao thể hiện được sự nghiêm khắc của người thầy, để các em tiến bộ…
Do đó chúng ta cần phải có bước chuyển trong cách đánh giá, từ đó mới xây dựng được câu hỏi trắc nghiệm trong các kỳ thi chuẩn, chứ nếu không nền giáo dục cứ mãi loay hoay với việc kỳ thi năm nay điểm Sử thấp thì sang năm lại giảm tải, năm sau điểm Toán cao thì năm sau nữa lại tăng tải…
Một chương trình khi ban hành là đã hoàn thiện, giống như một cơ thể hoàn chỉnh, ấy vậy hàng năm nó được giao cho chuyên viên của Bộ, Sở, Phòng nghiên cứu làm công việc giảm tải, tăng tải. Cho dù các bạn ấy thực sự tận tâm và nghiêm túc thì các bạn ấy cũng khó có thể làm tốt được việc này, vì họ có phải là nhà phát triển chương trình chuyên nghiệp đâu!
Chính điều này đòi hỏi chúng ta phải có tổ chức chuyên nghiệp đảm trách việc phát triển chương trình thì họ sẽ nhìn ra để từ đó sẽ cắt bớt hay tăng thêm nhưng không gây ra khủng hoảng có tính hệ thống.
Ngoài ra, trong chương trình tổng thể có một phần rất lớn dành thời lượng cho giáo dục địa phương mà chương trình, nội dung, học liệu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, xây dựng.
Nhìn từ chương trình tổng thể được Ngân hàng thế giới cho vay tiền, tập trung nhiều chuyên gia đầu ngành tâm huyết, ấy vậy mà còn vật vã 18 tháng mới xong, vậy tôi sợ không biết các tỉnh sẽ làm thế nào để phát triển được chương trình cho 20% tổng thời lượng giáo dục dành cho giáo dục địa phương.
Hay lại làm như trước đây: vá víu tí Sử, tí Địa, tí Kinh tế, tí Du lịch... để trở thành nội dung giáo dục địa phương. Điều này không đúng với phát triển năng lực, phẩm chất của con em địa phương trong bối cảnh kinh tế thị trường, khi mỗi địa phương phải là một điểm đến, một địa bàn kinh tế, văn hóa có thế mạnh riêng của mình.
Đó là những lo ngại của tôi từ việc nếu không hiểu đúng chương trình, không đọc đúng chương trình, vai trò của sách giáo khoa, mối quan hệ giữa sách giáo khoa với các học liệu khác, triết lý đánh giá chuyển từ “trừng phạt” sang “khuyến khích, khen ngợi”, giáo dục địa phương thế nào thì công cuộc đổi mới sẽ còn vô vàn khó khăn.
Xin ông cho biết, các thành viên trong ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 có phải là những nhà phát triển chương trình chuyên nghiệp?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Trước tiên phải nói rằng, tôi không thay mặt cho Ban phát triển chương trình, tôi cũng không thay mặt cho một cơ quan, tổ chức nào mà tôi đang chia sẻ nhận thức của cá nhân tôi.
Qua quá trình tham gia phát triển chương trình giáo dục phổ thông 18 tháng vừa qua thì tôi phát hiện ra sự khác nhau trong cách tổ chức phát triển chương trình của Việt Nam so với các nước có điều kiện giáo dục tiên tiến là: họ có cơ quan, tổ chức chuyên nghiệp đảm trách công việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông, đại học, sau đại học. Nhân viên ở đó được trả lương và xây dựng, phát triển chương trình cả đời, nên họ sẽ luôn quan trắc được chương trình hiện hành có theo kịp cuộc sống hay không, có khuyết thiếu điều gì, lạc hậu cái gì, rồi theo dõi chương trình ở nước ngoài có gì hay thì họ điều chỉnh logic, khoa học chứ không chắp vá.
Còn tại Việt Nam, đến nay chưa có trường đại học nào có mã ngành đào tạo nguồn nhân lực để phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa và cũng chưa có một tổ chức nào chịu trách nhiệm với việc đó. Nếu có thì họ đã đứng ra làm chứ không phải chúng tôi.
Vì chúng ta chưa có nên tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm thực hiện đào tạo và tổ chức, còn khi đã có rồi thì Bộ giao về cho một đơn vị nào đó quản lý thì đó là việc của Bộ.
Bởi lẽ khi chuyên nghiệp thì họ không những thành thạo về chuyên sâu phát triển chương trình mà họ còn am tường những trường phái lý thuyết khác nhau nào về khoa học chương trình, phương pháp khác nhau về phát triển chương trình, phương pháp khác nhau về đánh giá, phương pháp khác nhau về quản trị…
Tất cả những điều đó phục vụ cho phát triển chương trình sau đó mới đến tri thức, hiểu biết chuyên ngành cụ thể như Sử, Toán, Lý…- kiến thức chuyên ngành là chỉ là kiến thức thứ yếu của người chuyên nghiệp phát triển chương trình.
Đem tiêu chuẩn của thế giới mà thầy vừa nêu so với cách mà thầy vừa tham gia trong ban phát triển chương trình thì thầy có điều gì khác biệt?
Giáo sư Phạm Hồng Tung: Trước tiên phải khẳng định, qua nhiều công đoạn từ lấy ý kiến nhân dân, được hội đồng thẩm định đánh giá… thì chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta đã xây dựng thành công, và đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành.
Để xây dựng chương trình đó thì có 18 người xây dựng chương trình tổng thể, 56 người tham gia ban soạn thảo chương trình môn học. Tuyệt đại đa số họ đều là những nhà chuyên môn giỏi, tâm huyết, đứng lớp vài chục năm thậm chí có người đã hàng chục năm tham gia phát triển chương trình, có kinh nghiệm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, đại học, sau đại học, và có cả những người từng tham gia phát triển chương trình ở nước ngoài.
Nhưng kinh nghiệm không thay thế được chuyên nghiệp.
Phải thừa nhận là, tất cả chúng tôi không loại trừ ai đều không được đào tạo chuyên môn là phát triển chương trình giáo dục mà chúng tôi được đào tạo ở những chuyên môn khác nhau: Sử, Ngôn ngữ, Toán, Hóa…nên chúng tôi đều không phải là những nhà phát triển chương trình giáo dục chuyên nghiệp.
Vì không chuyên nghiệp như vậy nên khi tham gia phát triển chương trình, với tinh thần trách nhiệm và cầu thị cao, chúng tôi phải làm rất nhiều việc để tự đào tạo mình.
Phải nói rằng, nhiệm kỳ trước Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã tổ chức cho các chuyên gia tham gia phát triển chương trình phổ thông được đi học, đi đào tạo, tham khảo kinh nghiệm của hơn 10 nước. Khi đó, bằng kinh nghiệm của mình chúng tôi đã được cọ xát và trình độ nâng lên rất nhiều.
Ngoài ra, Bộ cũng tổ chức cho chúng tôi đi thực tế và trong quá trình thực hiện thấy thiếu hụt chỗ nào thì chúng tôi phải kết nối với thầy cô từ trường chuyên, trường thường, trường miền xuôi, trường miền núi…
Ví dụ lúc đầu chúng tôi dự kiến tất cả các môn học ở bậc trung học phổ thông đều là môn tự chọn trừ Ngoại ngữ, Giáo dục quốc phòng – an ninh, Giáo dục thể chất.
Lúc đó, lo ngại của Ban phát triển chương trình là như vậy thì các trường có sắp xếp được thời khóa biểu không, do đó chúng tôi đã liên hệ với các thầy cô, cán bộ quản lý nhờ giả định các môn còn lại là tự chọn hết để lấy ý kiến học sinh, thấy khả thi thì mới đề xuất.
Nhưng sau đó một số chuyên gia giáo dục cho rằng có thể rủi ro vì thực hiện ở thành phố lớn thì ổn nhưng các tỉnh vùng sâu xa thì chưa phù hợp nên chúng tôi lại phải để một số môn là bắt buộc còn các môn khác là “tự chọn bắt buộc” tức là nếu học trò chọn học các môn thiên về tự nhiên thì vẫn phải chọn thêm môn xã hội để đảm bảo phát triển toàn diện.
Hay chuyện có nên áp dụng đại trà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.
Khi thừa nhận sự không chuyên nghiệp, tôi tuyệt đối không hề chê bai ai đó trong Ban phát triển chương trình là thiếu kinh nghiệm hay yếu kém, mà điều tôi mong muốn là những người kế tục mình phải những nhà phát triển chương trình thực sự chuyên nghiệp, họ luôn thường trực ở một cơ quan chuyên nghiệp để làm công việc đó chứ không phải tổ chức kiểu “dự án”, tức là ký hợp đồng với các chuyên gia, rồi 18 tháng xong chương trình thì giải tán và sau đó không biết ai ở đâu, hết cả quyền chịu trách nhiệm về chương trình.
Ví như giờ chương trình cần giảm tải, cần tham khảo ý kiến các thành viên mà có người đã ra nước ngoài thì sao, bởi hết hợp đồng thì họ không còn trách nhiệm nữa, không ở Việt Nam chẳng hạn. Điều đó cho thấy, đây là tổ chức thiếu chuyên nghiệp.
Hơn nữa, năm học vừa qua vì dịch Covid-19 nên chuyển đổi từ dạy trực tiếp sang dạy online, nhưng đến nay chưa ai tổng kết phương pháp giảng dạy này nên chưa hề có chỉ dẫn, nguyên tắc nào chính vì vậy thầy cô vẫn tự giảng dạy qua phần mềm mà thôi.
Trong khi dạy online là xu hướng, nhưng chương trình vừa rồi xây dựng không tính đến tình huống này. Chính vì vậy tôi muốn nhắc lại là cần phải có cơ quan quan làm chương trình chuyên nghiệp thì họ sẽ tính toán được điều này.
Do đó tôi cho rằng, sau khi Bộ đánh giá được thành công của chương trình tổng thể, chương trình môn học thì sớm mở mã ngành đào tạo nhân lực phát triển chương trình. Lúc đó đổi mới chẳng cần hô hào mà tự khắc sẽ diễn ra theo quy luật của giáo dục trong bối cảnh kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Hơn nữa, việc biên soạn sách giáo khoa ở nước ngoài cũng là công việc của những người cả đời chỉ viết sách giáo khoa và được trả lương để làm công việc này chứ không phải đang làm việc khác rồi nhận hợp đồng của Nhà xuất bản A hay B rồi tham gia biên soạn như ở ta hiện nay.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, chúng ta cần có tổ chức chuyên nghiệp và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp để làm chương trình và biên soạn sách giáo khoa, khi đó không cần nguồn kinh phí rất lớn nữa vì người chuyên nghiệp đó họ biết cách họ biên soạn, tổ chức tập huấn, liên lạc với giáo viên để giáo viên tiếp nhận nhanh nhất, nhìn thấy chương trình là biết chương trình, nhìn thấy học liệu này là lắp ở chỗ nào, sử dụng chỗ nào. Và chỉ khi đó học sinh thân yêu của chúng ta mới là những học trò tích cực.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư Phạm Hồng Tung về cuộc trao đổi.